'Việt Nam về đích sớm trong bao phủ vaccine ngừa Covid-19'

Với nỗ lực vô cùng to lớn về tiếp cận nguồn vaccine, thực hiện chiến dịch tiêm chủng và sự hưởng ứng của người dân, Việt Nam đã về đích sớm trong tháng 12/2021.

 

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nhấn mạnh như thế khi chia sẻ với PV Báo TNVN về thành tựu bao phủ vaccine ngừa Covid-19 tại nước ta.

PV: Xin ông cho biết tình hình bao phủ vaccine phòng Covid-19 ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại?

TS.BS Phạm Quang Thái: Tính tới 18h ngày 27/12/2021, nước ta đã tiêm chủng hơn 146 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 (trong đó tiêm mũi 1 là hơn 77 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 66 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là gần 3 triệu liều; và trở thành 1 trong 63 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ 2 mũi tiêm chủng vaccine cho 70% dân số. Việt Nam nằm ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu này. Nhưng tính về số liều vaccine đã được tiêm thì Việt Nam lại xếp thứ 8 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức. Trong số 8 nước này mới chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Việt Nam đạt được mục tiêu bao phủ 2 mũi vaccine cho trên 70% dân số. Đầu quý 2/2021, dự báo lạc quan nhất của thế giới cho rằng sau ít nhất 1 năm, tức tháng 4/2022 Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu bao phủ vaccine cho người dân. Tuy nhiên, với những nỗ lực vô cùng to lớn về tiếp cận nguồn vaccine, thực hiện chiến dịch tiêm chủng và sự hưởng ứng của người dân, Việt Nam đã về đích sớm trong tháng 12/2021.

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.Theo kế hoạch của Chính phủ và Bộ Y tế, đến hết năm 2021 nước ta phải đạt bao phủ vaccine cho 80% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Nhưng qua làn sóng dịch thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng Delta đã cho thấy, vaccine chỉ có tác dụng bảo vệ cho những người được tiêm chứ chưa hoàn toàn bảo vệ được cộng đồng, bởi thực tế cho thấy, những người tiêm rồi cũng có thể bị nhiễm virus và lây cho người khác. Có nghĩa là, giá trị bảo vệ cộng đồng bị giảm. Vì thế, hiện nay chúng ta không chỉ phấn đấu tỷ lệ 80% mà phải đạt tỷ lệ cao nhất có thể thì mới bảo vệ cộng đồng được bền vững.

Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12/2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

PV: Để đạt độ phủ vaccine cao như hiện nay, ngành y tế đã phải nỗ lực triển khai như thế nào?

TS.BS Phạm Quang Thái: Để đạt độ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 như hiện nay là sự nỗ lực của toàn ngành y tế cũng như sự chung sức đồng lòng của chính quyền và các cơ quan liên quan, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Chúng ta hình dung, ở giai đoạn tiêm quy mô nhỏ hay tiêm đại trà, để kéo tỷ lệ bao phủ từ 40 - 60%, thậm chí từ 50 -70% thì quá dễ bởi những đối tượng không thuộc diện trì hoãn tiêm chủng họ thậm chí tự tìm đến những địa điểm tiêm từ rất sớm. Nhưng để đạt từ 80 - 90% là cực kỳ khó bởi đây là giai đoạn tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm do họ có bệnh lý nền, dị ứng, phản vệ… Đây thực sự là giai đoạn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và y tế cơ sở, có nghĩa là vừa phải động viên, vừa thuyết phục, vừa phải tạo các điểm tiêm di động ngoại trạm để người dân dễ tiếp cận hơn. Chưa kể đến vấn đề điều phối vaccine, bởi có những tỉnh tiêm xong còn dư thừa vaccine, phải điều sang tỉnh đang thiếu và chưa hoàn thành mũi tiêm… Chúng tôi cho rằng, giai đoạn tiêm vét là vô cùng gian nan và khó khăn. Vì ngoài vấn đề tìm ra đủ đối tượng, còn đảm bảo không bị hao phí vaccine.

Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch tiêm mũi 1 cho 85% dân số (có vùng lên tới 99%), lưu ý rằng số còn lại ở độ tuổi dưới 12. Tuy nhiên, vẫn còn lại nhóm người già, bệnh lý nền, nguy cơ… cần tăng cường ưu tiên tiếp cận tiêm vét đợt này. Và ở nhóm nguy cơ cao đã được bao phủ mũi 3 sẽ tiếp tục cần triển khai trong thời gian tới.

