Phát hiện sớm glôcôm để phòng tránh mù lòa

Trong các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được thì glôcôm (thiên đầu thống) đứng thứ hai (sau bệnh đục thủy tinh thể).

 

Thế nhưng, người dân còn chưa chú ý đúng mức đến căn bệnh này.

Những ngày này ai đến Bệnh viện Mắt Trung ương đều nhìn thấy dòng chữ: Hưởng ứng tuần glôcôm thế giới (6-12/3/2022): “Hãy giữ gìn đôi mắt của bạn vì một thế giới tươi sáng” ở chính giữa cổng ra vào. Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên nguy cơ tái phát rất cao. Trong khi đó, bệnh glôcôm là một căn bệnh có thể gây mù vĩnh viễn.

Bệnh tiến triển âm thầm

Bệnh nhân L.T. C (61 tuổi) ở Hà Đông, Hà Nội đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong tình trạng một bên mắt trái chỉ còn nhìn được 1/3. Bác sĩ sau khi thăm khám yêu cầu ông C nhập viện để mổ ngay vì ông bị glôcôm mãn tính đã lâu, thị lực giảm chỉ còn 3/10. Ông C chia sẻ, cách đây 5-6 năm, thỉnh thoảng ông đi chơi tennis nhìn quả bóng cứ thấy nhòe làm 2 - 3. Lúc đó, ông nghĩ chắc mình mệt quá nên bị hoa mắt. Đến 2 - 3 năm trở lại đây triệu chứng về mắt rõ hơn, mắt ông có một chấm đen và thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau nửa đầu bên trái. Tuy nhiên do mắt không đau nhức nên ông không nghĩ đến việc mình bị bệnh glôcôm. “Tôi nghe nói nếu bị glôcôm thì đau dữ dội không chịu được, mắt tôi có chấm đen nhưng nhìn không ảnh hưởng nhiều, vì thế tôi chỉ đi khám đau đầu. Thế nhưng mắt tôi càng ngày càng nhìn kém nên tôi có đến khám mắt ở một phòng khám đa khoa thì được kết luận bị đục thủy tinh thể nhưng về theo dõi thêm vì chưa đến mức phải thay thủy tinh thể. Cho đến khi mắt trái nhìn thấy một khoảng đen như bị ai che mất 2/3 mắt thì tôi sợ quá vội đến khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương và bác sĩ cho nhập viện mổ ngay vì đáy mắt đã có lõm teo gai thị”.

Ông N. V. T (72 tuổi) ở Vĩnh Phúc mổ glôcôm cách đây gần chục năm. Dù bác sĩ dặn ông phải thăm khám theo định kỳ, nhưng thấy mắt sau khi mổ nhìn tốt nên ông chủ quan không đi khám. Cách đây khoảng 2 năm, thỉnh thoảng ông nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng nhưng do mắt không đau nên ông cũng mặc kệ. Cho đến khi mắt ông lúc nào cũng giàn giụa nước mắt như khóc và nhìn ngày càng kém dần thì ông được con đưa đến Viện Mắt Trung ương khám và bác sĩ cũng yêu cầu mổ ngay. “Người ta mổ chỉ 1-2 hôm là được về nhưng mắt tôi bị nặng sau mổ đến gần 1 tuần mới được xuất viện. Tôi thấy có người đến khám bác sĩ cho về vì có mổ cũng không thể cứu vãn được tình trạng nên tôi cũng sợ”.

Theo TS BS Đỗ Tấn, Trưởng khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh glôcôm có 2 dạng lâm sàng chính: glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Bệnh glôcôm góc đóng thường có biểu hiện cơ năng rầm rộ như: nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt. Glôcôm góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm gọi là glôcôm góc đóng mạn tính. Còn glôcôm góc mở thường biểu hiện rất âm thầm, mang tính mạn tính: không đau nhức. Người bệnh thường chỉ tự nhận ra khi mắt nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng (co hẹp từ ngoại biên, hoặc mất 1 vùng nhìn ở trung tâm). Bệnh nhân không thể tự chẩn đoán được bệnh glôcôm mà cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. Bác sĩ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), làm thị trường và soi đáy mắt để đánh giá dây thần kinh thị giác. Lưu ý là các tổn hại chức năng thị giác của bệnh glôcôm không hồi phục được.

TS BS Đỗ Tấn đang khám cho bệnh nhân. Nên thăm khám định kỳ

Khác với ông C và T, ông Đ. Q. V (52 tuổi) nhập viện trong tình trạng mắt đau dữ dội lan lên nửa đầu cùng bên. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Ông V đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám được bác sĩ cho uống thuốc hạ nhãn áp và hẹn 1 tuần sau khám lại. Tuy nhiên mới bước sang ngày thứ tư thì mắt lại bị đau dữ dội, ông V vào viện khám thì bác sĩ cho điều trị bằng lazer và hẹn 5 ngày sau khám lại. Thế nhưng, mới sang ngày thứ 3, ông Vinh lại bị đau như cũ vào viện khám thì bác sĩ cho nhập viện để mổ. “Bố tôi phải mổ glôcôm khi ông 75 tuổi. Tôi biết mình có nguy cơ cao hơn người khác nhưng nghĩ cũng phải trên 65 tuổi mới bị chứ không nghĩ bị sớm như vậy. Tôi cũng chủ quan không đi khám định kỳ vì trước đó, mắt tôi nhìn rất tốt, hoàn toàn không có triệu chứng gì”, ông V cho biết.

Bệnh glôcôm là bệnh lý của dây thần kinh thị giác, do vậy các hậu quả cơ bản của nó là tổn hại chức năng thị giác thể hiện qua 2 khía cạnh: tổn hại trường nhìn (vùng mà mắt bao quát được), co hẹp từ ngoại vi, ám điểm cạnh trung tâm và tổn hại thị lực trung tâm cuối cùng sẽ dẫn đến mù lòa. Trong một số trường hợp, mù lòa còn có thể kèm theo đau nhức dẫn đến phải bỏ mắt.

TS BS Đỗ Tấn lưu ý, người dân nên phát hiện sớm bệnh glôcôm bằng cách khám sàng lọc định kỳ, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như là họ hàng ruột thịt của bệnh nhân glôcôm. Không có điều trị dự phòng đối với bệnh glôcôm nhưng mù lòa do bệnh glôcôm có thể phòng tránh được bằng cách phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và tuân thủ điều trị, theo dõi. Bệnh glôcôm chỉ ổn định chứ không khỏi hẳn nên việc điều trị và theo dõi glôcôm là suốt đời./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận