Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển ở tuổi dậy thì, đặc biệt với những trẻ dậy thì sớm. TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ với Báo TNVN về thực trạng dậy thì sớm ở trẻ hiện nay.
Xin bác sĩ cho biết tình trạng dậy thì sớm ở trẻ hiện nay như thế nào?
Hiện tại, không có con số thống kê chung về tỷ lệ dậy thì sớm trên toàn cầu, đặc biệt là số liệu về dậy thì sớm ở trẻ trai rất ít do việc nhận thức, khám, phát hiện tình trạng dậy thì sớm còn chưa đẩy đủ. Tuy nhiên, có một xu hướng chung, đã được quan sát thấy ở nhiều quốc gia thuộc nhiều khu vực đó là độ tuổi dậy thì hiện nay sớm hơn so với độ tuổi dậy thì trước kia từ 1-3 năm (tùy từng khu vực). Một số nghiên cứu cho thấy, cứ 1 thập kỷ (10 năm) trôi qua trẻ em sẽ dậy thì sớm hơn khoảng 3 tháng.
Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) trong 3 tháng cuối năm 2019, tỷ lệ dậy thì sớm ở bé gái cao gấp 5 lần bé trai.
Trẻ phát triển như thế nào là dậy thì sớm, thưa bác sĩ?
Dậy thì được coi là sớm nếu trẻ bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Một số dấu hiệu phát hiện trẻ dậy thì sớm biểu hiện ở bé gái bao gồm: Cân nặng và chiều cao tăng nhanh, ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt, nổi mụn trứng cá, xuất hiện mùi cơ thể. Còn ở bé trai là: Trẻ phát triển cân nặng và chiều cao nhanh chóng, tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi, xuất hiện mùi cơ thể.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ?
Dậy thì sớm được chia thành 2 loại là dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên. Đa số các trường hợp dậy thì sớm trung ương không xác định được nguyên nhân, một số trường hợp dậy thì sớm trung ương hiếm gặp có nguyên nhân là do khối u não, dị tật ở não bẩm sinh, xạ trị/chấn thương vùng não/tủy sống, hội chứng McCune-Albright hoặc tăng sản thượng thận bẩm sinh - tình trạng liên quan đến việc sản xuất bất thường các nội tiết tố nam. Trong một số trường hợp hiếm gặp, dậy thì sớm có thể liên quan đến suy giáp
Dậy thì sớm ngoại biên thường có nguyên nhân liên quan đến hormone testosterone hoặc estrogen, hiếm gặp hơn là liên quan đến hormone GnRH trong não bộ, có thể là do các khối u hoặc do phơi nhiễm với những hormone này từ sớm.
Một số yếu tố liên quan dậy thì sớm như: Giới tính: Bé gái có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn bé trai từ 5-10 lần (tỷ lệ bé gái: bé trai dậy thì sớm là khoảng 3:1); Chủng tộc: Dậy thì sớm có liên quan đến vấn đề chủng tộc, sớm hơn ở người gốc Phi, Mỹ La tinh, Bắc Âu...; Bị béo phì: Trẻ em thừa cân béo phì có nguy cơ cao bị dậy thì sớm; Tiếp xúc với hormone sinh dục: Tiếp xúc với kem hoặc thuốc mỡ estrogen hoặc testosterone, hoặc các chất khác có chứa các hormone này (chẳng hạn như thuốc của người lớn hoặc thực phẩm chức năng), có thể làm tăng nguy cơ phát triển dậy thì sớm.
Ngoài ra còn có các vấn đề sức khỏe khác như: Dậy thì sớm có thể là biến chứng của hội chứng McCune-Albright hoặc tăng sản thượng thận bẩm sinh - tình trạng liên quan đến việc sản xuất bất thường các nội tiết tố nam. Trong một số trường hợp hiếm gặp, dậy thì sớm có thể liên quan đến suy giáp; Đã được xạ trị hệ thần kinh trung ương: Xạ trị cho các khối u, bệnh bạch cầu hoặc các tình trạng khác có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.
Ông có thể phân tích rõ hơn về chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng ra sao đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ?
Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển ở tuổi dậy thì. Cụ thể:
Ảnh hưởng của protein và dậy thì sớm: nghiên cứu chỉ ra rằng khẩu phần ăn với lượng protein động vật quá cao trong thời thơ ấu có thể liên quan đến việc bắt đầu dậy thì sớm hơn do protein động vật làm tăng tiết hormone tăng trưởng IGF-1 có liên quan đến dậy thì sớm. Theo các nghiên cứu mỗi 1g protein động vật ăn thừa/ngày trong thời thơ ấu sẽ tương đương với việc dậy thì sớm hơn khoảng 2 tháng.
Ảnh hưởng của chất béo và dậy thì sớm: Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn dậy thì của trẻ. Tuy nhiên các loại chất béo khác nhau lại có ảnh hưởng khác nhau đến quá trình dậy thì. Chế độ ăn giàu các chất béo không bão hòa đa (PUFA) có liên quan đến dậy thì sớm ở trẻ, trong khi đó chế độ ăn giàu chất xơ và giàu chất béo không bão hòa đơn (MUFA) sẽ bảo vệ trẻ trước tình trạng dậy thì sớm
Tiêu thụ đồ uống có đường: Nghiên cứu cho thấy trẻ gái 9 - 14 tuổi tiêu thụ >1.5 khẩu phần đồ uống có đường mỗi ngày thì có kinh nguyệt sớm hơn 24% so với trẻ chỉ tiêu thụ <2 phần đồ uống có đường hàng tuần. Mối liên quan này không nhất thiết phải do đường mà có thể liên quan đến các hợp chất khác có trong những đồ uống này, bao gồm cả caffeine.
Ảnh hưởng của vi chất: Các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng vitamin D có liên quan đến thời điểm dậy thì: Sự thiếu hụt vitamin D gặp nhiều hơn ở trẻ dậy thì sớm so với trẻ có tuổi dậy thì bình thường và việc bố ung vitamin D sẽ giúp trì hoãn quá trình dậy thì sớm ở trẻ
Như ông vừa nói, thừa cân béo phì là một nguy cơ khiến dậy thì sớm. Vậy với trẻ thiếu cân, thiếu chiều cao có ảnh hưởng gì tới giai đoạn dậy thì?
Trẻ thừa cân hoặc béo phì thường có sự phát triển giới tính sớm và gây dậy thì sớm hơn trẻ khác. Nghiên cứu dữ liệu tăng trưởng ở Thụy Điển cho thấy trẻ em gái có chỉ số BMI cao hơn có thời gian khởi phát dậy thì sớm hơn đáng kể. Các bé gái có tỷ lệ mỡ cơ thể và BMI cao hơn khi 5 và 7 tuổi có thể dậy thì sớm hơn đáng kể vào 9 tuổi hoặc sớm hơn.
Tế bào mỡ giống như nhà máy sản xuất estrogen. Do đó, khi cân nặng tăng lên thì nồng độ hormone cũng tăng theo. Mỡ dư thừa của cơ thể làm thay đổi mức độ của các hormone insulin, leptin và estrogen trong cơ thể và là nguyên nhân dẫn đến việc đẩy nhanh thời gian dậy thì do béo phì. Ngoài ra, lười vận động cũng có thể làm giảm mức melatonin có thể ảnh hưởng đến các tín hiệu trong não kích hoạt sự phát triển ở tuổi dậy thì.
Trẻ nhẹ cân và thiếu chiều cao có thể bị thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng do suy dinh dưỡng và kém hấp thu. Điều đó có thể tác động đến sự phát triển của não bộ và dẫn đến sự chậm trễ trong các mốc phát triển, đặc biệt là gây dậy thì muộn hơn so với trẻ đủ cân nặng chiều cao.
Trẻ dậy thì sớm có cần đi khám và điều trị, thưa bác sĩ?
Trẻ dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hệ lụy sau: Thứ nhất, giảm khả năng phát triển: Dậy thì sớm khiến đầu xương đóng khép sớm, chiều cao của trẻ thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Trẻ sẽ có ít hơn 3 năm phát triển chiều cao so với các bạn. Thường trẻ gái thấp hơn 12cm và trẻ trai thấp hơn tới 20cm khi trưởng thành.
Thứ hai, tăng nguy cơ bệnh lý: Bé gái dậy thì sớm có nguy cơ bị ung thư vú, bệnh lý tim mạch và cao huyết áp hơn so với trẻ bình thường, rối loạn nội tiết sớm gây ra hội chứng buồng trứng đa nang. Thứ ba, quan hệ tình dục sớm: Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Thứ tư, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý: Trẻ dậy thì sớm sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm do khác biệt về hình thể so với các bạn cùng tuổi. Thứ năm, ảnh hưởng đến tâm lý: thay đổi hormone do dậy thì sớm có thể khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn, trầm tính hơn, trẻ cũng sẽ tự ti hơn trong giao tiếp xã hội, một số trẻ có thể biểu hiện bằng hành vi hung hăng, nóng tính hơn.
Mục đích của điều trị là làm ngừng các dấu hiệu lâm sàng của dậy thì, làm chậm trưởng thành xương và cải thiện chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị cho trẻ dậy thì sớm bao gồm: Tuổi của trẻ tại thời điểm chẩn đoán; Dự đoán chiều cao lúc trưởng thành: là yếu tố quan trọng nhất để quyết định điều trị; Ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ.
Nếu các bác sĩ chuyên khoa nhận thấy trẻ được lợi ích từ việc điều trị, các bác sĩ chuyên khoa sẽ trao đổi với gia đình về mục tiêu có thể đạt được, những lựa chọn điều trị và giải thích về nguy cơ.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Lưu Hường thực hiện
Cần làm gì giúp con phát triển bình thường, dậy thì đúng tuổi?
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chuyên gia cao cấp tại Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, muốn con em mình phát triển bình thường, dậy thì đúng tuổi, cha mẹ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích… hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Việc tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ ví dụ như các loại quả họ cam chanh bưởi, táo, nho đỏ, hành tây đỏ, cà chua, bông cải xanh và các loại rau xanh cũng có thể góp phần làm giảm tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Tăng cường vận động: Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục, thể thao ít nhất là 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần để duy trì cân nặng hợp lý cũng như có sức khỏe tối ưu
Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosteron: Ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục; Tránh đồ có BPA, phtalate (đồ nhựa có tam giác tái chế số 7 và số 3).
Đi khám và tư vấn sớm nếu có các dấu hiệu của dậy thì sớm ở cả trẻ nam và nữ.
PV
|