'Chìa khoá' mở tương lai chấm dứt bệnh lao

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Việc quan trọng nhất trong chống lao là làm thế nào phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây.

 

“Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam sớm chấm dứt bệnh lao” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia đã khẳng định với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam khi đưa ra định hướng trong lộ trình phòng, chống lao tại Việt Nam sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Là người đã dành gần như cả sự nghiệp cho công tác chống lao tại Việt Nam, xin ông chia sẻ về những thành tựu đạt được đến thời điểm này?

Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mỗi năm đã cướp đi hàng triệu sinh mạng trên toàn thế giới. So với Covid-19, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao rất nhanh vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micromet, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Và con số tử vong vì lao còn cao hơn nhiều so với tai nạn giao thông. Những người tử vong vì lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Do vậy, bệnh lao còn được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia.Bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người mỗi năm. Tại Việt Nam, ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Ủy ban này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Việt Nam đã có Chương trình chống lao Quốc gia, với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc, nòng cốt là Bệnh viện Phổi Trung ương, có Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)… Mục tiêu của những chương trình này là đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao. Đến nay, chúng tôi tự hào khi phát triển mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc với 51 bệnh viện chuyên khoa cả trung ương và địa phương. Số cán bộ chống lao và bệnh phổi được đào tạo và tâm huyết với nghề đã lên tới hơn 19.000 mặc dù chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập.

Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo USAID, lãnh đạo Chương trình phòng chống lao Quốc gia và các Đối tác, các tỉnh triển khai chiến lược 2X (Xquang sàng lọc, Xpert xác định bệnh lao phổi) tăng cường phát hiện bệnh lao ở Việt Nam.Cụ thể, có hướng dẫn kỹ thuật chẩn đoán và điều trị thống nhất toàn quốc với thuốc miễn phí cho người bệnh và các kỹ thuật chẩn đoán tiên tiến hiện đại nhất đã được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam; Có hỗ trợ quốc tế rất lớn về tài chính và kỹ thuật từ quỹ toàn cầu, WHO, CDC Hoa Kỳ, USAID; Có mạng lưới nghiên cứu rất mạnh với các tổ chức quốc tế như Đại học Sydney Úc, Đại học UCSF Hoa Kỳ, Đại học Amsterdam Hà Lan, Đại học Oxfort Anh đã có những nghiên cứu đột phá truyền cảm hứng cho cộng đồng chống lao toàn cầu.

Tuy nhiên, chúng ta còn cần 2 điều kiện đó là sự bền vững của hệ thống và sự vào cuộc chủ động của cộng đồng để có thể phát hiện được hết người mắc lao, chặn hết nguồn lây và mọi rào cản để người bệnh được tiếp cận với dịch vụ phòng chống lao của chương trình, bao gồm cả rào cản về kinh tế.

Triển khai khám sàng lọc bệnh lao và bệnh phổi áp dụng chiến lược 2X (Xquang sàng lọc, Xpert xác định bệnh lao phổi).Theo chia sẻ của Giáo sư, lộ trình đang có những bước đi rất tốt thì Covid-19 ập đến. Vậy điều này ảnh hưởng như thế nào trong chiến dịch phòng chống lao ở nước ta?

Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ tiêu phát hiện bệnh lao vì người dân không tiếp cận được với dịch vụ chẩn đoán điều trị lao. Nhiều cơ sở, bệnh viện đều được phân công điều trị Covid-19, vì vậy dịch vụ phòng chống lao bị đình trệ, nhiều tỉnh còn thiếu máy móc gây khó khăn cho các bệnh viện này hoạt động khám chữa bệnh lao và bệnh phổi trong thời gian dài.

Tác động rõ nhất là sự sụt giảm đáng kể về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Tỷ lệ phát hiện năm 2020 giảm 3% nhưng đến năm 2021 đã giảm tới 23%, thậm chí giảm 40% phát hiện lao kháng thuốc. Điều này làm cho tình hình dịch tễ lao nặng nề thêm và nhất là nhiều trường hợp không đến khám điều trị kịp thời đã tử vong.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người mắc lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, chúng tôi đã có những định hướng ngay từ đầu mang tính tích cực đó là biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Vì 2 bệnh này có rất nhiều điểm tương đồng, đều là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đều cần điều trị tại cộng đồng. Các biện pháp can thiệp dịch tễ như phát hiện chủ động, sàng lọc người tiếp xúc làm cho lao đã mấy chục năm nay đều áp dụng cho Covid-19 rất hiệu quả, và nhất là vaccine chỉ làm bệnh nhẹ đi nếu mắc, chứ không phòng được mắc Covid và lao. Do vậy, sự tham gia của cộng đồng vô cùng quan trọng.

Năm 2022 đã cho thấy những triển vọng tốt đẹp khi chúng ta đang mở rộng các hoạt động cộng đồng chủ động phát hiện bệnh lao bằng Chiến lược 2X (Xquang sàng lọc, Xpert xác định bệnh lao phổi) tăng cường phát hiện bệnh lao ở Việt Nam. Việc chụp Xquang hàng loạt trên các xe Xquang kỹ thuật số có gắn trí tuệ nhân tạo và điều trị lao tiềm ẩn, tức là điều trị rất sớm không cho nhiễm lao chuyển thành bệnh lao, giúp giảm nhanh chóng nguồn lây trong cộng đồng.

Sáng kiến “phụ nữ Việt Nam chiến thắng Covid chấm dứt bệnh lao” có ý nghĩa như thế nào trong công tác phòng chống lao, thưa ông?

Trong cuộc chiến này, một lực lượng vô cùng quan trọng là người phụ nữ trong mỗi gia đình. Chương trình chống lao quốc gia đặt mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Hội Phổi Việt Nam đã thành lập chi hội phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên toàn quốc.

Chúng tôi nhận thấy việc giao quyền cho cộng đồng là rất cần thiết, nhưng cứ nói chung chung như vậy thì đến bao giờ chúng ta mới hiện thực hóa được kết quả. Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình. Người đó có thể là bà, là mẹ hay con gái nếu được đào tạo và giao nhiệm vụ thì chắc chắn sẽ có hiệu quả rõ rệt. Bởi khi có kiến thức thì chính gia đình họ không mắc lao, chiến thắng Covid, hậu Covid. Đây là một định hướng rất quan trọng để cộng đồng chủ động tham gia vào phát hiện bệnh lao cũng như chăm sóc sức khoẻ nói chung cho từng gia đình.

“Trong chống lao có 2 việc quan trọng nhất là làm thế nào phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây. Chúng ta có đầy đủ kỹ thuật, thực hành chuẩn. Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng ho sốt, người dân hãy đến cơ sở y tế để được phát hiện sớm đúng bệnh lý. Việc điều trị kịp thời, cắt đứt nguồn lây, bệnh lao sẽ giảm".

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung

Khi phát hiện các triệu chứng ho sốt, người dân hãy đến cơ sở y tế để được phát hiện sớm đúng bệnh lý. Việc điều trị kịp thời, cắt đứt nguồn lây, bệnh lao sẽ giảm.Việt Nam là 1 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới, việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng cần nỗ lực đẩy mạnh như thế nào để sớm chấm dứt bệnh lao?

Như ban đầu tôi đã nói, chúng ta đã hội tụ được hầu hết các điều kiện để chấm dứt bệnh lao, một căn bệnh cướp đi mạng sống của gần 10 ngàn người dân một năm và làm cho hàng trăm ngàn gia đình khốn khó vì có người mắc lao. Bài học Covid-19 đã cho chúng ta thấy, vai trò vô cùng quan trọng của cộng đồng tham gia chủ động, không kỳ thị với bệnh lao. Covid-19 đã cho chúng ta thấy kỳ thị người bệnh làm người ta giấu bệnh sẽ nguy hại đến cộng đồng.

Mắc lao không có lỗi. Covid-19 cũng vậy. Sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng sẽ là “chìa khoá” để mở tương lai chấm dứt bệnh lao. Chúng ta cần loại bỏ tất cả mọi rào cản để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế khám chữa bệnh lao khi có triệu chứng ho kéo dài, sốt kéo dài, ho đờm hoặc ho khan có thể có máu lẫn đờm, chán ăn mệt mỏi, gầy sút cân… đều cần đi khám sớm. Cho dù bạn là ai, nghèo đến mức nào, nếu nghĩ mình có vấn đề về bệnh lao hãy đi khám để bác sĩ chẩn đoán bệnh cho mình, nếu mắc lao chưa có thẻ BHYT đã có quỹ PASTB đồng hành với bạn. Nếu phải vào viện mà phải đồng chi trả với BHYT thì quỹ PASTB cũng đồng hành với bạn.

Tôi muốn nhắn nhủ, cùng với cam kết chính trị mạnh mẽ, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại sẵn có trên toàn quốc và sự vào cuộc chủ động của cộng đồng để phát hiện và điều trị khỏi cho tất cả mọi trường hợp mắc lao thì chúng ta chắc chắn sẽ thực hiện thành công nghị quyết của Trung ương là đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Lưu Hường thực hiện

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận