Dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV

Điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV là một chiến lược mới để bảo vệ những người chưa bị HIV khi có hành vi nguy cơ.

 

Trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV là một chiến lược mới để bảo vệ những người chưa bị HIV khi có hành vi nguy cơ.

Nhóm nguy cơ cần điều trị PrEP

Theo thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS:tỷ lệ nhiễm HIV ở hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, gái mại dâm có xu hướng giảm nhanh nhưng đan xen giữa các hành vi của nhóm này và nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nữ chuyển giới (TGW)… lại có nguy cơ bùng phát. Nếu như năm 2012, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chỉ khoảng 2,3%, thì năm 2017 đã tăng lên 12,2% (có tỉnh, thành phố tới 14-16%).


Hoàng Anh (nhóm Love boy Hà Nội) tại buổi tuyên truyền hỗ trợ cộng đồng MSM-TG Việt Nam. Ảnh: Lưu Hường

Các phương pháp can thiệp dự phòng HIV cho nhóm MSM và chuyển giới từ trước tới nay vẫn chỉ là tuyên truyền sử dụng bao cao su và chất bôi trơn để tránh nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV nên không đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm.

Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng dự phòng lây nhiễm HIV mới như dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Thuốc PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis) điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với mục đích chính là ngăn chặn và giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Bộ Y tế, PrEP được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, đó là nhóm MSM, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm (cặp có 1 người nhiễm và một người không nhiễm HIV) trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng, hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml.

“Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh, PrEP rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Trên thực tế, chưa có trường hợp MSM nào trên thế giới bị nhiễm HIV trong khi đang sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra nếu MSM ngưng sử dụng PrEP hoặc nếu họ không sử dụng nó đều đặn theo hướng của các bác sĩ. Theo kết quả của nghiên cứu iPrEx, với 2.499 MSM và TGW tham gia, những người sử dụng PrEP hằng ngày đạt được tỉ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV lên tới 99%”, ông Long nhấn mạnh.

Giá của việc điều trị PrEP và FEP

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chỉ ra rằng, PrEP được khuyến cáo sử dụng cho tới khi nào hết nguy cơ. Nếu khẳng định không còn nguy cơ nữa thì sẽ ngừng điều trị sau 28 ngày kể từ thời điểm có nguy cơ phơi nhiễm cuối cùng.

Quá trình điều trị PrEP chỉ phòng ngừa lây nhiễm HIV chứ không phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, sùi mào gà… Điều đáng nói, người sử dụng PrEP sẽ được tư vấn và theo dõi quá trình dung nạp thuốc cũng như những tác dụng phụ và điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác. Do vậy, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, nếu người nào hôm nay xét nghiệm dương tính HIV, chứng tỏ ít nhất 3 tháng trước đã có hành vi nguy cơ nhiễm HIV. Còn hôm nay có hành vi nguy cơ, xét nghiệm âm tính thì chưa chắc đã loại trừ HIV mà phải đợi 3 tháng sau (không có nguy cơ nào khác) khẳng định âm tính mới coi là không bị HIV. Do đó, biện pháp tốt nhất là theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Trường hợp xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV và tải lượng dưới ngưỡng (200 bản sao/ml) thì không cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho bạn tình không nhiễm HIV.

PEP (Post Exposure Prophylaxis) là dùng ARV cho những người đã phơi nhiễm HIV sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhằm dự phòng bị lây nhiễm HIV. PEP nên tiến hành càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ kể từ khi bị phơi nhiễm (theo EACS tốt nhất là dưới 4 giờ). Vì vậy, nếu chẳng may bị phơi nhiễm bởi vật sắc nhọn, bơm kim tiêm đâm,… người bệnh cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước vài phút, băng bó và đến cơ sở y tế gần nhất (tốt nhất 6 giờ đầu) để được tư vấn và uống thuốc dự phòng lây nhiễm HIV (kéo dài 28 ngày). Sau 1 tháng cần đánh giá lại và sau 3 tháng xét nghiệm kiểm tra để xác định có bị dương tính với HIV hay không./.

“Việt Nam đang triển khai thí điểm điều trị PrEP tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với 10 cơ sở y tế (cả công và tư), điều trị cho hơn 2.000 khách hàng. Năm 2019, mở rộng triển khai PrEP trên 11 tỉnh có tình hình dịch cao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long.
 

Bình luận

    Chưa có bình luận