Tuyệt đối không chủ quan với hậu Covid-19

Sau khi khỏi bệnh, người mắc Covid-19 có nguy cơ phải đối mặt với các triệu chứng, di chứng như: rối loạn tâm lý, trí nhớ giảm sút, ho, sốt, khó thở, xơ phổi...

 

Trong thời điểm số lượng F0 tăng cao tại Hà Nội, trên mạng xã hội, các facebooker thường đăng tải hình ảnh kit xét nghiệm nhanh khoe: “em mới một vạch” hay “cuối cùng thì cũng đã “2 vạch”... Kèm theo đó là hình ảnh nhà nhà, người người mang gừng, sả, lá chanh ra xông.

Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng có nhiều bài viết được cư dân mạng chia sẻ về tình trạng và kinh nghiệm điều trị F0 tại nhà của mình. Những phương pháp, bí quyết để nhanh “về âm” được rất nhiều người quan tâm, lưu ý.

Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có khá nhiều người quan niệm rằng: “Ai rồi cũng mắc Covid-19”. Theo các chuyên gia, quan niệm này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch khó kiểm soát. Trước số liệu F0 tăng cao mỗi ngày, nhiều người đã không còn quan tâm và cho rằng, điều đó là bình thường, trong họ luôn có suy nghĩ “rồi cũng sẽ đến lượt mình”, “Covid không chừa một ai”, có phòng tránh cũng không thể thoát…

Đáng nói, trên mạng xã hội gần đây còn xuất hiện nhiều thông tin chia sẻ của những người đã từng mắc Covid-19 cho rằng, mắc Covid-19 chỉ như bị cảm cúm, chẳng có triệu chứng hay biểu hiện gì…

Điều này đã khiến nhiều người cảm thấy việc trở thành F0 không còn nghiêm trọng như trước. Từ đó có tâm lý chủ quan, lơ là và không cần phòng, tránh dịch bệnh, có người còn mong mình sớm bị nhiễm bệnh để đạt miễn dịch cộng đồng.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân tập luyện hậu Covid. (Ảnh: KT)

Các chuyên gia y tế cho rằng, đây là biểu hiện của sự chủ quan, coi thường dịch bệnh, cần phải loại bỏ ngay, nếu không có thể dẫn đến những hệ lụy lớn đối với cá nhân cũng như sự quá tải cho hệ thống y tế. Bởi khi đã trở thành F0 thì bản thân người đó lại trở thành “nguồn lây” đối với các thành viên trong gia đình và mọi người xung quanh, nhất là đối với người già, người có bệnh nền mãn tính hay trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine.

Ngoài ra, bản thân người bệnh còn phải đối mặt với hàng loạt di chứng hậu Covid. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, quan điểm của Việt Nam là thích ứng linh hoạt có kiểm soát, sống chung với dịch nhưng không đồng nghĩa với việc để dịch tự do lây nhiễm; Vẫn cần kiểm soát nhằm giảm thiểu dịch lây lan trên diện rộng, từ đó hạn chế số ca F0, đảm bảo an toàn cho người dân. Các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng, ngay sau khi đã khỏi bệnh, bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với các triệu chứng và di chứng như: rối loạn tâm lý, trầm cảm, trí nhớ giảm sút, ho, sốt, khó thở, mệt mỏi, xơ phổi, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác hoặc khứu giác…

Thực tế, đã có rất nhiều bệnh nhân phải đố mặt với rất nhiều triệu chứng thời kỳ hậu Covid. Chị Trần Hồng Minh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cách đây khoảng 2 tuần, buổi sáng tỉnh dậy, chị bỗng thấy đau đầu, mệt mỏi và đau họng. Chị chỉ nghĩ đó là triệu chứng bình thường của bệnh cảm cúm. Thế nhưng, cơn đau họng mỗi ngày một tăng, chị đi xét nghiệm nhanh và được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2.

Trong suốt thời gian nhiễm bệnh và điều trị tại nhà, khi hết ho và đau họng, chị thấy cơ thể khá khỏe mạnh và không xuất hiện thêm triệu chứng nào khác. Sau 1 tuần xét nghiệm cho kết quả âm tính, chị bắt đầu bị ho, các cơn ho xuất hiện từ sáng đến đêm, khiến chị thường xuyên bị mất ngủ, cơ thể rất mỏi mệt, Ngay sau đó, chị đi khám tầm soát hậu Covid thì bác sĩ chẩn đoán chị đã bị xơ phổi cấp độ nặng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi và có thể để lại di chứng suốt cuộc đời…

Theo PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ đang chiếm khoảng 97%. Tuy nhiên, hàng ngày, vẫn ghi nhận nhiều bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Cụ thể, Từ 17h30 ngày 20/3 đến 17h30 ngày 21/3, cả nước ghi nhận 69 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.949 ca. Do đó, người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng "ai rồi cũng thành F0".

Ông Phu cũng cho hay, các hoạt động tại Việt Nam đã quay trở lại bình thường. Thay vì "Zero Covid", cả nước đã và đang chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức phòng dịch của người dân giữ vai trò rất quan trọng, đây là yếu tố quyết định trực tiếp hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp hạn chế dịch lây lan, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế.

“Mỗi người dân cần tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều; cảnh giác trong phòng dịch để bản thân không mắc Covid-19. Đây là cách tốt nhất để mỗi người bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội”, ông Phu nói.

Cũng theo ông Phu, số ca bệnh hiện nay vẫn ở mức cao, người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm quy định 5K. Những ai không thực hiện điều này thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Bởi F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1 và rất nhiều người không có triệu chứng. Ngoài ra, số F0 không triệu chứng vẫn đi làm và ra ngoài bình thường nên đây sẽ là nguồn phát tán virus đáng kể./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận