Sốt xuất huyết vào mùa

Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, số ca mắc sốt xuất huyết hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.

 

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Việc phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách sẽ giảm nguy cơ biến chứng và hạn chế những bất lợi của bệnh.

Lưu ý chăm sóc và điều trị đúng cách

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và thường tăng cao vào các tháng mùa mưa. Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, số mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam. Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc SXH, trong đó có 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2020 số mắc giảm, tuy nhiên số tử vong tăng 5 trường hợp.

Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh SXH thường xảy ra qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn đầu của SXH (khoảng 3 ngày), người bệnh thường có triệu chứng sốt cao, có thể điều trị ở nhà. Và cũng là mục đích nhằm tránh nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, nhất là trong mùa dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Nhưng từ 3-7 ngày tiếp theo, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần đến cơ sở y tế theo dõi và điều trị đề phòng những biến chứng xảy ra. Ở giai đoạn phục hồi (sau ngày thứ 7), lúc này người bệnh đã tạo ra kháng thể đào thải virus.

PGS.TS Đỗ Duy Cường (giữa) thăm khám cho người bệnh sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: KT)

Người bệnh SXH cần ăn những thức ăn dễ tiêu và quan trọng nhất là bù nước. Ngoài sữa, nước canh, nước cháo, mỗi ngày BN cần bổ sung nước tối thiểu 3-3,5 lít. Đầu tiên là oresol, sau đó là nước cam, nước chanh, nước dừa… Những loại nước này có tác dụng bù nước điện giải và vitamin tăng cường sức đề kháng, giúp bảo vệ thành mạch và làm tình trạng bệnh sớm được cải thiện hơn. Lưu ý: Oresol phải pha đúng liều lượng, vì pha không đúng sẽ gây rối loạn các chức năng và rất nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Chẳng hạn, nếu pha đặc quá sẽ thừa kali, natri gây rối loạn tim mạch nặng nề, teo não, phù não, hôn mê.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân (BN) thường sốt cao, dẫn đến mất nước, vì vậy BN cần được nghỉ ngơi ở môi trường thoáng mát hoặc phòng điều hòa và theo dõi sát sao để hạ sốt và bù nước đúng cách. Khi BN sốt 38,5 độ thì người nhà cho BN uống parcetamol đúng chỉ định để hạ sốt kết hợp các biện pháp cơ học như nới lỏng quần áo, mặc quần áo thoáng mát, dùng nước ấm lau các vị trí như bẹn, nách, các nếp gấp và lau toàn bộ cơ thể, nước bốc hơi sẽ giúp cơ thể tỏa nhiệt nhanh.

“Liều lượng paracetamol nên sử dụng là 10-15mg/kg thể trọng/lần và không quá 4 lần trong 1 ngày. Vì khi mắc SXH, virus “đánh” vào gan, nếu dùng paracetamol quá liều sẽ gây tổn thương gan trầm trọng. Tuy nhiên với trường hợp sốt cao quá thì có thể dùng thêm thuốc an thần có nguồn gốc từ thực vật, nhưng tuyệt đối không được sử dụng Aspirin hoặc Ibuprofen để hạ sốt”, TS Nguyễn Đăng Mạnh lưu ý.

“Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh: Bù nước điện giải giai đoạn đầu rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn tới kết quả điều trị cũng như tiên lượng của bệnh. Nếu bù dịch tốt, BN sẽ tránh được mất nước, giảm được biến chứng của bệnh và làm hạn chế những bất lợi ở giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của SXH, còn giai đoạn nguy hiểm tiếp theo thì BN cần được khám để bác sĩ chỉ định có nên theo dõi tiếp ở nhà hay phải nhập viện. Đặc biệt, ở ngày thứ 5, 6, 7 là chuyển sang giai đoạn tái hấp thu dịch vào mạch máu. Nếu bù nước quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà.

Cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, nhiều người mắc sai lầm khi có triệu chứng của bệnh SXH nhưng không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid. Cụ thể từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH Dengue, đặc biệt có nhiều trường hợp SXH nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, BN có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính… Đây là những BN đến từ các địa bàn quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

“Nét khác biệt của dịch SXH năm nay là có nhiều BN nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu. Dịch SXH năm nay xảy ra khi Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, người dân lo ngại đi bệnh viện nên dễ xảy ra những trường hợp đáng tiếc do nguy cơ “dịch chồng dịch”, PGS Cường cho hay.

Theo PGS Cường, số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu… Một BN quê ở Thanh Hóa ra Hà Nội ở cùng nhà cô chú tại Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ngày 1/10, khi BN đang thực hiện lọc máu chu kỳ tại BV, BN có xuất hiện rét run kèm sốt cao nên được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 và chuyển vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới sau khi xét nghiệm Dengue dương tính, test Covid âm tính. Kết quả xét nghiệm máu của BN cho thấy bạch cầu, tiểu cầu đều hạ, thiếu máu, có dịch trong ổ bụng. BN được theo dõi chặt chẽ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, đến nay, tình trạng bệnh đã ổn định.

GS Cường nhấn mạnh: SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau như sốt, đau đầu, đau mỏi người, có thể gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với BN mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

“Đa số BN SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% BN sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh./.

Triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận