“Thay vì chúng ta phỏng đoán, lo lắng rằng sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh vào tháng 11, 12 tới thì chúng ta cần trang bị kiến thức cần thiết để phòng ngừa, để đối mặt với căn bệnh này”. Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn Báo TNVN.
Thưa bác sĩ, tại sao dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay lại bùng phát mạnh, đặc biệt là khu vực phía Nam với số ca mắc và tử vong tăng cao so với cùng kỳ mọi năm?
Chúng ta đã biết sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh truyền nhiễm lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes Aegypti. Và khẩu hiệu luôn đúng là “không có muỗi sẽ không có SXH”, tuy nhiên con số mắc và tử vong theo thống kê là không hề nhỏ. Câu hỏi đặt ra tại sao năm nay lại có nhiều ca mắc SXH như thế? Tại sao lại có con số tử vong nhiều như vậy. Nếu chúng ta xâu chuỗi thì hiểu SXH liên quan đến muỗi đốt. Chúng ta lơi lỏng việc vệ sinh môi trường sẽ tạo điều kiện cho muỗi phát triển rất mạnh. Đây là mối nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến số ca mắc mới. Thứ 2, trong thời gian vừa qua, nước ta xuất hiện rất nhiều dịch bệnh như cúm, adenovirus, đặc biệt từ khi có dịch Covid-19 thì mỗi khi thấy biểu hiện sốt mọi người thường nghĩ tới Covid-19, hoặc cúm nhiều hơn mà ít nghĩ đến SXH. Chính tâm lý chủ quan này rất nguy hiểm, nó làm cho SXH bị coi nhẹ đi và khi phát hiện ra bị SXH thì thường đã muộn rồi.
Thống kê những ca SXH nặng đều là những bệnh nhân (BN) bị biến chứng rồi, BV tuyến dưới mới chuyển lên tuyến trên. Nhiều BV tuyến dưới không thạo xử lý tình huống SXH, đến khi BN bị nặng mới chuyển tuyến thì BN đã trong tình trạng sốc, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, chảy máu chân răng, suy đa tạng... khi đó việc điều trị rất khó khăn.
Việc phát hiện sớm và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm khi mắc SXH có ý nghĩ như thế nào khi mà chúng ta đang có nguy cơ đối mặt với các bệnh truyền nhiễm khác?
Hiện nay, đang có nhiều dịch bệnh cùng lúc lưu hành như dịch cúm, adenovirus, Covid, đậu mùa khỉ… Vậy làm thế nào để phát hiện, làm thế nào ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm của SXH khi SXH có chung triệu chứng với các loại sốt khác như: sốt, đau đầu, đau mỏi người. Nhưng bị SXH thường sốt cao đột ngột, kèm đau nhức 2 hốc mắt và có thể gặp tình trạng phát ban. Khi có những biểu hiện đó thì cần phải nghĩ tới SXH, người dân cần chủ động đi khám ở các cơ sở y tế để được tư vấn về chăm sóc và điều trị, về các biện pháp tự chăm sóc cho bản thân cũng như chăm sóc cho người thân trong gia đình.
Biện pháp quan trọng thứ nhất là hạ sốt. Khi sốt cao (trên 39 độ) thì có thể uống thuốc hạ sốt Paracetamol, người lớn 1 viên 0,5g, trẻ em có thể uống gói bột pha theo cân nặng (liều là 10mg/1kg cân nặng). Sau 4-6 tiếng nếu vẫn sốt thì uống lại. Nếu uống thuốc mà vẫn sốt cao thì kết hợp dùng nước ấm lau người, sau đó để bay hơi tự nhiên giúp cho cơ thể hạ nhiệt xuống.
Biện pháp thứ 2 là uống đủ nước để cơ thể không bị cô đặc máu, suy tuần hoàn. Đây chính là “chìa khóa” quan trọng để giúp người bệnh qua được giai đoạn nặng nề của SXH.
