Viêm da cơ địa không chỉ gây mất thẩm mỹ, khó chịu mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng.
Bệnh do nhiều nguyên nhân
Viêm da cơ địa (VDCĐ) là 1 bệnh viêm da có ngứa, mạn tính hay tái phát với tổn thương thay đổi theo lứa tuổi. Bệnh VDCĐ được biết đến từ lâu với nhiều tên gọi khác nhau như: chàm thể tạng, á sừng, viêm da thần kinh, lichen đơn dạng mạn tính. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, hơn 60% VDCĐ khởi phát trong năm đầu tiên của cuộc sống, 85% bệnh nhân khởi phát trước 5 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân VDCĐ đến khám tại phòng khám Bệnh viện Da liễu Trung ương tùy thời điểm dao động từ 15 - 25%. Bệnh có xu hướng tăng lên khi thời tiết hanh khô, độ ẩm giảm.
Bác sĩ Nguyễn Minh Thu, Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: VDCĐ có rất nhiều nguyên nhân, có thể liên quan nhiều đến gen, do đó trong nhiều trường hợp có thể coi là bệnh di truyền. Tuy nhiên tỷ lệ khác nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể: Nếu cả bố và mẹ đều bị VDCĐ thì tỷ lệ sinh con mắc bệnh do di truyền có thể lên đến 80%. Nếu trong gia đình có người có tiền sử bị VDCĐ nhưng bố và mẹ không mắc phải thì tỷ lệ này dao động trong khoảng dưới 50%. Đặc biệt, những người sinh đôi cùng trứng (77%) sẽ có tần suất bị bệnh cao hơn so với sinh đôi khác trứng (15%).
VDCĐ còn xuất hiện ở những bệnh nhân bị hen phế quản và viêm mũi dị ứng. VDCĐ là hậu quả của sự tương tác giữa yếu tố cơ địa (các gen mẫn cảm di truyền) và các kích thích từ môi trường (như độ ẩm, nhiệt độ, yếu tố tiếp xúc như xà phòng, chất tẩy rửa, dị nguyên đường hô hấp, thức ăn…) dẫn đến giảm chức năng hàng rào bảo vệ da, da giảm chất làm ẩm tự nhiên, khiếm khuyết hệ thống miễn dịch tự nhiên và da tăng nhạy cảm với các dị nguyên và các tác nhân gây bệnh. Biểu hiện, thể trạng, tình hình sức khỏe mỗi người mỗi khác. Vì vậy, khi kê đơn, cần tùy theo cơ thể bệnh nhân mà điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
Theo bác sĩ Minh Thu, thường triệu chứng ban đầu của viêm da khá nhẹ nhàng, chỉ mẩn ngứa, đỏ một chút ở diện tích nhỏ rồi đóng vảy, bong vảy và tự thuyên giảm. Do vậy người bệnh thường có tâm lý chủ quan, không đi khám và điều trị. Đến khi khám thì tình trạng đã nặng, thậm chí có trường hợp nặng, tổn thương lan rộng, da khô, nứt nẻ, chảy máu, đau rát nhiều... Lúc này, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức hơn bình thường.
“Bệnh VDCĐ nếu không được điều trị đúng đắn và kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng như: đỏ da toàn thân, nhiễm khuẩn da và mô mềm do vi khuẩn, bội nhiễm nấm, nhiễm virus… Đặc biệt khi da có nhiều vết nứt, xước do cào gãi, khả năng đề kháng với các yếu tố từ môi trường giảm đi dẫn tới việc da nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, virus…”, BS Minh Thu cảnh báo.
Những vấn đề sai lầm hay gặp nhất của bệnh nhân bị VDCĐ là hay tắm nước lá sử dụng thuốc thiên nhiên bôi và đắp lên da. Trong khi đó, vùng da của bệnh nhân VDCĐ vốn đã bị tổn thương nên rất dễ nhiễm trùng. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc sai cách cũng khiến quá trình điều trị khó khăn hơn. “Với bệnh nhân VDCĐ, các thuốc được bác sĩ kê thường là thuốc bôi làm giảm viêm tại chỗ kết hợp dưỡng ẩm. Tuy nhiên, bệnh nhân không dùng mà tự đi mua thuốc ở ngoài để sử dụng, kèm tắm, chà xát bằng các loại lá hoặc các thuốc không rõ nguồn gốc. Nhất là với trẻ em, khi tiếp cận không đúng sẽ khiến bệnh khó kiểm soát, đồng thời gây nhiều tác dụng không mong muốn bất lợi”, bác sĩ Minh Thu nêu rõ.
