Ở Việt Nam, các ca phẫu thuật thẩm mỹ xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn vào thập niên 1960 - 1970 do các bác sĩ người Mỹ thực hiện. Sau đó, kiến thức và kinh nghiệm được truyền cho các bác sĩ Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, ngành này mới bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội.
Thế nhưng, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, do nhu cầu và lợi nhuận, tốc độ phát triển ngành thẩm mỹ có thể nói là “chóng mặt”: Hầu hết các bệnh viện ở những thành phố lớn đều có khoa phẫu thuật thẩm mỹ, các trường y khoa lớn đều có bộ môn phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Tuy vậy, hầu hết các bác sĩ, giáo sư, các “cây đa cây đề” của ngành đều xuất phát là các bác sĩ thuộc chuyên ngành khác: tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng quát, thậm chí có cả chuyên ngành nhi khoa, tiến sĩ đông y… Còn các bác sĩ theo chuyên ngành này ngay từ đầu thì đa số là tuổi còn khá trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều.
Đã thế, bên cạnh các khoa thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ chuyên ngành, thì các thẩm mỹ viện, thậm chí spa làm thẩm mỹ cũng mọc lên như “nấm sau mưa”. Vì vậy, trong "lãnh địa” thẩm mỹ đã xuất hiện những “khoảng tối” chứ không chỉ toàn màu hồng.
Cuối năm 2019, dư luận đã từng bàng hoàng khi nghe tin về vụ tử vong của một người đàn ông do hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn, số 83 đường Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Nạn nhân là nam (sinh năm 1976), quê ở Vĩnh Phúc, đến thẩm mỹ viện Việt Hàn thực hiện dịch vụ hút mỡ; sau đó tử vong ngay tại Thẩm mỹ viện này, trước khi cấp cứu 115 kịp đến. Nhưng không dừng ở đó, ngay sau đó, cũng tại thẩm mỹ viện này, lại có một phụ nữ bị tai biến nặng sau khi hút mỡ, phải vào điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia vì bị bỏng tím đen toàn bộ vùng da mặt trong của đùi. Dù đã để xảy ra chết người, nhưng Thẩm mỹ viện Việt Hàn vẫn ngang nhiên tiếp tục thực hiện việc hút mỡ đùi cho khách hàng, và tiếp tục gây sự cố.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều những trường hợp gặp rủi ro khi tiến hành thẩm mỹ. Ngành thẩm mỹ thực sự không thể thống kê hết những tai biến, biến chứng đã xảy ra, những giá đắt phải trả để “mua” được một kho tàng kinh nghiệm, kho tàng hiểu biết về thẩm mỹ như đang có!
Câu hỏi đặt ra là, tỷ lệ thành công trong phẫu thuật thẩm mỹ là bao nhiêu? Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu thống kê khoa học nào để trả lời một cách chính xác cho câu hỏi này. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân và của một số bác sĩ đồng nghiệp “lão làng” đã thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật làm đẹp (có cả các bác sĩ Pháp và Hàn Quốc) cho thấy, ước lượng chỉ có khoảng 30% khách hàng cảm thấy hài lòng hoặc rất hài lòng về kết quả thẩm mỹ; 50% khách hàng cảm thấy kết quả bình thường hoặc chưa đạt kỳ vọng; 20% còn lại là các ca “hỏng” đến từ nguyên nhân chủ quan (bác sĩ) hoặc từ cơ địa của khách hàng, hoặc từ những yếu tố không thể lường trước. Những trường hợp này nếu nhẹ thì có thể tái phẫu thuật sửa chữa ngay hoặc sau một thời gian ổn định, nếu nặng thì có thể không khắc phục được.
Như vậy, mặc dù ngành phẫu thuật thẩm mỹ đã có nhiều năm hình thành và phát triển, các bác sĩ ngày càng được đào tạo bài bản nhưng chỉ có 30% khách hàng cảm thấy hài lòng hoặc rất hài lòng, là một con số rất thấp so với kỳ vọng của chị em! Đấy là chưa kể ranh giới giữa may rủi cũng hết sức mong manh khi đã có nhiều ca hỏng gây hậu quả nặng nề bởi các spa, các thẩm mỹ viện chui, các bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề chui…
Chính bởi vậy, trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật để làm đẹp, chị em nên tìm đến những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ để tham khảo kỹ càng; tìm đến các khoa, bệnh viện thẩm mỹ đã được cấp phép, có uy tín. Tuyệt đối không nên phó thác số phận và nhan sắc của mình cho các cơ sở chui, không có giấy phép; các nhân viên spa không rõ có bằng cấp chuyên ngành hoặc chuyên môn thẩm mỹ hay không... Đặc biệt, chỉ nên quan niệm rằng phẫu thuật thẩm mỹ có thể làm sắc đẹp được cải thiện hơn chứ không phải là phép màu. Nó không thể biến ta trở nên đẹp long lanh, mãi mãi và không có rủi ro sau các cuộc phẫu thuật./.