Hệ lụy của suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Suy dinh dưỡng thấp còi không chỉ gây ra những ảnh hưởng về ngắn hạn mà tình trạng này còn gây ra nhiều hậu quả lâu dài.

 

“Những ảnh hưởng trí tuệ do hậu quả của suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ thường là những ảnh hưởng lâu dài, rất khó khắc phục kể cả khi trẻ đã hết suy dinh dưỡng” - TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh điều này khi trả lời PV Báo TNVN.

Thưa bác sĩ, tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng của trẻ em vùng dân tộc thiểu số hiện nay có gì đáng báo động?

Theo báo cáo tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi dưới 5 tuổi ở vùng miền núi chiếm tỷ lệ cao nhất 38% (đặc biệt có vùng lên tới 42%). Mặc dù tỷ lệ SDD toàn quốc đã giảm, tuy nhiên tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (32% so với 17,1%), đồng thời tỷ lệ trẻ nhẹ cân cũng cao hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (21% so với 8,5%). Hơn nữa, có tới 60% số trẻ em bị SDD thể thấp còi ở 10 tỉnh có tỷ lệ SDD thể thấp còi cao nhất cả nước là người DTTS.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.Không chỉ SDD thấp còi, nhẹ cân, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em các vùng núi và DTTS vẫn đang ở mức cao. Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc là 67,7% và Tây Nguyên là 66,6%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi cao nhất ở khu vực miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây Nguyên (11,0%) trong khi cả nước là 9,5%. Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng cao nhất ở miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%), trong khi cả nước là 19,6%.

Bác sĩ có thể nói rõ nguyên nhân của tình trạng SDD, thấp còi này?

Có nhiều nguyên nhân: Chế độ dinh dưỡng thai kỳ không đảm bảo;Chiều cao của bố mẹ thấp (mẹ dưới 1m45, bố dưới 1m55); Một số phong tục về chăm sóc dinh dưỡng không phù hợp và vệ sinh cá nhân, môi trường chưa tốt cũng gián tiếp dẫn đến thấp còi; Kinh tế kém phát triển, dẫn đến bữa ăn của trẻ thiếu cả về số lượng và chất lượng.Khẩu phần ăn của trẻ không hợp lý, trẻ không ăn đủ bữa tối thiểu, trẻ không được tiếp tục cho bú đến 1 tuổi, tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở vùng DTTS khoảng từ 33-52%, thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%).

SDD thấp còi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, tinh thần và tương lai của trẻ em vùng cao?

SDD thấp còi có thể ảnh hưởng đến vóc dáng, chiều cao, trí tuệ, sức đề kháng... Chiều cao thấp khi trưởng thành cũng là nguy cơ của tình trạng thừa cân, béo phì sau này. SDD thấp còi gây chậm phát triển về thể chất. Khi trẻ mắc bệnh, sự thiếu hụt dinh dưỡng làm cho cơ thể không đủ năng lượng và các vi chất để duy trì hoạt động và dành cho quá trình phát triển, khiến chậm phát triển hệ cơ xương nên trẻ chậm phát triển chiều cao, giảm tích tụ mỡ trong cơ thể làm trẻ gầy gò…

SDD và các bệnh nhiễm trùng được coi là vòng xoắn bệnh tật. Những trẻ bị SDD sẽ có hệ miễn dịch yếu hơn, vì vậy trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm phổi, sởi… Khi tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài làm trẻ giảm hấp thu, đồng thời làm cho tình trạng SDD trầm trọng hơn.

Suy dinh dưỡng thấp còi có thể ảnh hưởng đến vóc dáng, chiều cao, trí tuệ, sức đề kháng...  (Ảnh minh họa: Hà Nguyên)Theo UNICEF, tình trạng chậm phát triển trí lực do SDD giai đoạn đầu đời khiến trẻ phải đi học muộn hơn, giảm 22-45% khả năng học tập cả đời. Những ảnh hưởng trí tuệ do hu quả của SDD thấp còi ở trẻ thường là những ảnh hưởng lâu dài, rất khó khắc phục kể cả khi trẻ đã hết SDD.

Ngày 5/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu ca Chiến lược là giảm tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực miền núi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030. Theo ông, chúng ta cần làm gì để giải quyết vấn đề SDD ở trẻ em vùng DTTS?

Để giải quyết vấn đề SDD ở trẻ em vùng DTTS cần sự nỗ lực không chỉ từ các cá nhân, gia đình mà còn cần sự hỗ trợ từ chính sách và cấp quản lý. Một số đề xuất đưa ra gồm: Triển khai các can thiệp dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ SDD ở trẻ như: chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời (chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục bú mẹ cho trẻ em từ 6 đến 23 tháng. Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, uống vitamin A 2 lần/năm theo chương trình đối với trẻ dưới 3 tuổi); theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; quản lý và điều trị cho trẻ bị SDD cấp tính; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; bảo đảm nước sạch, vệ sinh cá nhân và môi trường.Cải thiện số lượng và chất lượng bữa ăn của trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế. Tăng cường giáo dục kiến thức về dinh dưỡng để các bà mẹ chăm sóc con đúng chuẩn khoa học hơn.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Lưu Hường thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận