Kể từ tháng 5 đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 31.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh này đã lan tới 89 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, tuy nhiên các nước trong khu vực đã ghi nhận ca bệnh. Vì vậy, công tác giám sát, theo dõi dịch bệnh vẫn đang được Việt Nam triển khai, nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, theo thống kê của các nước trên thế giới, hiện có trên 80% các ca lây nhiễm đậu mùa khỉ thuộc đối tượng là những người quan hệ đồng giới. Vì vậy, theo ông Nga, việc lây nhiễm bệnh vào trong nước là có thể xảy ra nhưng không cao.
“Cách lây truyền của virus đậu mùa khỉ là qua tiếp xúc gần, virus này không dễ lây lan như COVID-19. Nếu virus SARSCoV-2 lây lan chủ yếu qua đường hô hấp thì đường lây của đậu mùa khỉ qua đường hô hấp lại hạn chế. Vì vậy, chủ yếu lây lan trong vùng các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh như người nhà hoặc trong bệnh viện, nhân viên y tế chăm sóc người bệnh”- PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, hiện phương thức giám sát bệnh đậu mùa khỉ của Việt Nam cũng chưa phải siết chặt, mới chủ yếu khai thác tiền sử đi lại. Bên cạnh đó, với đậu mùa khỉ, tỷ lệ tử vong được ghi nhận khá thấp, thậm chí thấp hơn bệnh thủy đậu, chỉ một vài ca tử vong trong số hàng chục nghìn ca nhiễm, chủ yếu xảy ra ở người suy giảm miễn dịch.
Theo TS Trần Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những trường hợp có yếu tố dịch tễ đi, về từ vùng dịch kèm các dấu hiệu trên cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ về mặt ca bệnh.
TS Trần Văn Giang cũng cho biết, các dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: phát ban dạng phỏng nước, kèm theo đó là sốt cao, đau đầu và sưng hạch ngoại vi.
Liên quan đến việc điều trị, TS Trần Văn Giang cho biết, hầu hết trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên thế giới đến nay đều diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi. Chỉ một số ít trường hợp mắc đậu mùa khỉ diễn biến nặng có thể tiến triển thành viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm não… hoặc trên người có cơ địa suy giảm miễn dịch, có nguy cơ diễn biến nặng sẽ cần điều trị thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của WHO.
“Trên thực tế ở các bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, chúng ta chỉ phải điều trị hỗ trợ về mặt triệu chứng như hạ sốt, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng điện giải, bổ sung một số loại vitamin” - TS Trần Văn Giang chia sẻ.
TS Trần Văn Giang thông tin, theo hướng dẫn của WHO, một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất, hóa trị, xạ trị, người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính khác.
Chủ động phòng bệnh là cần thiết
TS Trần Văn Giang cũng nêu rõ cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất thời điểm này là mỗi người dân phải có hiểu biết về đường lây của bệnh đậu mùa khỉ, từ đó thực hiện các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, người dân không nên hoang mang, lo sợ dịch đậu mùa khỉ, tuy nhiên việc phòng bệnh là rất cần thiết. “Cần tập trung vào truyền thông hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, phát hiện bệnh trong bối cảnh Việt Nam chưa có biện pháp xét nghiệm phù hợp và cũng chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng không khác với COVID-19, quan trọng nhất là vệ sinh cá nhân, cách ly người bệnh cũng có thể phòng bệnh lây lan”- ông Nga cho biết.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Với người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở hoặc nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị./.
Minh Khánh/VOV.VN