Tác hại của thuốc lá tới hệ tiêu hóa và trẻ nhỏ

Khói thuốc lá không chỉ gây tác hại cho hệ tiêu hóa người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người xung quanh và trẻ nhỏ.

 

Khói thuốc lá không chỉ gây tác hại cho hệ tiêu hóa người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người xung quanh và trẻ nhỏ.

Hút thuốc lá gây rối loạn hệ tiêu hóa

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Liên, khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV108) cho biết, hút thuốc lá không chỉ là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý tim mạch và hô hấp, mà ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh thuốc lá có hại tới bệnh lý tiêu hóa. Hút thuốc góp phần gây ra nhiều rối loạn hệ tiêu hóa như ợ chua, ợ nóng, ợ trớ, đau bụng, mệt mỏi. Hút thuốc đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), Crohn, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Theo thống kê, có khoảng 15,6 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá, chiếm 22,5%. Bên cạnh những người hút thuốc lá trực tiếp, lượng người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng ở mức cao đáng báo động.

nguồn ảnh: BV108Bác sĩ Phương Liên cảnh báo, hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống thanh-khí quản-phổi mà còn theo cuống họng để xâm nhập tới thực quản và gây biến đổi ung thư hóa. Cụ thể, thời gian vừa qua, khoa Nội soi tiêu hóa, BV108 đã tiếp nhận không ít trường hợp nội soi với tiền sử hút thuốc lá lâu năm. Điển hình như nam bệnh nhân tên V.T, 61 tuổi, tiền sử hút thuốc lá trong 35 năm, đi khám vì triệu chứng nuốt nghẹn. Anh T đến BV108 nội soi được phát hiện u sùi chiếm gần toàn bộ lòng thực quản, không đưa ống soi qua được. bên cạnh đó, các bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lâu năm cũng đang dần trẻ hóa như bệnh nhân N.T.T, 25 tuổi, tiền sử hút thuốc lá liên tục từ năm 17 tuổi, khoảng 8 điếu/ngày. Đi nội soi phát hiện tình trạng Barrett thực quản (là hiện tượng các tế bào trong thực quản - phần ống nối từ miệng đến dạ dày, được thay thế bằng các tế bào tương tự như niêm mạc ruột). Đồng thời như trường hợp anh N.T.T khi hút thuốc cũng làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới (cơ giữa thực quản và dạ dày) giúp ngăn thức ăn từ dạ dày chảy ngược lại thực quản. Khi cơ vòng thực quản dưới yếu đi, các chất trong dạ dày có thể trào ngược lại thực quản, gây ợ chua và có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản. Barrett thực quản được coi là có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư thực quản.

“Không chỉ thuốc lá truyền thống mà cả thuốc lá điện tử cũng có nguy cơ cao gây các bệnh tiêu hóa, đặc biệt là ống tiêu hóa trên. Ngoài ra, hút thuốc lá còn là nguy cơ gây nên rất nhiều bệnh lý khác, ảnh hưởng đến người hút và cả những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lâu ngày. Hầu hết bệnh nhân hút thuốc lá thường phát hiện bệnh muộn do sự ngấm dần từ từ của khói thuốc, chính vì vậy để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh, cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá”, bác sĩ Phương Liên nhấn mạnh.

Khói thuốc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trẻ nhỏ

Các chuyên gia y tế phân tích, khói thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó ít nhất 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc không chỉ gây tác hại tới sức khỏe người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ.Thống kê của ngành y tế cho thấy tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ lên tới gần 70% và của trẻ em là gần 50%.

Ảnh minh họa: KTTheo TS.BS Lê Thị Thu Hương, Khoa Nhi của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trẻ hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp viêm phế quản, viêm phổi, ho và khò khè, hen suyễn và các bệnh lý khác như nhiễm trùng tai. Khói thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. “Đặc biệt những trẻ mắc bệnh hen suyễn, nếu thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thì tăng nguy cơ bị kháng thuốc điều trị bệnh hen. Những trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn và nguy cơ lên cơn hen cấp tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với trẻ sống trong gia đình không có người hút thuốc”, BS Thu Hương nhấn mạnh.

Nhiều người thường cho rằng, chỉ cần không hút thuốc lá trước mặt trẻ em hoặc không hút trong nhà thì không ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên, bác sĩ Thu Hương cho hay, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí, vương trên rèm cửa, đồ nội thất, quần áo… ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Hoặc sau khi hút thuốc mà cha mẹ, người lớn trực tiếp trò chuyện, ôm ấp bé thì khói thuốc trong hơi thở có thể phả vào em bé, khiến bé hít phải và nhiễm độc.

Vì thế, BS Lê Thị Thu Hương đưa ra lời khuyên: các bậc cha mẹ nên giữ cho trẻ hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá. Các thành viên trong gia đình nếu đã hút thuốc thì nên giảm dần lượng thuốc hút mỗi ngày và tiến tới bỏ hẳn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cha mẹ cũng có thể trò chuyện, giáo dục trẻ về những ảnh hưởng nguy hại của khói thuốc bằng tranh ảnh, các video clip… sinh động, giúp các bé biết nói không với thuốc lá ngay từ khi còn nhỏ./.

Giang - Tuyết

 

Bình luận

    Chưa có bình luận