Các biến chứng của bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có thể gây ra những biến chứng và tái phát nhiều lần.

 

Bệnh ghẻ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh có thể gây ra những biến chứng và tái phát nhiều lần.

Tác hại của bệnh ghẻ

Bệnh nhân L.V.G (18 tuổi, ở Nam Định) gần đây kêu ngứa ngáy, mất ngủ, sút cân nên chị V.T.H (mẹ cháu G) đưa con lên Bệnh viện Da liễu Trung ương khám thì biết con trai bị ghẻ và nấm da. Chị H bảo: “Nhà tôi mới xây 3 tầng, rộng rãi thoáng mát, mỗi người một phòng, trong khi con suốt ngày đi học mà sao lại bị ghẻ. Hỏi ra mới biết, con có mấy lần mặc chung quần áo của bạn, về nhà lại không giặt sạch sẽ. Thấy con bị mẩn ngứa, tôi rửa nước muối và bôi thuốc mỡ tra mắt nhưng mãi không khỏi mà ngứa nhiều hơn, nên tôi đưa con lên Hà Nội khám. Cũng may, chưa lây sang cả nhà. Bác sĩ dặn về nhà dùng thuốc theo chỉ dẫn, sẽ nhanh khỏi vì bệnh của cháu bị nhẹ”.

Tại Việt Nam, bệnh ghẻ hiện vẫn khá phổ biến, nhưng nhiều người bệnh không được khám và điều trị đúng.

Theo BSCKII Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh ghẻ vẫn là một bệnh thường gặp trong số các bệnh nhân đến khám da liễu, bệnh ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. Tại Việt Nam, bệnh ghẻ hiện vẫn khá phổ biến, nhưng nhiều người bệnh không được khám và điều trị đúng, tự ý dùng các thuốc uống và bôi ngoài da khiến triệu chứng bệnh đôi khi không còn điển hình, thương tổn lan rộng, biến chứng chàm hóa và bội nhiễm...

Ký sinh trùng ghẻ bài tiết khiến da bị kích ứng, gây ngứa ngáy dữ dội, khiến người bệnh gãi nhiều, đặc biệt là vào ban đêm nên biến chứng của bệnh ghẻ còn gây mất ngủ, suy nhược cơ thể. Gãi nhiều sẽ khiến da trầy xước, nổi mụn và rộp nước, chảy máu, gây sẹo. Khi gãi ngứa có thể sẽ tạo ra những vết thương hở trên da, đây sẽ là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập vào da gây bội nhiễm, thậm chí có thể theo đường máu đến các cơ quan khác.

“Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu để lâu, không được điều trị triệt để bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: viêm da, nhiễm trùng, chàm hóa, thậm chí viêm cầu thận cấp. Đặc biệt, những vùng nếp gấp hoặc cơ quan sinh dục là những vùng da mỏng hơn, dễ kích ứng, hoặc khó bôi thuốc, nhưng lại là những vị trí ưa thích của cái ghẻ ký sinh, do đó cần phải chú ý trong việc bôi thuốc. Thương tổn nốt sẩn do ghẻ tại cơ quan sinh dục rất hay gặp và gây ngứa nhiều, khó chịu cho người bệnh. Vết gãi có thể diễn biến thành viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục cũng như vùng xung quanh, dễ nhầm lẫn với những bệnh viêm nhiễm sinh dục khác, dẫn tới sai lầm trong điều trị bệnh”, bác sĩ Hà Giang cảnh báo.

BSCKII Quách Thị Hà Giang đang khám và tư vấn cho người bệnh ghẻ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.Điều trị đúng để tránh biến chứng và tái phát

Ghẻ ngứa thường xuất hiện ở những khu dân cư đông đúc, nhà cửa chật hẹp, môi trường và nước sinh hoạt không đảm bảo. Khi tiếp xúc trực tiếp như ngủ chung, mặc chung đồ, quan hệ tình dục... sẽ tạo điều kiện cho ghẻ ngứa lây lan. Tuy bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt thường ngày, nếu không điều trị dứt điểm bệnh có thể tái phát nhiều lần. Tình trạng chủ quan trong điều trị có thể dẫn tới những biến chứng của bệnh ghẻ nặng hơn. Do đó, để phòng tránh lây nhiễm, cần vệ sinh môi trường sống thoáng đoãng, sạch sẽ. Giặt sạch, phơi khô quần áo, chăn chiếu, các đồ dùng khác. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh ghẻ, cần điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ.

Bác sĩ Hà Giang cho biết, chẩn đoán bệnh ghẻ dựa vào tiêu chuẩn vàng là tìm thấy cái ghẻ. Các phương pháp tìm cái ghẻ thường được áp dụng trong thực hành lâm sàng là soi tìm dưới kính hiển vi, có thể thấy cái ghẻ, trứng ghẻ, chất cặn thải của cái ghẻ. Phương pháp khác là sử dụng dermoscopy để nhận biết dấu hiệu của bệnh ghẻ trong những trường hợp thương tổn ít, khó nhận biết. Tuy nhiên, không phải lúc nào xét nghiệm cũng tìm thấy cái ghẻ và các sản phẩm của chúng. Vì vậy, chẩn đoán dựa vào các đặc điểm lâm sàng và tính chất dịch tễ là rất quan trọng.

“Các trường hợp ngứa kéo dài, ngứa nhiều về đêm, đáp ứng kém với điều trị, hoặc có các tổn thương mụn nước ở lòng bàn tay, kẽ các ngón tay, ở bộ phận sinh dục, nếp gấp… đây là các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ghẻ. Bệnh nhân cần được thăm khám chuyên khoa da liễu để chẩn đoán xác định và tư vấn điều trị đúng cách. Khi đã được kê thuốc, người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định để tránh các biến chứng của bệnh ghẻ”.

BSCKII Quách Thị Hà Giang

BSCKII Quách Thị Hà Giang, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương.Bác sĩ Hà Giang lưu ý, để tránh tái phát thì việc điều trị phải đúng cách, cụ thể: Phát hiện, điều trị sớm, điều trị cùng lúc tất cả những người bị ghẻ trong gia đình, tập thể; Bôi thuốc vào buổi tối, đúng cách; Vệ sinh cá nhân rất quan trọng, đóng góp vào thành công của điều trị: hằng ngày thay đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chiếu, khăn trải giường.

“Bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được lựa chọn chế phẩm thuốc phù hợp, bôi thuốc phải đúng và đủ lượng. Cần phát hiện sớm người bệnh trong nhà để được đi khám, chẩn đoán và điều trị đúng”, BSCKII Hà Giang lưu ý./.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận