Biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

Việc bù nước điện giải giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng. Nếu bù dịch tốt, BN sẽ tránh được mất nước, giảm được biến chứng của bệnh...

 

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết cần lưu ý gì để tránh biến chứng nguy hiểm?

Dấu hiệu nhận biết giai đoạn nguy hiểm của SXH

Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh truyền nhiễm lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes Aegypti. Bệnh SXH thường xảy ra qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn đầu của SXH (khoảng 3 ngày), thường người bệnh có triệu chứng sốt cao, có thể điều trị ở nhà. Các biện pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt paracetamol nếu có sốt cao, uống từ 2 - 3 lít nước/ngày bao gồm oresol, nước hoa quả, sữa, cháo, nước canh nhằm tăng cường sức đề kháng, giúp bảo vệ thành mạch và làm tình trạng bệnh sớm được cải thiện hơn. Tuyệt đối không uống các loại thuốc hạ sốt khác như Aspirin, Ibubrofen… vì làm tăng nguy cơ xuất huyết. Nhưng từ 3 - 7 ngày tiếp theo, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần đến cơ sở y tế theo dõi và điều trị đề phòng những biến chứng xảy ra. Ở giai đoạn phục hồi (sau ngày thứ 7), lúc này người bệnh đã tạo ra kháng thể đào thải virus.

Bệnh nhân truyền khối tiểu cầu điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. (Ảnh: Nam Trang)TS Nguyễn Đăng Mạnh cho biết, với SXH người bệnh thường đột ngột sốt cao từ 39 - 40 độ trong 3 - 4 ngày đầu kèm cơ thể mệt mỏi, đau nhức hốc mắt, đau nhức xương khớp, đau đầu; Một số người còn bị viêm họng hoặc viêm đường hô hấp nên không muốn ăn uống. Nếu không biết cách bù nước có thể xảy ra biến chứng ở giai đoạn nguy hiểm như giảm tiểu cầu, máu cô do tăng tính thấm thành mạch, gây thoát huyết tương. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc. Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, xuất huyết ồ ạt do giảm tiểu cầu. Nếu không được theo dõi, bù dịch, truyền khối tiểu cầu có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Quan trọng là việc bù nước

Việc bù nước điện giải giai đoạn đầu rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị cũng như tiên lượng của bệnh. Nếu bù dịch tốt, BN sẽ tránh được mất nước, giảm được biến chứng của bệnh và làm hạn chế những bất lợi giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của SXH, còn giai đoạn nguy hiểm tiếp theo thì BN cần lưu ý để bác sĩ theo dõi chặt chẽ hơn. Do vậy, BN cần được khám để bác sĩ chỉ định có nên theo dõi tiếp ở nhà hay phải nhập viện. Đặc biệt, ở ngày thứ 5, 6, 7 là chuyển sang giai đoạn tái hấp thu dịch vào mạch máu. Nếu bù nước quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Cơ thể có thể giảm sốt, tuy nhiên một số người vẫn còn sốt vào giai đoạn này. Lúc này, các dấu hiệu xuất huyết dần xuất hiện từ nhẹ đến nặng với những biểu hiện rất đa dạng do tiểu cầu giảm. Đây cũng là giai đoạn có rất nhiều biến chứng xảy ra, cụ thể: Biến chứng nhẹ nhất là xuất huyết dưới da kèm theo cảm giác ngứa da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nặng hơn là xuất huyết đường tiêu hóa như phân đen, đi ngoài lẫn máu, nôn ra máu tươi hoặc máu đông. Nguy hiểm hơn là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng, viêm não, viêm gan, viêm cơ tim. Những biểu hiện này có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Do vậy, TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh lưu ý người nhà cần theo dõi BN sát sao. Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu như nôn nhiều, bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, đi tiểu ít, vật vã, li bì hoặc có dấu hiệu xuất huyết thì lập tức đưa ngay BN tới bệnh viện để được theo dõi điều trị nội trú vì có nguy cơ diễn tiến nặng (sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng), thậm chí tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời.

“Giai đoạn nguy hiểm nhất của SXH là vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh và lúc này có thể nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, nhận biết sớm dấu hiệu của SXH và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để hạn chế bệnh trở nặng”.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh

Sở dĩ SXH đang bùng phát mạnh bởi thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi đẻ trứng, phát triển, trong khi ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao, người dân còn chủ quan, thiếu thông tin tuyên truyền, không dọn dẹp vệ sinh, diệt loăng quăng phòng chống bệnh SXH. Trong khi muỗi vằn Aedes thích hợp sinh sôi ở môi trường nước sạch như nước mưa tồn đọng trong chum vại, ống bơ, máng nước ngoài trời. “SXH thường sau 4 - 5 năm sẽ bùng phát mạnh trở lại, và theo đúng chu kỳ thì năm nay nguy cơ bùng phát rất mạnh. SXH hiện chưa có vaccine và thuốc đặc trị, nếu không có ý thức vệ sinh môi trường như diệt loăng quăng bọ gậy, lơ là trong dự phòng cá nhân thì sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh SXH”, bác sĩ Mạnh cảnh báo.

SXH đang có dấu hiệu gia tăng bùng phát mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Số ca mắc của cả nước được ghi nhận từ đầu năm đến nay là hơn 136.000 ca, trong đó khoảng 50 người tử vong. Các địa phương có số ca mắc hằng tuần và tích lũy tăng cao là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Tại miền Bắc, thời điểm này cũng đang vào mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. Nếu người dân không có ý thức phòng tránh bệnh sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh cùng lúc, đặc biệt với người già, người có nhiều bệnh nền./.

Hương Giang

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận