Trong vòng một tháng qua, Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 4 trẻ mắc bệnh viêm não nhập viện. TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi cho biết, các trẻ được đưa đến đều trong tình trạng sốt cao, nôn ói, đau đầu, mệt mỏi. Đặc biệt trong đó có 2 trẻ ở mức độ nặng, thay đổi ý thức, lú lẫn và co giật.
Một trong số đó là trường hợp bé T. 10 tuổi ở Hà Nội. Theo anh Nguyễn Văn Đ. cha của bé, cách đây khoảng 2 tuần, bé có biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu mệt mỏi. Nghĩ rằng con chỉ bị cảm cúm thông thường nên sau hai ngày điều trị tại nhà, gia đình vẫn đưa bé đi học. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, bé T. bắt đầu bị sốt cao, co giật, vợ chồng anh Đ. mới vội đưa con đến bệnh viện. Các bác sĩ xác định, bé bị viêm não do virus. “Lúc mới vào viện con vẫn nhận biết được bố mẹ. Dần dần cháu bị nặng hơn, lơ mơ rồi mất dần nhận thức. Giờ cháu không biết gì, như đứa trẻ sơ sinh, chân tay mềm nhũn” - Anh Đ. đau xót khi kể về tình hình hiện tại của con.
Anh Đ. cũng cho biết, lúc còn nhỏ, bé T đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, sau đó, có thể gia đình đã quên mà bỏ qua các mũi tiêm nhắc lại cho con.
Các chủng virus thường gây bệnh viêm não
Bác sĩ Đặng Thị Thúy cho biết, một số chủng virus gây bệnh viêm não bao gồm:
- Nhóm Arbovirus lây truyền qua các loại côn trùng trung gian như muỗi, bọ chét, ve… Trong nhóm này, nổi bật nhất là virus gây viêm não Nhật Bản - căn bệnh rất phổ biến ở khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Cho dù hiện nay đã có vaccine tiêm phòng viêm não Nhật Bản tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh tại nước ta vẫn còn khá cao, nhất là vào mùa hè.
- Nhóm enterovirus: Trong đó enterovirus 71 và Coxackie cũng có thể gây bên bệnh viêm não nặng nề ngoài biểu hiện nhẹ của nó là bệnh tay chân miệng.
- Một số virus như Herpes hay các virus gây bệnh sởi, quai bị, cúm… cũng có thể gây viêm não, tuy nhiên ít gặp hơn.
Cũng theo bác sĩ Đặng Thị Thúy, tùy theo từng loại virus gây bệnh viêm não mà đường lây truyền cũng khác nhau. “Trong tự nhiên, các loài chim và động vật hoang dã là ổ chứa virus gây viêm não Nhật Bản. Khi muỗi và các loài côn trùng trung gian hút máu các loài chim và động vật hoang dã, virus sẽ được truyền sang các loài côn trùng trung gian này. Sau đó virus tiếp tục được lây truyền sang người qua các vết muỗi cắn, bọ chét, ve đốt và gây bệnh viêm não cho người. Mùa hè là cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản bởi vào mùa này các loài chim hoang dã hay bay về ăn quả và cũng là mua sinh sôi, nảy nở của muỗi và các loài côn trùng. Còn enterovirus lây truyền qua đường tiêu hóa. Con người là ổ chứa và khi virus được thải ra ngoài môi trường qua phân và nước bọt thì có thể dính vào tay chân, quần áo… Nếu chúng ta vô tình tiếp xúc và không vệ sinh tay sạch sẽ thì có thể làm lây bệnh cho những trẻ khác. Một số loại virus có thể lây truyền qua đường hô hấp như virus gây bệnh cúm, sởi, rubella. Hoặc virus Herpes đã có sẵn trong cơ thể chúng ta và tự kích hoạt gây viêm não” - BS Đặng Thị Thúy giải thích.
Phòng bệnh viêm não do virus ở trẻ bằng cách nào?
Trong số các chủng virus gây bệnh viêm não ở trẻ, mới chỉ có viêm não Nhật Bản có vaccine phòng bệnh chủ động. Do bệnh viêm não Nhật Bản thường xảy ra vào mùa hè nên để có thể phòng bệnh hiệu quả, các bậc cha mẹ cần chú ý tiêm phòng cho con ít nhất trước 3 tháng nhằm giúp cơ thể sinh kháng thể bảo vệ.
Với loại vaccine thế hệ cũ (vaccine bất hoạt) trẻ cần được tiêm mũi thứ nhất phòng viêm não Nhật Bản ngay từ khi đủ 12 tháng tuổi. Mũi thứ hai tiêm nhắc lại sau một tuần. Sau một năm tiêm nhắc lại mũi thứ ba. Tiếp theo, cứ 3 năm thì tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi để tăng cường kháng thể.
Tuy nhiên, bác sĩ Đặng Thị Thúy cũng cho biết, hiện nay đã có loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản thế hệ mới, giúp trẻ không phải tiêm nhắc lại nhiều lần. Với loại vaccine này, trẻ chỉ cần tiêm 2 mũi: mũi 1 khi tròn 9 tháng tuổi và sau một năm tiêm nhắc lại mũi 2 là có hiệu quả bảo vệ trẻ suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
“Nhiều bậc cha mẹ thắc mắc tại sao đã cho con tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản mà sao vẫn bị mắc bệnh? Với vaccine bất hoạt (vaccine thế hệ cũ) phòng viêm não Nhật Bản, sau 3 mũi cơ sở là trẻ đã sinh kháng thể bảo vệ. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng kháng thể này sẽ giảm xuống và hiệu quả bảo vệ sẽ kém đi. Chính vì vậy, dù đã được tiêm vaccine những trẻ có thể bị mắc bệnh. Do đó, việc tiêm nhắc lại các mũi tăng cường là hết sức quan trọng để thúc đẩy sản sinh đủ lượng kháng thể bảo vệ trẻ trước căn bệnh này”, BS Đặng Thị Thúy khuyến cáo.
Với các chủng virus gây viêm não chưa có vaccine phòng bệnh, các bậc cha mẹ nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung. Đó là vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, giữ cho nhà cửa sạch sẽ, hạn chế nơi trú ẩn của muỗi và các loại côn trùng, diệt muỗi…Từ đó làm giảm khả năng chúng sinh sôi, nảy nở và lây truyền bệnh cho con người
Đặc biệt, trong mùa hè, các bậc cha mẹ nên chú ý phòng tránh muỗi đốt bằng cách cho trẻ ngủ màn, mặc quần áo dài, không cho trẻ chơi ở những nơi có nhiều bụi rậm, nhất là vào lúc chiều tà và sáng sớm - thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.
Đồng thời chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, tăng cường bổ sung dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ trước các căn bệnh truyền nhiễm trong mùa hè nói chung và bệnh viêm não do virus nói riêng./.
Theo Ánh Tuyết/VOV2