Theo PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kháng thể là hàng rào để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây hại. Người bình thường với hệ miễn dịch khỏe mạnh, trong cơ thể luôn có một lượng kháng thể tự nhiên nhất định đảm nhận vai trò này. Đây là lý do vì sao người có hệ miễn dịch tốt thì ít khi nhiễm bệnh hoặc nếu nhiễm thì cũng nhẹ và nhanh khỏi hơn người có hệ miễn dịch yếu.
Có nhiều loại vaccine Covid-19, mỗi loại lại có cách sản xuất, thành phần khác nhau nên khi được tiêm chúng cũng tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể khác nhau. Mục đích của việc tiêm vaccine Covid-19 là giúp cho cơ thể có được miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Khi đã được tiêm vaccine thì khoảng 2 - 3 tuần sau đó sẽ có kháng thể. Đối với những người đã từng bị nhiễm Covid thì sau khi điều trị khỏi, kháng thể cũng được sinh ra.
Mặc dù cùng được tiêm số mũi vaccine như nhau nhưng nồng độ kháng thể có ở mỗi người lại không giống nhau vì mỗi cá thể có khả năng đáp ứng khác nhau trước vaccine phòng bệnh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi tiêm vaccine Covid, nồng độ kháng thể đạt được từ 15AU/mL sẽ được xem là đáp ứng miễn dịch với vi rút gây bệnh. Nếu nồng độ kháng thể ở dưới mức 12AU/mL thì chưa đáp ứng miễn dịch. Đối với những trường hợp đã tiêm được 1 mũi vaccine thì kháng thể với virus sẽ có định lượng trung bình khoảng 67.53AU/mL. Nồng độ này được cho là cao gấp 4 - 5 lần so với ngưỡng được xem là đáp ứng miễn dịch.
Những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì định lượng kháng thể trung bình ở họ vào 1 tuần sau tiêm đạt khoảng 278.81AU/mL. Định lượng này cao hơn ngưỡng đáp ứng miễn dịch gấp 18 lần. Vào 2 tuần kế tiếp, mức định lượng ấy sẽ tăng lên trên 21 lần. Nhưng không phải cứ tiêm đủ 2 mũi vaccine là cơ thể đã có đủ kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Lượng kháng thể được tạo ra khi vaccine đi vào cơ thể ở mỗi người không giống nhau nên không thể có con số chung cho định lượng kháng thể trong cơ thể tất cả mọi người. WHO khuyến cáo, nếu mức kháng thể trên 10 U/mL thì hệ miễn dịch vẫn còn được bảo vệ. Trong trường hợp kháng thể giảm xuống dưới mức này thì tốt nhất là nên tiêm phòng ngừa lại.
PGS Đinh Vạn Trung nhấn mạnh, kháng thể Covid chỉ nên được xem là chỉ số phản ánh một phần tình trạng miễn dịch bảo vệ của cơ thể. Nó cần được xem xét đồng thời với nhiều yếu tố khác như cân nặng, bệnh lý, chức năng gan, thận, tim mạch, phổi, huyết học... Chúng ta không thể biết được kháng thể Covid bao nhiêu thì không cần tiêm nữa, nhưng nếu tự chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình thì chúng ta sẽ giảm thiểu được tối đa có hệ lụy xấu do đại dịch này gây ra.
Tóm lại, mỗi giai đoạn kết quả xét nghiệm lại khác nhau nên việc xét nghiệm đo kháng thể hầu như không mang lại giá trị nhiều phục vụ cho tiêm vaccine. Thời gian gần đây, đánh vào tâm lý mong muốn tìm hiểu về nồng độ kháng thể mà cơ thể mình có được sau khi tiêm vaccine hoặc sau khi mắc Covid, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo làm dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2. Những quảng cáo này cho rằng, xét nghiệm định lượng kháng thể để đánh giá khả năng sinh kháng thể sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid là cần thiết đã khiến không ít người dân đi làm các xét nghiệm và tạo tâm lý hoang mang nếu kết quả xét nghiệm cho chỉ số thấp. “Theo tôi, điều đó không cần thiết, mọi người dân chỉ cần nắm chắc lịch tiêm vaccine của mình, sau đó đối chiếu với các quy định về thời gian tiêm theo từng loại vaccine phòng Covid mà Bộ Y tế đã đưa ra dựa theo khuyến cáo của WHO, và có tiêm được hay không sẽ do bác sĩ phân loại theo các triệu chứng lâm sàng ngay tại nơi tiêm vaccine”, PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung lưu ý./.
Lưu Hường