Các chuyên gia y tế giải đáp những băn khoăn lo lắng của nhiều bậc cha mẹ về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Cần nói rõ về lợi ích của vaccine
Trước thông tin nhà trường thông báo các cháu có thể được tiêm vaccine vào tháng 4 này, nhằm đảm bảo an toàn cho các con khi đi học trở lại, chị Nguyễn Thị Nga (có con học lớp 6, ở Hà Nội) rất lúng túng trong việc chuẩn bị trước và sau tiêm cho con. “Tôi sợ nếu chẳng may con gặp phản ứng phụ sau tiêm thì sẽ xử trí như thế nào, hoặc liệu vaccine có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con sau này hay không...”, chị Nga nói.
Giải đáp những lo lắng của nhiều phụ huynh về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liệu có ảnh hưởng lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng bất lợi khác, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định: Vaccine phòng Covid-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ. Điều này đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng, đoạn thông tin trong vaccine chỉ có tác dụng kích thích cơ thể sinh ra protein của virus và từ đó tạo ra kháng thể chứ không tích hợp vào gen của người. Nói một cách khác, vaccine không ảnh hưởng tới di truyền người và sẽ bị đào thải sau vài ngày khi đã hoàn thành nhiệm vụ kích thích sinh miễn dịch. Vaccine Pfizer-BioNTech mà Chính phủ đặt mua đã được công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng trên thế giới ở nhóm từ 5 - 17 tuổi là an toàn. Và trên cơ sở đó, CDC Mỹ, CDC châu Âu và rất nhiều quốc gia đã triển khai tiêm chủng cho trẻ. Thử nghiệm lâm sàng với các liều khác nhau cho trẻ từ 5 - 11 tuổi cho thấy, với liều 10mg như hiện tại (tương đương 1/3 liều của người lớn và trẻ lớn) thì có thể đạt hiệu quả sinh miễn dịch trong khi vẫn an toàn.
Việc lần đầu đưa con em mình đi tiêm vaccine phòng Covid-19, cha mẹ hẳn sẽ có chút lo lắng. Điều quan trọng là cha mẹ, người chăm sóc cần cập nhật thông tin từ những nguồn đáng tin cậy như cơ quan y tế địa phương, Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới về vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.
Theo TS.BS Phạm Quang Thái, trẻ em mắc Covid-19 không diễn biến nặng như người lớn song có thể gặp các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Trong khi đó, nhiều cuộc thử nghiệm vaccine đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5 - 11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có thể giúp giảm sự lây lan của virus, đặc biệt là ở những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ em nhiễm Covid-19 có nguy cơ bệnh trở nặng ở tỷ lệ thấp và việc tiêm phòng cho trẻ có thể giảm các biến chứng hậu Covid. WHO khuyến cáo rằng trẻ em từ 5 tuổi trở lên và mắc các bệnh nền có nguy cơ cao bệnh trở nặng khi nhiễm Covid-19 nên được tiêm chủng cùng với các nhóm nguy cơ cao khác. Ngoài ra, tiêm chủng cho trẻ em giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch trong cộng đồng. Đây là cơ sở để có được trường học an toàn trong thời gian tới. Phụ huynh cũng cần nắm được sự quan trọng của việc tiêm chủng và giải thích cho con em mình hiểu, bởi việc tiêm phòng nếu gặp sự không đồng thuận từ cha mẹ và trẻ sẽ gây những bất lợi ngay chính từ tâm lý lo ngại của cha mẹ.
“Trẻ không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi tiêm chủng. Cha mẹ nên kể chuyện về vaccine cho trẻ, nói rõ về lợi ích của việc tiêm vaccine, giữ cho trẻ có tâm lý thoải mái, tự nguyện tham gia tiêm và sinh hoạt như bình thường. Vào buổi tiêm chủng, trẻ nên ăn nhẹ trước khi đi tiêm, uống đủ nước, mặc các loại quần áo thoải mái để tiêm chủng thuận lợi”, ông Thái chia sẻ.
Lưu ý trước và sau tiêm
Trước đó, chương trình tiêm chủng mở rộng ghi nhận sự việc hàng loạt học sinh bị phản ứng sau khi tiêm phải nhập viện. Nguyên nhân phần nhiều đến từ vấn đề tâm lý của trẻ và phản ứng lo lắng dây chuyền. Vì vậy, tâm lý thoải mái của cha mẹ đối với tiêm chủng cũng rất quan trọng vì tâm lý lo sợ có thể lan truyền đến trẻ. Tốt nhất, cha mẹ nên trao đổi thêm với trẻ về quá trình tiêm, các phản ứng phụ có thể gặp, thời gian theo dõi... Tại điểm tiêm, nếu được ở cạnh các cháu, cha mẹ nên trấn an để trẻ không có phản ứng lo lắng quá mức khi tiêm.
“Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng khi theo dõi trẻ tại nhà sau tiêm. Các trẻ từ 5 - 11 tuổi đa phần hiếu động, chưa biết bày tỏ sự khó chịu, các bất thường của cơ thể. Trong khi đó, các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có thể vào ban đêm khi bố mẹ đã đi ngủ. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, để ý, động viên trẻ sau tiêm”, TS.BS Phạm Quang Thái lưu ý.
TS.BS Phạm Quang Thái cũng chỉ rõ, các phản ứng phụ có thể gặp ở trẻ gồm đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm... Các phản ứng khá đa dạng và có thể nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác. Do đó, khi cơ thể trẻ có bất thường không nhất thiết đúng theo bảng hướng dẫn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và đưa con tới cơ sở y tế gần nhất./.
“Nếu trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, hóa trị ung thư, viêm đa cơ quan (MIS-C) (thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mắt đỏ…)... nên hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh. Trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng vẫn cần thiết tiêm chủng để được bảo vệ tốt hơn tuy nhiên thời điểm tiêm cách thời gian mắc khoảng 3 tháng. Nếu trẻ có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, có hội chứng tăng động, giảm chú ý... thì cần thận trọng khi tiêm. Trẻ có bệnh tim bẩm sinh, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường... nên được đưa đến tiêm chủng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên”.
TS.BS Phạm Quang Thái
|