Đột quỵ não được biết đến như là bệnh lý chủ yếu gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên có thể xảy ra với trẻ em và thường được phát hiện, điều trị muộn.
Bệnh lý nặng dễ bị bỏ qua
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ, tuy số lượng không nhiều vì đây được coi là bệnh lý ít gặp, nhưng thời gian gần đây, một số bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhi bị đột quỵ. Cụ thể: Mới đây (ngày 13/8), các bác sĩ Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ can thiệp lấy huyết khối, cứu sống bé trai 4 tuổi (ở tỉnh Đồng Tháp) bị đột quỵ do huyết khối tĩnh mạch não. Cách đó 1 tuần, bé bị sốt, nôn, tiêu chảy nên gia đình đưa đến một bệnh viện nhi điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bé ngày một diễn tiến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa S.I.S Cần Thơ. Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi luôn trong tình trạng mê man. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị huyết khối tĩnh mạch não rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Do cơ thể bé còn nhỏ, khả năng điều trị thuốc chống đông và kỹ thuật can thiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ekip bác sĩ đã can thiệp lấy huyết khối, sau 5 ngày điều trị, bé phục hồi tốt, gần như không để lại di chứng về nói, yếu liệt.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhi nào cũng may mắn được phát hiện và cứu chữa kịp thời như bé trai 4 tuổi này. Trường hợp bệnh nhi 8 tuổi, ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bị đột quỵ, đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một ví dụ. Khi cháu bé có những biểu hiện đau đầu, chóng mặt thoáng qua nhưng người nhà không hề biết đó là biểu hiện của đột quỵ. Vài ngày sau, thấy bé liệt nửa người và hôn mê, gia đình đưa bé đến BV Nhi Trung ương thì tình trạng đã nặng. Bệnh nhi được xác định bị đột quỵ nhồi máu não do tắc động mạch thân nền, nhưng do đến cơ sở y tế can thiệp hơi muộn, tuy cứu được tính mạng nhưng để lại di chứng nặng nề. Sau hơn 1 tháng điều trị tại BV Nhi Trung ương, gia đình lại chuyển bé đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị tiếp. Tại đây, dù bé được điều trị tích cực với phác đồ toàn diện bằng thuốc và phục hồi chức năng, tâm lý trị liệu, dinh dưỡng, cháu bé đã có dấu hiệu vận động và nhận thức tiến triển tốt hơn, nhưng rất khó để có thể phục hồi như bình thường.
Nhiều người thường nghĩ đột quỵ là bệnh của người lớn nhưng thực tế, tỷ lệ trẻ em hoặc người trẻ tuổi mắc căn bệnh này dù không nhiều nhưng vẫn có thể xảy ra. Với trẻ em, phòng ngừa đột quỵ hiện đang là một thách thức rất lớn và khó khăn. Vì ở người lớn, đa phần các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì,... Còn ở trẻ em, nguyên nhân gây đột quỵ lại hơi khác với người lớn. Đột quỵ ở trẻ không liên quan đến lối sống mà chủ yếu là do bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não...
Lý giải về điều này, TS.BS Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em thường liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về mạch máu, hay gặp như bệnh lý bóc tách động mạch, dị dạng động mạch, viêm động mạch. Ngoài ra, còn có các bệnh lý về máu, có thể dẫn đến tình trạng tăng đông hoặc tình trạng giảm đông máu. Tình trạng tăng đông hay gây ra huyết khối, tắc mạch, còn tình trạng giảm đông máu sẽ gây ra đột quỵ chảy máu ở trẻ em. Một số có thể có liên quan đến ung thư, gen… làm gia tăng tình trạng đột quỵ ở trẻ em.
Dấu hiệu nhận biết
Bác sĩ Quân cho biết, các dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em không khác gì ở người lớn, đều là đột ngột xảy ra với những dấu hiệu thần kinh khu trú. Đối với những trẻ lớn, dấu hiệu đột quỵ tương tự người lớn, như: méo miệng, nói ngọng, liệt nửa người, rối loạn về thị giác và thăng bằng. Còn ở trẻ nhỏ, những dấu hiệu này rất khó có thể nhận ra. Hoặc do các bé còn quá nhỏ, chưa biết đi, chưa biết kêu đau. Có nhiều trường hợp đột quỵ không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ đau đầu, nôn trớ, lơ mơ, lừ đừ. Những triệu chứng này rất chung chung và có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Có trường hợp có thể nhầm lẫn với viêm màng não, vì đôi khi bé có sốt kèm theo, hoặc có thể nhầm lẫn với bệnh động kinh nếu bé có biểu hiện co giật; thậm chí, có thể nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa do bé có nôn trớ. Không ít các trường hợp gia đình phát hiện muộn đã khiến tình trạng trẻ bị đột quỵ không được chữa trị kịp thời. Do vậy, khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần nhanh chóng đưa đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để được cấp cứu kịp thời.
“Để giảm nguy cơ tử vong và tàn phế thì thời gian “vàng” cấp cứu bệnh nhi đột quỵ tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Nếu đến viện trong khoảng 4 - 5 giờ, có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết, nếu trong khoảng từ 6 - 24 giờ vẫn có thể xem xét để thực hiện can thiệp lấy huyết khối đối với những bệnh nhân nhồi máu”, bác sĩ Quân lưu ý./.
“Bệnh nhi đột quỵ có thể mất ý thức, bị nôn trớ, co giật gây ảnh hưởng đến hô hấp và tim mạch. Chúng ta nên cho bé nằm cao đầu, nới lỏng quần áo làm thông thoáng đường thở, nếu không bệnh nhân có thể tử vong trước khi đến bệnh viện. Nếu cơn co giật kéo dài, phải đưa các bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời”.
TS.BS Nguyễn Hồng Quân
|
Hương Giang