Sở dĩ hiện nay ở nhiều nơi số ca mắc mới tăng cao và tử vong nhiều là do người dân còn chủ quan, cứ nghĩ một vài ngày sẽ đỡ sốt và không đi khám ngay, đến khi bệnh chuyển nặng mới biết là SXH. Đấy là điều rất nguy hiểm. Bởi bệnh SXH thường có 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn đầu của SXH (khoảng 3 ngày), thường người bệnh có triệu chứng sốt cao. Việc uống đủ nước rất quan trọng, sẽ giúp cho máu không bị cô đặc và suy tuần hoàn. Người bệnh có thể uống nước lọc, nước oresol, nước hoa quả nhưng không nên uống các loại nước sẫm màu để tránh nhầm lẫn với biểu hiện nôn ra máu. Muốn biết lượng nước uống có đủ hay không, chúng ta căn cứ vào lượng nước tiểu. Lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc bằng bình thường là đủ; cố gắng duy trì uống đủ nước như vậy ít nhất cho đến 3 ngày sau khi hết sốt để cơ thể dễ chịu hơn và không có biến chứng nặng (cô đặc máu và suy tuần hoàn).
Với SXH, việc phát hiện sớm và điều trị đúng rất quan trọng, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được cơ sở y tế ngay lập tức nên làm thế nào để người dân biết cách tự chăm sóc bản thân là hết sức cần thiết. Khám sớm để biết bệnh, nhờ thầy thuốc tư vấn biết cách theo dõi đảm bảo sức khỏe tối ưu nhất. Việc tuân thủ tái khám đúng hẹn khi hết sốt cũng rất quan trọng, bởi có trường hợp khi sốt giảm có tình trạng thoát huyết tương gây cô đặc máu, có biến chứng đi vào sốc, rất nguy hiểm. Việc tái khám để biết tình trạng máu cô đặc hay không, tiểu cầu tăng cao hay giảm thấp… để được điều trị kịp thời.
Hiện nay SXH vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng bệnh, để đối phó với dịch bệnh, người dân cần lưu ý điều gì khi diễn biến bệnh còn phức tạp?
SXH năm nào cũng bùng phát thành dịch vào đợt này. Đây là quy luật mà các nhà tiền bối về dịch tễ đã quan sát và ghi nhận được trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều sự thay đổi do biến đổi khí hậu, thay đổi về môi trường sống, ý thức phòng bệnh của người dân… Covid-19 là ví dụ rất rõ ràng của sự thay đổi này. SXH cũng vậy. Hiện nay, chưa chắc chu kỳ 4-5 năm miền Bắc sẽ xảy ra đợt dịch SXH lớn bùng phát hay không, nhưng chúng ta luôn luôn sẵn sàng tinh thần cảnh giác bởi SXH có thể bùng phát bất kỳ lúc nào nếu điều kiện thời tiết, điều kiện khí hậu phù hợp, nếu không vệ sinh môi trường để muỗi sinh bệnh. Và chúng ta không biết tới đây SXH miền Bắc còn bùng phát theo mùa nữa hay không, rất có thể SXH ở miền Bắc sẽ lưu hành quanh năm. Đặc biệt khi hiện nay, chúng ta không phải chỉ có một căn bệnh SXH mà còn rất nhiều căn bệnh khác nữa như dịch cúm, sởi, thủy đậu, Covid, adenovirrus, đậu mùa khỉ… đang tiềm ẩn, đe dọa nên chúng ta không được chủ quan. Thay vì chúng ta ngồi phỏng đoán, lo lắng rằng SXH có thể vẫn diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh vào tháng 11, 12 tới thì chúng ta cần tích cực trang bị kiến thức, nắm bắt thông tin để tự chăm lo bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho những người xung quanh mình. Đây chính là “chìa khóa” quan trọng để đối mặt với dịch bệnh SXH bùng phát bất cứ lúc nào.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Lưu Hường thực hiện