Ngăn chặn người có ý định tự tử
Một buổi tối đầu tháng 9, chuông điện thoại Tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM reo vang. Một bệnh nhân sống tại chung cư ở quận Tân Phú lên cơn kích động, đập phá đồ đạc, chửi bới, có ý định đe dọa tính mạng người nhà. Bác sĩ Lê Bá Phước Nguyên cùng ê-kip nhanh chóng lên đường. Qua điện thoại, bác sĩ Nguyên hướng dẫn thân nhân cách trấn an bệnh nhân, đưa người này vào một căn phòng trống, loại bỏ các vật dụng sắc nhọn như dao, kéo, chén sứ hoặc thủy tinh để bệnh nhân không dùng làm vũ khí gây thương tích cho bản thân.
Khi các nhân viên y tế đến nơi, bệnh nhân tỏ ra sợ hãi, hoang tưởng rằng có người đang muốn đến gần để ám hại mình. Sau khi đánh giá tình trạng bệnh, ê-kip báo ngay đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần nhận định, trường hợp này cần khống chế và tiêm thuốc an thần để bệnh nhân bớt kích động rồi đưa đến bệnh viện gấp. Lúc này, được sự đồng ý của gia đình, bác sĩ Nguyên gọi công an khu vực, cùng với sự trợ giúp của lực lượng bảo vệ chung cư, ê-kip nhanh chóng chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Bác sĩ Lê Bá Phước Nguyên kể: “Với sự hỗ trợ của bảo vệ chúng tôi nhanh chóng khống chế được bệnh nhân và chích thuốc an thần cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân không bị kích động nữa, chúng tôi kiểm ra toàn bộ để xem bệnh nhân có tự làm thương tích bản thân không hoặc trong quá trình khống chế có gây thương tích cho bệnh nhân không, rồi chuyển lên băng-ca và đưa vào Bệnh viện Tâm thần”.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, những bệnh nhân cần cấp cứu qua đường dây 115 chủ yếu là người có ý định hoặc đang thực hiện các hành vi tự sát; hoặc la hét, đập phá đồ đạc, tự làm đau bản thân và dọa giết những người xung quanh. Nhân viên y tế đã can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa mức độ gây hại, cứu sống người bệnh sau đó xử trí theo quy trình, đưa đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để thăm khám và điều trị. Hầu hết bệnh nhân cấp cứu được hỗ trợ kịp thời, điều trị và ổn định sau đó. Tuy nhiên, có 2 trường hợp khi người nhà phát hiện và gọi cấp cứu, bệnh nhân đã tử vong.
Bác sĩ Long cho hay, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ các chứng bệnh tâm thần tăng là do áp lực của cuộc sống hiện đại, nhiều người phải cố gắng xoay xở để thích nghi với xã hội. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 mang đến những tác động tiêu cực hơn, khiến một số người không thể thích ứng và vượt qua khó khăn. Từ đó, họ phát sinh suy nghĩ và hành vi tự tử.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, trước khi có mô hình “cấp cứu trầm cảm”, hệ thống 115 cũng đã tiếp cận một số ca bệnh trầm cảm tự tử hay rối loạn tâm thần nên có kinh nghiệm xử trí các tình huống. “Tổng đài 115 tiếp nhận bất kỳ cuộc gọi nào của người dân. Mình sàng lọc như quy trình thường quy. Ca nào cấp cứu thì sẽ đưa ê-kip cấp cứu đến, còn ca nào chỉ cần tư vấn thì mình sẽ chuyển đến số hotline của Bệnh viện Tâm thần”, bác sĩ Long cho hay.
Mô hình “cấp cứu trầm cảm”
Đại dịch Covid-19 đã thổi bùng các bệnh lý tâm thần, trong đó tỷ lệ mắc trầm cảm của người dân tăng cao. Bác sĩ Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, từ tháng 7/2021 (thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh) đến nay, số lượt bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm từ thể nhẹ đến trung bình, nặng đều tăng. Trong đó, số bệnh nhân bị trầm cảm trung bình tăng 36%, trầm cảm nặng tăng 31%. Mỗi ngày, khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 600 - 1.000 người đến khám về các bệnh lý tâm thần, phần lớn là rối loạn khí sắc như trầm cảm, rối loạn lo âu kết hợp trầm cảm, các rối loạn loạn thần hoặc rối loạn giấc ngủ...
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm và các bệnh lý tâm thần trên dân số chung tăng đột biến lên 15-20% kể từ sau Covid-19. Tại TP.HCM, gần 2 tháng qua, mô hình “Cấp cứu trầm cảm” ra đời đầu tiên trên cả nước đã ngăn chặn hàng chục trường hợp tìm đến cái chết.
|
Bác sĩ Hoàn cho biết trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường ở 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng. Trường hợp nhẹ hoặc vừa thì người bệnh chưa có suy nghĩ bi quan trong cuộc sống, chưa có mặc cảm, chưa có ý nghĩ tự tử. Khi có môi trường tốt, buông bỏ bớt những vấn đề trong cuộc sống thì họ sẽ vượt qua được. Tuy nhiên, nếu người bệnh cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, không tập trung, trống rỗng, bi quan về tương lai mà không vượt qua được thì bệnh sẽ nặng dần, khiến họ rơi vào bế tắc. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh nhân dễ chuyển nặng, muốn tìm đến cái chết. Sau gần 2 tháng triển khai mô hình “Cấp cứu trầm cảm”, đã có hàng chục ca cấp cứu được phối hợp thực hiện bởi Bệnh viện Tâm thần và Trung tâm Cấp cứu 115. Riêng tổng đài 19001267 của bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 cuộc gọi, tổng đài 115 tiếp nhận khoảng 30 cuộc gọi liên quan trầm cảm.
“Chúng tôi đang dự tính tiến hành một số kỹ thuật cố định bệnh nhân, bởi vì một số trường hợp bệnh nhân quá kích động thì phải biết cách cố định bệnh nhân rồi mới đưa vô bệnh viện được. Nếu cần thì sẽ sử dụng thuốc an thần”, bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho hay.
Chương trình “cấp cứu trầm cảm” nằm trong lộ trình chăm sóc sức khỏe tinh thần hậu Covid-19 cho người dân của Sở Y tế TP.HCM. Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy kết quả ban đầu mà mô hình cấp cứu trầm cảm đã đạt được, Trung tâm cấp cứu 115 tiếp tục kết nối, chia sẻ và học tập kinh nghiệm với các chuyên gia Úc có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động cấp cứu tâm thần. Đồng thời, tập huấn chuyên đề cấp cứu rối loạn tâm thần cho mạng lưới 39 trạm cấp cứu vệ tinh ngoài bệnh viện./.
Kim Dung