Sốt xuất huyết vào mùa, nguy cơ 'dịch chồng dịch'

Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng. Song, nhiều người lo phòng tránh bệnh COVID-19 mà quên phòng chống sốt xuất huyết, nguy cơ 'dịch chồng dịch'.

 

Hiện đang là thời điểm giao mùa, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng. Song, nhiều người lo phòng tránh bệnh COVID-19 mà quên phòng chống sốt xuất huyết, nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng

Trung tuần tháng 9, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) tiếp nhận 1 trường hợp trẻ sơ sinh 28 ngày tuổi, ngụ ở Cà Mau, được chuyển đến từ bệnh viện địa phương. Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi đã sốt 3 ngày, nôn ói, ọc sữa 4-5 lần/ngày, tiêu phân sệt có lẫn ít máu, xuất hiện nhiều chấm xuất huyết da vào ngày thứ 3. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa.

Cần tăng cường phòng dịch sốt xuất huyết để bảo vệ trẻ, tránh trường hợp diễn tiến nặng (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ được truyền dịch, truyền máu, truyền tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan…. Sau hơn 1 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, bú được, tỉnh táo. Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh biểu hiện tổn thương gan nặng hiếm gặp được cứu sống.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chỉ riêng trong tháng 9, bệnh viện đã tiếp nhận 12 ca sốc sốt xuất huyết rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên, chủ yếu là ở các địa phương lân cận.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 5-6 bệnh nhân sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca sốt xuất huyết nhập viện giảm vì nhiều lý do, trong đó có việc giãn cách xã hội nên thời gian qua người dân ít di biến động hơn. Tuy nhiên, số ca nhập viện trong tình trạng bệnh nặng thì nhiều hơn.

Bác sĩ Tiến cho rằng, hiện nay các tỉnh phía Nam đang nới lỏng giãn cách, người dân giao thương, đi lại nhiều, dễ tạo điều kiện cho muỗi lan truyền (qua xe chở hàng, di chuyển của phương tiện giao thông…), khiến nhiều người có nguy cơ mắc bệnh, vừa COVID-19 vừa sốt xuất huyết, rất nguy hiểm. Vì vậy, song song với chống dịch COVID-19, người dân cần phải chú ý phòng các dịch bệnh theo mùa, nhất là hiện nay đang vào mùa dịch sốt xuất huyết. Hiện đã có nhiều trường hợp trẻ em vừa mắc COVID-19, vừa bị sốt xuất huyết.

“Khi điều trị 2 bệnh như vậy thì dịch truyền mình phải điều chỉnh phù hợp, tại vì COVID-19 gây tổn thương phổi, sốt xuất huyết thì gây sốc. Khi truyền dịch cũng dễ bị phổi, dễ suy hô hấp. Đặc biệt là nhóm trẻ bị dư cân, mình phải điều chỉnh lại cân nặng để truyền dịch thích hợp với cân nặng lý tưởng của trẻ”, bác sĩ Tiến nói.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cách đây 2 tuần, một bệnh nhi ngụ TP.HCM nhập viện trong tình trạng bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, dẫn đến suy đa cơ quan và tử vong sau 2 ngày điều trị, mặc dù các y bác sĩ đã dồn mọi nguồn lực để cứu chữa. Cũng tương tự như Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận điều trị cho 3 bệnh nhân vừa bị cả sốt xuất huyết và COVID-19.

Cảnh giác cao với sốt xuất huyết

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bình thường điều trị sốt xuất huyết mất khoảng 1 tuần, nếu bệnh nhi mắc thêm COVID-19 thì phải kéo dài 10 ngày đến 2 tuần. Những trẻ bị sốt xuất huyết kèm COVID-19 sẽ được chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực để điều trị cùng lúc cả 2 bệnh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì trẻ sẽ khỏi nhanh hơn, nhất là đối với trẻ nhũ nhi và dư cân.

Trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết ở Cà Mau tổn thương gan hiếm gặp, diễn tiến nặng đã được cứu sống (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)“Sốt xuất huyết có thể xảy ra ở trẻ bình thường mà cũng có thể là ở trẻ mắc COVID-19 luôn. Cho nên không có sợ gì hết, nguyên tắc bị sốt 2-3 ngày là phải vào viện ngay, để tìm COVID-19 và tìm sốt xuất huyết. Nếu điều trị sớm sẽ hiệu quả. Quan trọng là phải ý thức đưa vào bệnh viện sớm”, bác sĩ Quang cho hay.

Khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đang điều trị cho 15 bé bị sốt xuất huyết, trong đó những trường hợp cảnh báo phải truyền dịch hoặc chuyển nặng, từ 1-2 ca/ngày.

Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển, lây truyền bệnh sốt xuất huyết, nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng dịch thì có nguy cơ “dịch chồng dịch”, đặc biệt đối với trẻ em hiện chưa được tiêm vaccine COVID-19.

Bác sĩ Tuấn cũng cho biết, các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt, đau mỏi cơ... rất dễ nhầm lẫn với COVID-19, khiến người dân có thể cố gắng chờ đợi tìm virus SARS-CoV-2, dẫn đến trẻ bị sốt kéo dài. Để chẩn đoán phân biệt chắc chắn sớm giữa nhiễm COVID-19 và sốt xuất huyết thì phải dựa vào xét nghiệm.

Tuy nhiên, khi mắc COVID-19, người bệnh thường ho, hắt hơi, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất khứu giác, mất vị giác, tức ngực hoặc tiêu chảy, khi diễn tiến nặng sẽ dẫn đến khó thở, suy hô hấp, suy đa cơ quan. Ngược lại, khi mắc sốt xuất huyết, da và kết mạc người bệnh thường sung huyết, có biểu hiện xuất huyết da; nếu diễn tiến nặng sẽ dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

“Cần lưu ý là đối với sốt xuất huyết, triệu chứng sốt diễn ra rất đột ngột, không phải sốt nhẹ từ từ, có thể là những chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen. Trẻ gái tuổi dậy thì hoặc phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt có thể gây xuất huyết âm đạo bất thường”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo. 

Bệnh sốt xuất huyết chủ yếu lây truyền qua muỗi vằn. Để không mắc sốt xuất huyết, người dân cần chú ý giữ vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng và áp dụng các biện pháp ngừa muỗi đốt./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận