Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Khoa ngoại tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: ung thư gan nguyên phát có liên quan đến các yếu tố nguy cơ như viêm gan virus (viêm gan B, viêm gan C), nghiện rượu, nấm mốc Aflatoxin… Ở Việt Nam, yếu tố nguy cơ hàng đầu là viêm gan B.
Bác sĩ Hưng cho biết, viêm gan B thường có 2 thể: hoạt động và thể ngủ yên. Thể ngủ yên tức là virus không hoạt động và không phá hủy tế bào gan. Với thể ngủ yên nếu ăn uống, thể dục điều độ, sức khỏe ổn định, khả năng miễn dịch tốt thì không cần phải uống thuốc điều trị. Còn thể hoạt động tức là virus phá hủy tế bào gan bình thường, gây ra xơ gan, làm cho chức năng gan bị suy giảm. Vì thế, người bệnh cần uống thuốc kháng virus.
“Viêm gan C hiện có thuốc đặc trị. Còn viêm gan B hiện nay không có thuốc đặc trị để tiêu diệt hoàn toàn con virus đấy. Đây là điều đáng lo ngại khi tỷ lệ ung thư gan ở Việt Nam rất cao. Do vậy, đối với người viêm gan B mà chức năng gan ổn định nên khám định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần. Với người viêm gan B thể virus hoạt động thì có thể khám định kỳ 2-3 tháng/lần để được điều trị thuốc kháng virus và theo dõi định kỳ chức năng gan, theo dõi đáp ứng với thuốc điều trị đó. Việc tuân thủ dùng thuốc kháng virus nhằm giúp con virus ngủ yên không hoạt động, không có cơ hội phá hủy tế bào gan”, BS Hưng khuyến cáo thêm: Ung thư gan thường tiến triển âm thầm, từ giai đoạn sớm hầu như không có biểu hiện gì. Đến giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn thường có triệu chứng đau bụng hạ sườn phải, ăn uống kém, vàng da, vàng mắt, cổ chướng, sút cân. Khi khối u lớn, việc điều trị hết sức khó khăn, phức tạp và kết quả điều trị không cao. Do vậy người dân nên ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và nên khám bệnh định kỳ để được phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng và kịp thời./.
PV