Không nên chủ quan với việc tầm soát nhân tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp thường phát triển âm thầm và không có biểu hiện rõ ràng. Việc khám định kỳ sẽ giúp người bệnh tránh những biến chứng về sau.

 

Bệnh phát triển âm thầm

Nhân tuyến giáp là tình trạng các tế bào tuyến giáp phát triển bất thường tạo thành một khối trong tuyến giáp. Khối này làm thay đổi chức năng nội tiết và cấu trúc của tuyến giáp. Theo thời gian, nếu kích thước đủ lớn, nhân tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo thống kê,nước ta hiện có khoảng gần 5 triệu người mắc u nhân tuyến giáp, trong đó tỷ lệ ác tính chiếm khoảng 10%. Đây là bệnh thường gặp ở nữ giới (gấp 3 lần nam giới) nhưng khi nam giới mắc bướu cổ thì tỷ lệ chuyển thành u ác tính nhiều hơn nữ giới. Đặc biệt, ở khu vực miền núi phía Bắc, số người bị bướu cổ lên tới 30-40% dân số, thậm chí có nơi tới 80%.

Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Hoàng, Trưởng đơn vị Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh tuyến giáp thường phát triển từ từ, không có nguyên nhân và biểu hiện rõ ràng, vì vậy người bệnh thường bỏ qua khi khám sức khỏe định kỳ. Đến khi khối bướu nổi to ở cổ kèm biểu hiện đau, khó nuốt, nuốt vướng, run tay chân, sút cân… mới đi khám thì đã ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Hoàng thăm khám cho người bệnh tuyến giáp.Với u tuyến giáp nhỏ thường không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng khi khối u phát triển to lên, chèn vào khí quản, dây thần kinh và chèn vào tuyến giáp lành gây mất thẩm mỹ vùng cổ và nhiều triệu chứng suy giáp như: khàn tiếng, đau họng hoặc luôn có cảm giác vướng trong cổ họng, nuốt nghẹn hay sặc khi ăn uống. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện triệu chứng như: tim đập chậm, tay chân run, loãng xương, suy giảm trí nhớ, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, rối loạn chức năng của đàn ông, rối loạn điện giải, da khô tóc rụng, đau đầu, đau gáy, mất ngủ, tăng hoặc sút cân bất thường... Đối với bướu ác tính, nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào ung thư sẽ di căn nhiều cơ quan, nguy hiểm tới tính mạng.

Theo BSCKII Vũ Thùy Thanh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, bệnh nhân đến khám nhân tuyến giáp tại khoa ngày càng tăng. Nguyên nhân là do người dân có ý thức phòng bệnh cao hơn, hoặc tình cờ được phát hiện qua khám sức khỏe. Thứ hai, hiện nay, các gói khám sức khỏe định kỳ đã đưa khám nhân tuyến giáp vào như một xét nghiệm thường quy. Thứ ba là hiện nay, các tuyến y tế cơ sở đã thực hiện được kỹ thuật siêu âm tuyến giáp, do đó tỷ lệ người bệnh được xác định nhân tuyến giáp ngày càng cao.

“Nếu bệnh nhân tuyến giáp được phát hiện sớm và theo dõi định kỳ, các bác sĩ có thể đánh giá được tính chất của nhân tuyến giáp là lành tính hay ác tính. Từ đó sẽ đưa ra kế hoạch theo dõi, cũng như điều trị phù hợp, giúp cho người bệnh tránh những biến chứng về sau này” - BS Vũ Thùy Thanh nhấn mạnh.

Ý nghĩa của việc tầm soát nhân tuyến giáp

BS Vũ Thùy Thanh còn cho rằng, việc khám lâm sàng có thể phát hiện sớm nhân tuyến giáp nhưng lại có thể bỏ qua những nhân quá nhỏ, có kích cỡ dưới 1cm. Những tuyến giáp ở sâu thì cũng không phát hiện được qua thăm khám lâm sàng, do đó khi đến bệnh viện, ngoài khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định siêu âm tuyến giáp. Đây là phương pháp rẻ tiền, dễ thực hiện mà quan trọng là không xâm lấn cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, có thể thực hiện nhiều lần và thực hiện với mọi đối tượng, phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em…

ảnh minh họa: KT

Một số dấu hiệu gợi ý để có thể nhận diện được nhân tuyến giáp ác tính: Về mặt lâm sàng, nhân tuyến giáp xuất hiện ở bệnh nhân trẻ tuổi, dưới 14 tuổi hoặc những bệnh nhân tuổi đã rất cao, hơn 70 tuổi. Về tính chất, đó là nhân cứng, chắc, nhân phát triển nhanh trong thời gian ngắn, nhân có thể dính vào tổ chức dưới da, tổ chức xung quanh, những nhân kèm theo hạch cổ hoặc những nhân có biểu hiện chèn ép gây cho người bệnh khó thở, khó nuốt.Khi siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân, các bác sĩ có thể thấy những nhân đã bị giảm âm, nhân bị vôi hóa, có ranh giới không rõ, bờ không đều hoặc là nhân có chiều cao lớn hơn chiều rộng. Căn cứ vào các đặc điểm đó, các bác sĩ sẽ đánh giá nhân tuyến giáp đang thuộc Tirads mấy (Tirads càng cao thì nguy cơ ác tính càng lớn).

Theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bướu cổ như: điều trị nội khoa bằng thuốc, mổ mở, mổ nội soi hay sóng cao tần (RFA). Phương pháp đốt sóng cao tần là nhẹ nhàng, không xâm lấn, không phải gây mê. Người bệnh có thể xuất viện trong ngày, không để lại sẹo, ít gây đau hơn. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này thì phải khẳng định nhân đó là lành tính. Phương pháp nội soi và mổ mở sẽ áp dụng đối với nhân lành tính, kích thước lớn, chèn ép nhiều. Đối với nhân tuyến giáp ác tính (phát triển thành ung thư), tùy vào giai đoạn của ung thư, người bệnh sẽ được chỉ định cắt bán phần tuyến giáp nhằm bảo tồn chức năng tuyến giáp hoặc phải cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Cũng tùy từng tính chất của ung thư, bệnh nhân sẽ phải đốt phóng xạ, sau đó điều trị hoóc-môn thay thế.Tuy nhiên, RFA là kỹ thuật cao ít xâm lấn, thẩm mỹ cao mà bệnh nhân không phải mổ. Do bảo tồn được tuyến giáp nên bệnh nhân không phải uống hoóc-môn trọn đời và không phải nằm viện.“Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ chọc kim vào khối u. Dòng điện xoay chiều sẽ truyền từ nguồn đến kim đốt gây nhiệt làm xơ hóa triệt để nhân tuyến giáp, bất hoạt các tế bào làm hoại tử dần tổ chức khối u, chỉ để lại mô sẹo. Kỹ thuật này chỉ thực hiện khoảng 15-20 phút và bệnh nhân được ra viện sau 1 tiếng. Chính vì không phải mổ nên người bệnh tránh được tai biến như: khàn tiếng, mất tiếng, chảy máu, sẹo co kéo…”, BSNguyễn KhắcHoàng nhấn mạnh.

BS Vũ Thùy Thanh cho biết, với những nhân tuyến giáp có kích thước nhỏ, dưới 3cm, các bác sĩ sẽ không chỉ định chọc tế bào. “Hiện nay chưa có thuốc nào điều trị hết nhân tuyến giáp hay làm chậm sự tiến triển của nhân tuyến giáp nên những nhân nhỏ, nguy cơ thấp thì chúng tôi chỉ hướng dẫn bệnh nhân theo dõi. Thời gian khám định kỳ sẽ được bác sĩ chỉ định phụ thuộc vào nguy cơ của nhân tuyến giáp đó như thế nào. Thông thường sẽ khoảng 3-6 tháng”, BS Thùy Thanh lưu ý./.

“Việc phát hiện sớm và theo dõi định kỳ, bác sĩ có thể đánh giá được tính chất của nhân tuyến giáp là lành tính hay ác tính. Từ đó sẽ đưa ra kế hoạch theo dõi, cũng như là điều trị phù hợp, giúp cho người bệnh tránh những biến chứng về sau này”

BSCKII Vũ Thùy Thanh.

Giang - Hương

 

Bình luận

    Chưa có bình luận