Với những nỗ lực về tiếp cận nguồn vaccine và thực hiện chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam đã về đích sớm trong bao phủ vaccine phòng Covid-19 tháng 12/2021. (Ảnh: Hà Nguyên)PV: Dù số ca mắc mới ghi nhận gần đây vẫn cao, tuy nhiên giới chuyên gia y tế đánh giá dịch bệnh đang được kiểm soát, điều này cho thấy vai trò rất lớn của vaccine? Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

TS.BS Phạm Quang Thái: Chúng ta thấy rõ việc tiêm bao phủ vacccine phòng Covid-19 đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc làm chậm tiến độ lây lan của dịch bệnh, làm giảm sự xuất hiện triệu chứng và tiến triển nặng của các ca mắc. Vaccine được coi là tuyến phòng thủ hữu hiệu trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân trong phòng dịch Covid-19.

Ở thời điểm hiện tại, dù số ca mắc cả nước vẫn nhiều nhưng rải khắp hơn 60 tỉnh thành và tỷ lệ ca nặng, biến chứng nặng lên và nguy kịch so với số lượng ca mắc ghi nhận giảm rất nhiều so với giai đoạn bùng dịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Kể cả Hà Nội, mỗi ngày ghi nhận tới gần 2.000 ca mắc mới nhưng số ca bệnh nặng cần nhập viện chỉ vài trăm ca. Tức là tỷ lệ nặng/tỷ lệ phát hiện vô cùng thấp so với trước đây. Và ngay cả những trường hợp rất nặng nhập viện thì sau đấy lại hồi phục, chỉ có rất ít trường hợp có bệnh nền rất nặng mới không qua khỏi. Đấy chính là giá trị to lớn của vaccine. Và đây cũng là cơ sở để các chuyên gia y tế nhận định dịch bệnh thời điểm này vẫn đang được kiểm soát.

Chúng ta phải hiểu, kiểm soát là không bị quá tải về mặt y tế, là đánh giá được tình hình, không để BN chuyển nặng tăng, không để tình trạng nhập viện quá muộn. Dù số F0 tăng cao nhưng chưa đến mức phải vào viện, số F0 phải tự điều trị ở nhà vì không thể vào hết BV và cũng không cần thiết phải vào viện. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan lơ là bởi khi các trường hợp mắc tăng quá nhiều, đồng nghĩa với việc tỷ lệ ca bệnh nặng sẽ tăng theo, sẽ kéo theo quá tải y tế và sẽ có tử vong.

PV: Chung sống an toàn, theo ông chúng ta phải thực hiện những biện pháp như thế nào để thích ứng linh hoạt khi mà virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi?

TS.BS Phạm Quang Thái: Chúng ta phải chấp nhận và có rất nhiều phương pháp để chung sống an toàn với dịch đặc biệt khi mà virus biến đổi liên tục. Trên thế giới, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh biến thể mới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đã có hàng ngàn biến chủng phát hiện được trên thế giới. Nếu theo chiều hướng giảm nhẹ thì không đáng lo ngại, nhưng thực tế suốt từ khi bùng phát dịch ở nước ta đến nay, cho thấy virus chưa hề giảm động lực. Thích ứng an toàn, linh hoạt thực hiện tốt các biện pháp giám sát y tế không có nghĩa là truy vết đến tận F1, F2 khi phát hiện F0 mà là thực hiện tốt các biện pháp hạn chế các lây nhiễm, để tránh bùng phát nhiều ổ dịch lớn trên cộng đồng. Tôi muốn nhấn mạnh, dự phòng bằng thuốc sẽ không bằng chủng ngừa vaccine. Và việc tuân thủ 5K vẫn là thông điệp cần khuyến cáo.

PV: Chúng ta đang khẩn trương triển khai tiêm mũi tăng cường và mũi vét để đạt miễn dịch bền vững. Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu này?

TS.BS Phạm Quang Thái: Dù lượng vaccine ngừa Covid-19 chúng ta vẫn nhập ngoại và tới thời điểm hiện tại Việt Nam cơ bản đã phủ xong vaccine. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn 1 tỷ lệ người già, người có bệnh lý nặng và trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm. Đây sẽ là những đối tượng nguy cơ khi mà bị dịch tấn công. Vì thế, đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền. Song song với đó là việc triển khai tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu.

Hoàn thành mục tiêu để chúng ta có thể yên tâm chung sống với dịch bệnh thì không phải chỉ mỗi ngành y tế mà còn tất cả các ngành khác, đặc biệt là chính quyền địa phương đều phải tham gia vào việc rà soát đối tượng chưa được tiêm để không ai bị bỏ lại phía sau.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hường thực hiện

Sáng 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Đến thời điểm này, cả nước đã tiêm gần 150 triệu liều vaccine trong tổng số hơn 166 triệu liều đã được phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% dân số. Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà WHO đề ra đến hết năm nay là 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng Covid-19.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận