Trước thông tin về tình trạng nhiều người tái nhiễm Covid-19 chỉ sau thời gian ngắn khỏi bệnh - TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải thích: Tái nhiễm virus gây bệnh Covid-19 là trường hợp người đã bị nhiễm, khỏi bệnh và sau đó bị nhiễm lại. Nguyên nhân là do sau khi mắc Covid-19 sẽ có miễn dịch đặc hiệu với virus gây nhiễm, nhưng thời gian miễn dịch thường không bền, giảm dần; miễn dịch đó không bảo vệ được khi phơi nhiễm với các biến chủng mới của virus...
“Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó nhờ vaccine hay nhiễm tự nhiên. Cơ chế này tương tự như đã thấy ở virus cúm. Với cúm, khuyến cáo tiêm mỗi khi có sự biến đổi chủng và điều này thường thực hiện hằng năm. Với Covid-19 thì còn cần có những đánh giá chuyên sâu hơn bởi bệnh còn khá mới và cơ chế đáp ứng miễn dịch vẫn còn cần nghiên cứu sâu hơn để khuyến cáo lịch tiêm sao cho tối ưu”, TS Thái cho hay.
Do vậy TS.BS Phạm Quang Thái khuyến cáo: Nhiều người nhiễm xong rồi cứ mặc kệ, coi như khỏi là xong mà quên mất phần còn lại sau đấy là cả hệ thống cơ thể của mình còn cần thời gian thải trừ hết tàn tích của virus, loại bỏ virus một cách triệt để. Nhiều khi tàn tích virus còn sót lại rất lâu, chứ không phải âm tính coi như xong. Nhiều người tái dương tính chỉ sau vài ngày quay lại làm việc. Nên nhớ rằng, âm tính không có nghĩa là đã “thoát”, mà cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của virus. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng để chống lại các đợt tấn công mới, vì sau này nguy cơ tái nhiễm vẫn còn rất lớn.
“Virus biến đổi sẽ có chủng mới, khi sống chung với nó thì khả năng tái nhiễm với chủng mới là khá dễ dàng. Sau này, khi có những vaccine mới hơn, công nghệ tốt hơn, có thể sẽ có các khuyến cáo bổ sung để tiêm tăng cường với vaccine mới”, TS Thái lưu ý.
TS Thái cũng cho biết SARS-CoV-2 còn mới, chúng ta chưa biết hết về virus này, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu thêm về tình trạng tái nhiễm, như: tần suất tái nhiễm xảy ra như thế nào, những ai có nguy cơ cao bị tái nhiễm, bao lâu sau lần nhiễm bệnh trước thì tái nhiễm, nguy cơ lây truyền cho người khác sau khi tái nhiễm... Ngoài các biến thể mới xuất hiện và khả năng miễn dịch suy giảm, có nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm: Ví dụ, ở những người tuổi cao trên 65 tuổi thì khả năng tái nhiễm cao hơn những người trẻ; Bệnh nhân Covid-19 không tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn bệnh nhân Covid-19 đã tiêm chủng và cũng có thể mắc bệnh nặng hơn; Những người bị suy giảm miễn dịch và có bệnh lý nền như bệnh thận mạn, đái tháo đường khó kiểm soát cũng dễ bị tái nhiễm hơn.
“Sau khi khỏi Covid-19, cơ thể của người bệnh sẽ có kháng thể để chống lại sự xâm nhập tiếp theo của virus. Tuy nhiên, hệ miễn dịch ở mỗi người là khác nhau. Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ nguyên tắc 5K có thể tái nhiễm khi tiếp xúc với F0. Dù với biến thể nào, virus SARS-CoV-2 vẫn không thay đổi đường lây và cơ chế lây nhiễm. Vì vậy, tuân thủ các biện pháp phòng dịch vẫn là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”, TS Thái khuyến cáo./.
Hương Giang