Việc ứng dụng công nghệ số 3D trong phẫu thuật tạo hình vi phẫu không chỉ có tính chính xác cao mà còn tối ưu về mặt thẩm mỹ và chức năng cho người bệnh ung thư hàm mặt.
Từ phương pháp phẫu thuật kinh điển…
Ung thư hàm mặt luôn là thách thức trong việc điều trị. Theo số liệu báo cáo của TS.BS Nguyễn Hồng Nhung, khoa Phẫu thuật và Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tại Hội nghị khoa học quốc tế về Phẫu thuật sọ mặt, tạo hình và thẩm mỹ tháng 9/2022, 10 năm trở lại đây, tất cả phác đồ điều trị triệt để trên thế giới đều cắt rộng tối đa vùng có khối u, vét hạch phòng chống di căn cho bệnh nhân (BN). Tuy nhiên, việc phẫu thuật này không những sẽ để lại khuyết hổng rất lớn vùng hàm mặt mà còn ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, nói, thở và thẩm mỹ, đặc biệt với BN bị biến dạng xương hàm dưới.
Để bù lắp những khuyết hổng cho BN, các bác sĩ áp dụng tạo hình vi phẫu, tức là lấy “vật liệu” trên chính cơ thể người bệnh (vùng cho) để vá lại vùng khuyết (vùng nhận) ngay trong cùng 1 cuộc mổ. Chẳng hạn, với trường hợp phải cắt bỏ một phần hay cả lưỡi, hoặc bị khoét một bên má thì phẫu thuật viên (PTV) BV Răng Hàm Mặt Trung ương phải dùng vạt da ở tay hoặc ở đùi, nối mạch máu để tái tạo. Còn muốn tái tạo sàn miệng hay xương hàm dưới, xương hàm trên… lại phải dùng xương mác đưa lên vùng nhận. Đây là một trong những kỹ thuật khó, đòi hỏi sự điêu luyện, tỉ mỉ và sức bền của PTV. Bởi mỗi ca phẫu thuật thường kéo dài từ 12-18 tiếng đồng hồ. Sau phẫu thuật, tùy từng loại ung thư, các bác sĩ sẽ tiếp tục gửi BN đến BV108 cùng theo dõi sát sao trong nhiều năm để điều trị bổ trợ hóa trị, xạ trị khi cần thiết. Có BN sau phẫu thuật đã tốt nghiệp đại học, đi làm; có BN lập gia đình và sinh con. Nhiều BN sau 5 năm không có dấu hiệu tái phát. Thậm chí, họ không cần sử dụng xạ trị hay hóa trị.
Bác sĩ Hồng Nhung cho biết, việc tái tạo theo đúng kế hoạch khi phẫu thuật là vô cùng quan trọng để đảm bảo kết quả hoàn hảo về thẩm mỹ và chức năng, mang lại vẻ đẹp tối ưu cho khuôn mặt cũng như sức khỏe, nụ cười cho người bệnh. “Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ phải sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại 8-25 lần để phẫu tích và nối những mạch máu nhỏ dưới 1mm. Đây là một thách thức rất lớn, bởi khi đưa tổ chức từ chỗ khác đến vùng nhận chỉ một sơ suất nhỏ sẽ có những rủi ro rất cao”, TS.BS Nhung chia sẻ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương pháp kinh điển, các thông số đo đạc tính toán chỉ là dựa trên kinh nghiệm, sự hiểu biết và cảm quan của PTV. Với những tổn thương nặng, đặc biệt là khuyết hổng xương hàm dưới (bởi xương mác thường thẳng, sau khi cắt chỉnh để tạo hình thành xương hàm dưới) thì sự tính toán từng góc cạnh về các mức giải phẫu dù chi li đến mấy cũng chưa cho một kết quả hoàn hảo. Nhất là người bệnh trẻ, ngoài việc chữa được bệnh trở về cuộc sống bình thường thì về mặt thẩm mỹ là vấn đề mà các PTV còn nhiều trăn trở.