“VDCĐ là bệnh thường gặp, dai dẳng hay tái phát. Nguyên nhân bệnh là sự tương tác giữa yếu tố cơ địa và các tác nhân kích thích từ môi trường sống. Vì vậy trong quá trình điều trị bệnh, vấn đề chăm sóc da đúng cách (sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên đặt biệt khi thời tiết hanh khô, không tắm nước quá nóng, tắm bằng các loại lá cây, không chà xát…) và bảo vệ da khỏi các yếu tố kích thích (như xà phòng, len dạ, chất tẩy rửa… các dị nguyên đường hô hấp, thức ăn…) có vai trò rất quan trọng. Với trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng kem dưỡng ẩm thông thường, bệnh nhân cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và theo dõi điều trị, tái khám định kỳ giúp hạn chế tái phát bệnh, giảm thời gian dùng thuốc và giúp cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân VDCĐ tốt hơn”.
Bác sĩ Nguyễn Minh Thu
Những sai lầm hay gặp của bệnh nhân VDCĐ
Mặc dù đang giữa mùa hè oi bức, nóng nực mà anh L.V.T (41 tuổi, ở Nam Định) 2 bàn tay lúc nào cũng khô rạn, nứt nẻ. Gần đây thấy tay bị tứa máu mỗi khi làm việc nhà, anh T đến BV Da liễu Trung ương khám thì tình trạng tay của anh đã quá nặng và nhiễm nấm. “Trước đây tôi cũng đã đi khám rất nhiều nơi, nhưng chỉ đỡ một thời gian, bàn tay lại khô nứt. Gần đây, tôi nghe mọi người mua thuốc lá về ngâm sau đó bôi thuốc mỡ tra mắt. Thời gian đầu tôi thấy da tay mềm và không nứt nẻ nữa thì cứ nghĩ là hợp thuốc. Nhưng chỉ một thời gian sau da tay của tôi lại dày lên, ngày càng khô và đau rát. Bác sĩ kê thuốc bôi, uống và dặn phải kiên trì tái khám nếu không sẽ khó cải thiện”, anh T chia sẻ.
Là người trực tiếp khám và điều trị, bác sĩ Minh Thu cho biết, đây là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân VDCĐ đến khám và điều trị tại BV Da liễu Trung ương do tự điều trị bằng các thuốc truyền miệng hoặc dùng đơn thuốc của người khác, không tuân thủ điều trị… ;chỉ đến thăm khám khi các triệu chứng đã nặng, diện tích tổn thương rộng, số lượng nhiều, bệnh nhân xuất hiện thêm các biến chứng và bội nhiễm các tác nhân gây bệnh dẫn đến gây khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình thăm khám và điều trị.
“Đối với các trường hợp này, thông thường các bác sĩ sẽ phải chỉ định các xét nghiệm chuyên khoa để xác định mức độ nặng của bệnh và chỉ định cho bệnh nhân nhập viện điều trị khi cần thiết. Việc điều trị của bệnh nhân thông thường sẽ phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn và chi phí cao hơn. Do lúc này không còn chỉ đơn thuần là điều trị tình trạng VDCĐ mà còn phải điều trị những tác nhân gây bệnh trong trường hợp bội nhiễm và những biến chứng kèm theo”, bác sĩ Minh Thu nhấn mạnh thêm: Hiện chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh VDCĐ. Mục đích của điều trị là làm giảm các triệu chứng, loại bỏ các yếu tố làm nặng bệnh, để giảm thiểu và ngăn ngừa tái phát và các biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Thuốc điều trị bao gồm thuốc bôi tại chỗ, thuốc toàn thân (ức chế miễn dịch), kết hợp duy trì kem dưỡng ẩm, liệu pháp ánh sáng và gần đây nhất là các thuốc sinh học đang bước đầu được nghiên cứu.
Vì vậy, khi bệnh nhân có các biểu hiện của bệnh VDCĐ như khô da, da nứt nẻ, nhiều mảng đỏ, dày da, có vảy, ngứa nhiều… không đáp ứng với thuốc dưỡng ẩm thông thường, diện tích tổn thương rộng, số lượng nhiều, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị, tuyệt đối không nên tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc tắm và chà xát bằng các loại lá… làm bệnh nặng lên./.
Hương Giang