Làm gì để tránh dịch chồng dịch

Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch...

 

Trước thực trạng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm cùng xuất hiện và có nguy cơ bùng phát mạnh, cần tăng cường các biện pháp phòng tránh để dịch không chồng dịch.

Dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng những ngày gần đây đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron trong cộng đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19, hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11.000 ca tử vong (0,1%). Tính đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu bệnh nhân (BN) mắc Covid-19, trong đó có 9,9 triệu người đã khỏi bệnh (92%) và hơn 43.000 BN tử vong (0,4%). Về sốt xuất huyết (SXH), số ca tích lũy của cả nước từ đầu năm đến nay là hơn 136.075 ca, trong đó 45 người tử vong. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Khám điều trị bệnh SXH tại bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy, Tiền Giang. (Ảnh: Nhật Trường)So với cùng kỳ 2021, số mắc SXH tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Đối với các bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng (TCM), sốt rét, sởi, dại ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên bệnh TCM gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi. Hiện chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác.

Lý giải về thực trạng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm cùng xuất hiện và có nguy cơ bùng phát mạnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong 2 năm dịch Covid-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên hạn chế được số ca mắc bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên sau khi khống chế được Covid-19, người dân chủ quan, lơ là hơn trong phòng chống dịch. Ví dụ: không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng; tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh thấp, đặc biệt ở người có bệnh nền và trẻ em; việc tiếp xúc đi lại nhiều hơn thì nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm thông thường như cúm mùa, TCM... cũng gia tăng.

Tại Đà Nẵng, bệnh nhân SXH nặng nhập viện có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều người là nam còn trẻ tuổi. (Ảnh: Phương Cúc)Ông Phu nhấn mạnh 2 yếu tố nguy cơ dẫn tới dịch bệnh là môi trường (thời tiết cực đoan, nắng mưa thất thường) và yếu tố xã hội (ý thức người dân trong phòng tránh dịch bệnh). Việt Nam vốn là nước có dịch bệnh lưu hành như SXH, TCM, cúm, Covid-19... Mỗi bệnh có biện pháp phòng tránh khác nhau, tuy nhiên, với Covid, nếu phòng bệnh tốt (rửa tay, đeo khẩu trang) sẽ phòng được nhiều bệnh hô hấp khác: cúm, sởi, các bệnh tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, TCM... Trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do SXH ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn. Việc BN đến viện muộn dẫn đến số ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái. “Mỗi dịch bệnh có chu kỳ bùng phát, và thái độ xử trí khác nhau. SXH thường sau 4-5 năm sẽ bùng phát mạnh trở lại, và theo đúng chu kỳ thì năm nay sẽ là nguy cơ bùng phát rất mạnh. Tại miền Bắc, thời điểm này cũng đang vào mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở, trong khi SXH hiện chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Nếu không có ý thức vệ sinh môi trường như diệt loăng quăng bọ gậy, lơ là trong dự phòng cá nhân như khẩu trang, khử khuẩn, cách ly, không tiêm phòng... sẽ xảy ra nhiều bệnh cùng lúc, đặc biệt với người già, người có nhiều bệnh nền - là nguy cơ cao dịch chồng dịch”, ông Phu cảnh báo.

Cán bộ y tế xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Ninh Dương, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. (Ảnh: Vũ Miền)SXH vào mùa, nguy cơ dịch chồng dịch

Các chuyên gia truyền nhiễm cũng cho biết, sở dĩ SXH đang bùng phát mạnh tại các tỉnh miền Tây và miền Nam là do các địa phương này đang vào mùa mưa, trong khi ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao, chưa thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống, người dân vẫn còn chủ quan, thiếu thông tin tuyên truyền, không lo dọn dẹp vệ sinh, phòng chống bệnh SXH, còn có thói quen trữ nước mưa sử dụng trong các dụng cụ chứa nước như: lu, hồ, bể... nhưng không đậy kín. Tại khu dân cư còn tồn tại các vật tự nhiên, các vũng, hố chứa nước làm nơi ở của loăng quăng rồi sinh ra muỗi.

“Dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp. Nhiều bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như SXH, TCM, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.

Bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

Bộ Y tế đưa ra 10 giải pháp cơ bản giảm tử vong do SXH, trong đó có truyền thông, hướng dẫn cho người dân nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sốc SXH để đưa người bệnh nhập viện kịp thời; tăng cường công tác hội chẩn nội viện, liên viện; thiết lập đường dây nóng hỗ trợ từ xa; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, dịch truyền và thiết bị cho công tác điều trị.

Tại Tiền Giang, Bến Tre ca nhiễm Covid-19 có nguy cơ gia tăng, công tác tiêm phòng vaccine cần tăng tốc. (Ảnh: Nhật Trường)TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cảnh báo, SXH và TCM, cúm đang vào mùa, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu nếu toàn xã hội không có ý thức phòng tránh dịch bệnh. “Việc đối phó đầu tiên cần tăng cường là phát hiện sớm, khám xét lâm sàng, cho test nhanh cúm, test Covid-19… nếu có triệu chứng về đường hô hấp để xứ lý sớm và điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng nguy hiểm. Thứ hai, là chuẩn bị tốt nguồn lực (thuốc điều trị, dịch truyền, kít xét nghiệm, cơ sở thu dung...) sẵn sàng ứng phó khi dịch chồng dịch”, TS Mạnh lưu ý.

Ông Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh: các bệnh SXH, cúm, TCM, Covid chủ yếu là điều trị triệu chứng tại nhà, thì việc phát hiện đúng và sớm rất quan trọng. Nguyên tắc để dập dịch là việc giảm số ca mắc, số ca mắc nặng và tử vong. Về phía người dân cần nâng cao ý thức dự phòng, trong đó việc tiêm vaccine phòng bệnh vô cùng quan trọng, cần phải thực hiện tiêm vét nhất là đợt tiêm chủng mở rộng (tiêm vaccine cúm, tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao). Về phía cơ sở y tế, các đơn vị và nhân viên y tế cũng phải có biện pháp phòng bệnh. Việc giám sát dịch tễ thực hiện tốt sẽ đưa ra biện pháp phòng bệnh phù hợp, tuyên truyền đúng. Ví dụ: bệnh cúm thì người dân không cần thiết mua thuốc tamiflu dự trữ; Và vấn đề điều trị phải đủ cơ sở, phân loại, phân tuyến. Nếu để hiện tượng quá tải bệnh viện, phân tuyến giảm tải chưa tốt, thiếu thuốc men… sẽ dẫn đến số mắc tăng cao. Khi bùng phát nhiều bệnh cùng lúc sẽ nguy cơ dịch chồng dịch. “Những người già, người có nhiều bệnh nền, suy giảm miễn dịch đều là những đối tượng dễ bị tổn thương. Bởi khi cơ thể miễn dịch yếu thì dễ bị những bệnh khác tấn công, sẽ gây bệnh nặng nghiêm trọng hơn, dễ biến chứng và nhiễm trùng cơ hội. Là gánh nặng cho ngành y tế và gia đình người bệnh”.

Từ ngày 31/5 đến nay, tại TP.HCM, bệnh nhân nhập viện do SXH gia tăng nhanh hơn. (Ảnh: Kim Dung)Tại Hội nghị trực tuyến “đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh” diễn ra ngày 2/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Quán triệt quan điểm đặt tính mạng của người dân lên trên hết, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Bà Đào Hồng Lan đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh; Chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động; Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo “2K (khẩu trang, khử khuẩn) kết hợp vaccine, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác, với các trụ cột gồm cách ly, xét nghiệm, điều trị; Đồng thời đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí./.

“Nguyên tắc để dập dịch là giảm số ca mắc, số ca mắc nặng và tử vong. Nếu để hiện tượng quá tải bệnh viện, phân tuyến giảm tải không tốt, thiếu thuốc men, sinh phẩm… sẽ dẫn đến số mắc tăng cao. Khi bùng phát nhiều bệnh cùng lúc sẽ dẫn tới nguy cơ dịch chồng dịch”.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Lưu Hường

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận