Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường mắc Covid-19

Dinh dưỡng trong điều trị người có bệnh nền tiểu đường mắc Covid-19 là rất quan trọng.

 

“Việc không kiểm soát được đường huyết gây ra những nguy cơ diễn biến nặng cho người mắc Covid-19” - bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM nhấn mạnh về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng, giúp kiểm soát tốt đường huyết cho người đái tháo đường nhiễm virus SARS-CoV-2.

Với người bệnh tiểu đường mắc Covid-19, chế độ ăn uống sẽ quyết định đến việc điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

Dinh dưỡng trong điều trị người có bệnh nền tiểu đường mắc Covid-19 là rất quan trọng. Việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý sẽ giúp: Hỗ trợ cải thiện sức khỏe, giảm tình trạng mệt mỏi của người bệnh; Tăng cường sức đề kháng, hạn chế các biến chứng hậu Covid-19; Giúp người đái tháo đường (ĐTĐ) ổn định chỉ số đường huyết ở mức an toàn, không làm tăng nhanh đường huyết, cũng không làm hạ đường huyết sau bữa ăn; Ăn uống hợp lý sẽ giảm được liều thuốc cần sử dụng. Chế độ ăn trị liệu hiệu quả không chỉ giúp bình ổn đường huyết theo tiêu chuẩn điều trị mà còn cải thiện các rối loạn lipid, rất thường gặp.

bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM.Việc chỉ số đường huyết cao thấp thất thường sẽ nguy hại như thế nào đến người bệnh Covid?

Nhiễm Covid-19 là một thách thức kép đối với những bệnh nhân ĐTĐ. Thứ nhất, ĐTĐ vốn dĩ đã được báo cáo là một yếu tố nguy cơ cao làm tăng nặng mức độ trầm trọng của tình trạng nhiễm virus; Thứ hai là việc kiểm soát đường huyết tối ưu trong thời gian này là khá khó khăn. Việc không kiểm soát được đường huyết gây ra những nguy cơ diễn biến nặng cho người mắc Covid theo các cơ chế sau:

Tăng đường huyết làm suy yếu hệ miễn dịch bảo vệ người bệnh ĐTĐ, nên nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì cơ thể giảm khả năng ngăn chặn virus lan tràn và tấn công các cơ quan. Các nghiên cứu cho thấy, chức năng hệ miễn dịch và chức năng bạch cầu được cải thiện rõ sau khi đường huyết được kiểm soát tốt. Có thể đường huyết cao là môi trường tốt cho virus phát triển. Tăng đường huyết kéo dài gây các biến chứng tim mạch, tăng huyết áp, suy thận… Những bệnh nhân nhiễm Covid-19 có các biến chứng này sẽ dễ bị suy hô hấp, suy tim…, nên nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.

Ngoài ra, tăng đường huyết làm tăng tính thấm mao mạch thúc đẩy quá trình suy đa tạng, tăng tình trạng nặng của bệnh.

Sau mắc Covid-19, những người có bệnh nền, đặc biệt là bị tiểu đường sức khỏe bị ảnh hưởng như thế nào, thưa bác sĩ?

Sau mắc Covid, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn… nếu mắc Covid-19 có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.

Theo báo cáo được đưa ra vào tháng 9/2021, tổng kết 18 tháng đại dịch Covid, các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng bệnh ĐTĐ là nguyên nhân chính gây bệnh Covid-19 nghiêm trọng, và ngược lại, Covid-19 đã có tác động tàn phá đối với quần thể bệnh nhân ĐTĐ. Cụ thể: 30-40% những người bị Covid-19 nhập viện, mắc bệnh nặng cần chăm sóc đặc biệt, và/hoặc tử vong có bệnh ĐTĐ.

Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp người bệnh tiểu đường cải thiện sức khỏe, hạn chế các biến chứng hậu Covid-19. (Ảnh: KT)

Trong số những người mắc bệnh ĐTĐ nhập viện, tỷ lệ tử vong trong nhóm này là 25%; Nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong ở những người ĐTĐ cao hơn 100-250% so với những người không bị ĐTĐ. Ảnh hưởng của Covid đến quần thể bệnh nhân ĐTĐ cũng tàn khốc không kém: Tỷ lệ tử vong nói chung ở bệnh nhân ĐTĐ cao hơn 50% so với trước dịch, và cao gấp đôi so với tỷ lệ tử vong trong cộng đồng. Tuy nhiên 75-80% số tử vong gia tăng không phải do Covid, điều đó chứng tỏ còn có những nguyên nhân chưa được phát hiện hoặc bị bỏ qua. Bệnh tiểu đường cũng khiến phản ứng chữa lành của cơ thể chậm hơn. Lượng đường trong máu cao kết hợp với tình trạng viêm dai dẳng khiến những người ĐTĐ khó khỏi bệnh.

Theo bác sĩ, sau khi âm tính với SARS-CoV-2, người bệnh tiểu đường cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào để hồi phục sức khỏe? Và họ cần lưu ý những gì để tránh tái nhiễm Covid-19?

Cần cân đối tỷ lệ thành phần dinh dưỡng trong các bữa ăn như sau:

Protein: Nên dung nạp với tỷ lệ 1-1,2g/kg/ngày đối với người lớn, tương đương với 15- 20% năng lượng khẩu phần. Cân đối cả đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa…) và thực vật (đậu, đỗ các loại…). Nên ăn 2-3 bữa cá một tuần, 2-3 quả trứng một tuần và uống thêm sữa chuyên biệt cho người bệnh ĐTĐ từ 1-2 cốc/ngày.

Lipit: Tỷ lệ chất béo hợp lý nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, nên ăn các acid béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật.

Gluxit: Nên ở mức từ 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần. Hạn chế thức ăn hàm lượng đường cao như bánh, kẹo, nước ngọt, nước ép hoa quả... Ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và rau củ.

Chia nhỏ bữa ăn: 3 bữa chính, 1-3 bữa phụ trong ngày; Phối hợp đa dạng các loại thực phẩm: từ 15-20 loại thực phẩm trong 1 bữa ăn; Tăng cường chất xơ và rau xanh. Uống đủ nước (40ml/kg/ngày).

Cần lưu ý chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Mọi người hãy ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng để tránh đầy bụng, khó tiêu; thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ giúp ngon miệng hơn. Để tránh tái nhiễm, những người đã nhiễm Covid-19 vẫn phải tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ; Đeo khẩu trang vừa khớp che mũi và miệng liên tục và đúng cách; Sát khuẩn, rửa tay thường xuyên; Giữ khoảng cách với người khác; Tránh đám đông và những không gian trong nhà bị thông gió kém; Sử dụng thuốc và cân đối chế độ ăn để kiểm soát đường huyết; Tập luyện thể dục thể thao.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ! 

Để điều chỉnh chế độ ăn trong việc kiểm soát đường huyết, bệnh nhân nên: Ăn đúng giờ, tránh bỏ bữa; Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để đảm bảo không làm tăng đường máu lên quá cao sau khi ăn và tránh không để đường máu hạ thấp trước bữa ăn; Cân đối, đa dạng các nhóm thực phẩm; Tránh xa thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, calo và đường; Nói không với đồ ăn vặt, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn và các loại thực phẩm có chất phụ gia; Tăng cường chất xơ hoa quả rau xanh; Uống đủ nước.

Lưu Hường thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận