Phì đại tuyến tiền liệt nếu không được thăm khám và điều trị đúng sẽ gây biến chứng, ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng sống.
Số lượng biến chứng gia tăng
Tuyến tiền liệt (TTL) là tuyến sinh dục nằm giữa bàng quang và trực tràng, ôm quanh niệu đạo sau cổ bàng quang. Trước đây, phì đại lành tính TTL khá phổ biến ở nam giới sau tuổi 50, nhưng ngày nay, bệnh có xu hướng trẻ hóa. Khoảng 8% số người ở độ tuổi 31-40 có tăng sản lành tính TTL, và 80% số người trên 70 tuổi. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân (BN) thường không có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh này.
Theo các chuyên gia y tế, dù là bệnh lành tính, nhưng khi tăng sản phì đại TTL sẽ cản trở đường tiết niệu dưới, khiến BN gặp nhiều phiền toái về rối loạn tiểu tiện như: bí tiểu, tiểu nhiều về đêm làm mất ngủ, tiểu buốt, tiểu ngắt quãng không hết bãi, phải rặn, nước tiểu tồn dư sau đi tiểu… ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng cuộc sống. Nếu để lâu hoặc triệu chứng không được cải thiện, có thể bị biến chứng nguy hiểm như sỏi bàng quang, rối loạn chức năng cương dương, viêm bàng quang, ứ nước thận do trào ngược bàng quang niệu quản, thậm chí bệnh nặng gây tạo sỏi, nhiễm trùng tiết niệu, suy thận, có thể dẫn đến ung thư TTL và tử vong.
Hiện nay, phương pháp chữa trị nội khoa là lựa chọn đầu tiên đối với các trường hợp u xơ phì đại TTL mà các triệu chứng ở mức độ trung gian. Điều trị nội khoa có thuốc ức chế rất tốt, giảm tăng kích thước của TTL và bàng quang, giúp người bệnh đi tiểu dễ dàng, nhưng chỉ được một giai đoạn nhất định. Khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả thì BN phải can thiệp phẫu thuật bóc tách khối u.
Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị, khi đã phát hiện mình có mắc u xơ TTL thì điều quan trọng nhất là BN phải được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám định kỳ và theo dõi để có phương pháp, kế hoạch chỉ định kịp thời phù hợp nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nhiều lý do khác khiến người bệnh còn e ngại không đi khám bệnh và bỏ dở việc điều trị, kể cả những người bệnh TTL có biểu hiện đái khó cũng không đi khám. Thậm chí, rất nhiều BN đến BV thì bệnh đã có những biến chứng do các u xơ TTL gây ra rồi.
“Những ngày gần đây, số lượng BN tuyến tiền liệt đến khám tại BV Hữu Nghị có chiều hướng gia tăng. Cao điểm nhất, con số tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm trước dịch bệnh. Điều đáng nói, đa phần trong số BN đó phải can thiệp ngoại khoa”, bác sĩ Long cho hay.
Nên thăm khám định kỳ
Điển hình là trường hợp cụ ông L.T.M 82 tuổi, ở Hà Nội, có tiền sử u xơ TTL, đi tiểu khó trong nhiều năm. Được biết, BN này cũng uống thuốc và điều trị bằng các thuốc nội khoa nhưng không thường xuyên. Thời gian gần vào viện, BN chỉ đi tiểu rắt, tia tiểu không thành dòng. Đến ngày vào viện, BN bị bí tiểu hoàn toàn, ngay lập tức được đưa vào Khoa Cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ thăm khám cho biết cầu bàng quang rất to, cao trên cả rốn và được đặt xông tiểu.
Bác sĩ Long cho biết, khi đến viện, các bác sĩ đo được gần 4 lít nước tiểu trong bàng quang ông M. Với người bình thường, chỉ có gần 0,5 lít nước tiểu đã thấy rất buồn tiểu rồi. Như thế mới biết BN phải chịu đựng một thời gian quá dài, khiến bàng quang căng giãn dần và dẫn đến suy thận. BN đã được làm các xét nghiệm, sau đó được chỉ định mổ bóc tuyến tiền liệt với khối u rất to, khoảng 230g (ở người bình thường chỉ dưới 25g).
Trên giường bệnh, ông M cho biết, trước đây ông cũng thường xuyên đi khám BHYT định kỳ, nhưng trong khoảng 1 năm gần đây do ảnh hưởng của Covid nên ông không đi khám. Khi thấy biểu hiện đi tiểu rắt, tia tiểu không thành dòng, bụng to lên nhiều thì ông M cứ nghĩ những triệu chứng đó là do tuổi già, mà không hề biết tình trạng bí tiểu, tiểu không hết bãi này kéo dài dẫn đến suy thận độ 3. “Mổ xong tôi thấy nhẹ nhõm, dễ chịu hơn trước rất nhiều”, ông M cho hay.
BS Nguyễn Hồng Long cũng cho biết, với những BN có tuổi cao và nhiều bệnh nền thì yêu cầu cho cuộc mổ sẽ cao hơn bởi phải chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo cả ekip phẫu thuật và gây mê. Trường hợp BN 82 tuổi này có cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, rối loạn chuyển hóa. Ca mổ kéo dài hơn 1 tiếng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật vài ngày, BN rất ổn định, nước tiểu đã trong và chức năng thận đã được cải thiện và dự kiến sẽ sớm được ra viện.
Phì đại TTL khiến việc đi tiểu khó khăn, tiểu không hết bãi gây khó chịu, tiểu đêm nhiều lần làm mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Ngoài ra có thể gây tiểu máu, nhiễm trùng tiết niệu, tiểu khó kéo dài dẫn đến suy thận, có thể dẫn đến ung thư TTL. Tiểu khó do phì đại TTL gây tồn dư nước tiểu dẫn đến bệnh lý sỏi tiết niệu. Người bệnh nên thăm khám định kỳ tại cơ sở chuyên khoa để được điều trị đúng.
ThS.BS Nguyễn Hồng Long.
|
Theo bác sĩ Long, việc can thiệp nội khoa với phì đại lành tính TTL không có gì đặc biệt, tùy theo từng người bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thuốc phù hợp nhất, chứ không nên nghe mách bảo và truyền tai nhau cũng như dùng thuốc nam sai cách. “Hiện nay trên thị trường và các trang mạng quảng cáo nhiều loại thuốc điều trị TTL cả đông y và tây y nhưng những thông tin này có được kiểm chứng về mặt khoa học hay không thì đấy là vấn đề quan trọng người bệnh cần quan tâm. Chúng tôi đã gặp rất nhiều BN dùng thuốc nam, thuốc tây sai cách để lại biến chứng đáng tiếc. Vì thế, chúng tôi vẫn khuyến cáo người bệnh phải được thăm khám ở các trung tâm, phòng khám chuyên khoa có uy tín để được chỉ định điều trị đúng”, ThS.BS Long lưu ý.
U xơ TTL có thể phát triển âm thầm trong một thời gian dài mà BN không hay biết. Vì vậy, khi có hiện tượng tiểu khó, tiểu không hết, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, tiểu phải gắng sức, đi tiểu nhiều lần…, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.“Tất cả những BN đã được chẩn đoán u xơ và có rối loạn tiểu tiện thì phải được khám định kỳ và được chỉ định điều trị, theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa để tránh những biến chứng do tình trạng u xơ gây nên”- BS Long khuyến cáo./.
Hương Giang