…Đến việc ứng dụng công nghệ 3D
Xương hàm dưới được coi là khung đỡ của phức hợp chức năng miệng, họng và hình dáng khuôn mặt. Việc phẫu thuật tạo hình lại xương hàm dưới giúp khôi phục tối đa các chức năng ăn nhai, cắn, nói, nuốt, thở, tiết nước bọt và đảm bảo cả yếu tố thẩm mỹ cho BN. Chính vì thế các PTV đã mạnh dạn tiên phong trong cập nhật công nghệ số 3D để tạo hình xương hàm bằng vạt xương mác vi phẫu, giúp đơn giản hoá những trường hợp phẫu thuật được cho là phức tạp, cho kết quả phẫu thuật chính xác hơn, giảm thời gian phẫu thuật và cuối cùng thu được kết quả cải thiện tốt cấu trúc và chức năng của xương hàm. Phương pháp này đã được áp dụng tại BV Răng Hàm Mặt TƯ Hà Nội từ năm 2021 đến nay đã thực hiện thành công cho 34 BN.
“Sau phẫu thuật, điều đầu tiên chúng tôi thấy hài lòng khi nhìn khuôn mặt cân đối sau khi BN tái khám. Thứ hai là các chức năng ăn nhai, cắn… sẽ hoàn hảo hơn trước rất nhiều. Khi có kế hoạch tạo hình 3D hoàn hảo sẽ rút ngắn thời gian phẫu thuật, giúp người bệnh hồi phục nhanh”, TS.BS Nhung nhấn mạnh.
Trường hợp BN Nguyễn Khoa N, 42 tuổi, ở TP Huế, bị u men xương hàm dưới. Sau khi phẫu thuật lần đầu thất bại tại BV Trung ương Huế đã đến BV Răng Hàm Mặt TƯ khám bệnh. Tại đây, anh N được bác sĩ Nhung chỉ định tháo bỏ vạt vào tháng 12/2020. Hẹn 1 năm sau phẫu thuật tạo hình lại. Tháng 12/2021, BN được phẫu thuật tạo hình lại và đã thành công.
Anh N chia sẻ, sau khi mổ ở Huế, anh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt bởi khớp cắn bị sai, sẹo co kéo, gương mặt biến dạng, phát âm khó. Suốt mấy tháng vùng phẫu thuật chảy dịch mủ, nên anh N phải ăn qua ông xông dẫn từ mũi vào dạ dày. “Sau khi phẫu thuật ghép lại xương băng công nghệ 3D, tôi đã ăn nhai và phát âm bình thường, gương mặt đã hết biến dạng”, anh N vui mừng nói.
Là một trong những người trực tiếp phẫu thuật cho BN, bác sĩ Nhung cho biết, u men xương hàm là bệnh lý lành tính nhưng phá huỷ xương và dễ tái phát khi không được cắt bỏ triệt để. Do bệnh phát triển âm thầm, không có những triệu chứng rõ rệt nên thường khi u đã lớn, BN mới tới khám và điều trị. Lúc đó xương hàm thường đã bị phá huỷ rộng lớn, không thể điều trị bảo tồn. Do vậy, người bệnh nên khám định kỳ để được phát hiện và điều trị đúng.
Việc mô phỏng thông số ảo sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo lại những khuyết hổng ở vùng đầu và cổ đã được các nghiên cứu trên thế giới công bố cách đây khoảng 20 năm. Giờ đây các PTV của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương thực hiện thường quy, giúp đơn giản hoá những ca phẫu thuật được cho là phức tạp. Đây cũng là cơ hội đem lại sự sống kỳ diệu cho BN ung thư nếu chưa có di căn xa và người bệnh cần tái tạo lại xương hàm dưới./.
“Việc tính toán thông số trên công nghệ in 3D tạo ra 1 cái xương hàm dưới hoàn hảo từng góc độ được PTV mô phỏng qua phẫu thuật ảo, sau đó dự kiến thực hiện vi phẫu cho BN theo mô hình đó. Việc tính toán chi tiết những đoạn cắt, ghép sẽ giúp cho các PTV có thể tiến hành đơn giản, chuẩn xác chứ không phải đợi BN lên bàn mổ mới tính toán mất nhiều thời gian như trước kia. Việc lập kế hoạch và tiến hành đúng theo kế hoạch khi ứng dụng công nghệ số 3D trong vi phẫu là vô cùng quan trọng để đảm bảo kết quả tối ưu về thẩm mỹ và chức năng cho BN”.
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung
|
Lưu Hường