Việc tiêm mũi vaccine nhắc lại phòng Covid-19 có cần thiết khi dịch bệnh ở nước ta đã được kiểm soát tốt?
E ngại khi tiêm vaccine mũi nhắc lại
Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, số nhập viện giảm sâu, số trường hợp mắc mới được ghi nhận ở mức thấp và đặc biệt rất ít trường hợp tử vong... đã tạo nên tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân, nhiều người không muốn tiêm mũi vaccine nhắc lại. Tâm lý này cũng xuất hiện ở nhóm phụ huynh có con từ 5 tới dưới 12 tuổi đang được tiêm vaccine.
Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm việc tiêm vaccine với tỷ lệ bao phủ cao nhất ở cả 3 mũi tiêm và ở tất cả các nhóm đối tượng đã minh chứng rất rõ điều này. Số BN tử vong do mắc Covid tại Quảng Ninh ở mức thấp nhất cả nước, giảm thiểu số trường hợp chuyển nặng và tử vong, giảm sâu các trường hợp mắc mới, tạo thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong suốt 2 năm dịch bệnh bùng phát.
Dù vậy, khoảng 2 tháng qua khi cả nước bước vào khám sàng lọc thực hiện tiêm ngừa Covid cho trẻ em từ 5 tới dưới 12 tuổi, tại Quảng Ninh và nhiều địa phương có những trường hợp trẻ phải trì hoãn tiêm do đang điều trị các bệnh nền hoặc do mới nhiễm Covid. Điều này dẫn tới tiến độ tiêm vaccine mũi 1 cho trẻ bị chậm và tâm lý băn khoăn, lo lắng như chia sẻ của một phụ huynh ở xã Tân Phong, huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương: "Tôi khá băn khoăn việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi trở lên bởi con tôi đã mắc Covid và hoàn toàn khỏe mạnh. Vì vậy, để lựa chọn thì tôi không cho con tiêm".
Tâm lý e ngại tiêm mũi vaccine nhắc lại cũng xuất hiện ở nhóm người lớn tuổi sau khi họ mắc Covid-19. Ông Trần Văn Sung, phường Tứ Minh - thành phố Hải Dương cho biết: "Nhiều người chủ quan và e ngại không muốn tiêm mũi 4. Họ ngại vì khi tiêm các mũi 2, 3 thấy đau người, mệt mỏi và nhất là thấy dịch bệnh hiện đã được kiểm soát".
Tại các địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn đang ở giai đoạn nước rút tiêm vaccine mũi 3 và bắt đầu chiến dịch tiêm mũi thứ 4, trước mắt tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như những người suy giảm miễn dịch và có bệnh nền... Ông Nguyễn Tiến Tôn, Giám đốc CDC Bắc Kạn cho biết: Địa phương đang lên kế hoạch phân bổ và triển khai tiêm mũi 4 với quyết tâm có vaccine đến đâu tiêm đến đó: "Chúng tôi đang chủ động phối hợp với các huyện, thành phố rà soát các đối tượng đăng ký tiêm, để tổng hợp, dự trù cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp vaccine để không bị dôi dư hoặc tránh lãng phí. Hiện hơn 10.000 liều vaccine mới được nhận, chúng tôi sẽ phân bổ cho 8 huyện, thành phố để tiêm trước ngày 30/6".
Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng do tỷ lệ bao phủ vaccine cao, tuy nhiên, nhiều người dân thấy dịch đã ổn, bản thân đã có miễn dịch nên ngại tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 hoặc 4). Điều này dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vaccine đã được phân bổ trước đó.
Có cần thiết tiêm vaccine mũi 3, mũi 4?
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả Covid-19 nhưng vẫn cần tiêm vaccine nhắc lại để hạn chế các trường hợp mắc mới hoặc tái nhiễm, tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, thời điểm này, vaccine phòng Covid-19 khác với một số vaccine như vaccine đậu mùa, sởi, bại liệt có miễn dịch rất bền vững, gần như suốt đời, vaccine viêm não Nhật Bản B cũng có miễn dịch rất cao. Tuy nhiên, với vaccine phòng Covid-19, người được tiêm vaccine sau một thời gian từ 4-6 tháng, miễn dịch sẽ giảm dần, sức chống đỡ trước bệnh tật cũng giảm, người đã tiêm rồi vẫn có thể nhiễm Covid-19. Đặc biệt nguy hiểm hơn cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch.
“Việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong” - ông Phu cũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, vaccine phòng Covid-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn là biến thể phổ biến trên thế giới. “Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền” - ông Phu cho biết.
PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc cũng cho biết, mũi vaccine thứ 4 vẫn cần thiết cho những người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch... "Người đã tiêm loại vaccine có 3 mũi cơ bản (vaccine Abdala, Verocell) cũng cần tiêm thêm mũi thứ 4, tương tự như mũi vaccine thứ 3 ở các vaccine khác. Các tỉnh thành phải tự rà soát những nhóm người nêu trên, kể cả người cao tuổi khi có tình trạng miễn dịch kém. Người tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân hay các chuỗi sản xuất quan trọng cũng được khuyến cáo tiêm mũi nhắc lại thứ 2 này (mũi 4). Bộ Y tế sẽ cấp vaccine theo nhu cầu các tỉnh thành" - PGS.TS Phạm Quang Thái cho hay.
Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện, biến chủng Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; hơn nữa miễn dịch có được do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải đều không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch. Vì vậy, vaccine tiếp tục được xem là "vũ khí chiến lược" quyết định nền tảng trong phòng chống Covid-19. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều rất quan trọng để bảo đảm miễn dịch cộng đồng, bảo vệ tốt nhất cho con người trước dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới./.