Vai trò của trị liệu tâm lý cho bệnh nhân Covid-19

Với người bệnh Covid-19, cùng với điều trị bằng thuốc thì việc phục hồi chức năng và tâm lý luôn được cán bộ y tế chú trọng.

 

Với người bệnh Covid-19, cùng với điều trị bằng thuốc thì việc phục hồi chức năng và tâm lý luôn được cán bộ y tế chú trọng.

Liều “vaccine tinh thần” cho BN Covid-19

Tại trạm y tế lưu động phường Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương, một bệnh nhân F0 tên H kể lại quãng thời gian khi biết mình dương tính với SARS-CoV-2. Ông H luôn trong tâm trạng buồn chán, lo lắng, cứ nằm li bì, chẳng thiết tha điều trị. Ông chia sẻ: “Tôi không còn trẻ nên khi nhiễm Covid-19 rất lo sợ. Tôi cứ lo bệnh của mình chuyển nặng nhanh không biết phải xoay sở thế nào. Lại còn người thân, con cái xung quanh nữa. Tuy nhiên khi được tư vấn kỹ về dịch bệnh cũng như lợi ích điều trị theo phác đồ của ngành y tế thì tôi cảm thấy rất tự tin, không còn cảm giác lo lắng nữa. Từ mất ngủ, mệt mỏi, hoảng sợ, tôi đã bình thường trở lại”.

Là tình nguyện viên chăm sóc F0 tại trạm y tế lưu động phường Thuận Giao, Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Ngay từ khi mô hình trạm y tế lưu động được triển khai anh đã xung phong vào “điểm nóng” của huyện Thuận An làm tình nguyện viên.

Việc trị liệu tâm lý cho các F0, giúp tinh thần họ thoái mái và dần trở về trạng thái bình thường, yên tâm điều trị bệnh.Theo Nguyễn Hoàng Hiệp, để giúp cho F0 có tâm lý tốt trong quá trình điều trị bệnh, thì quan trọng là việc cởi bỏ tâm lý nặng nề, tiếp sức mạnh tinh thần cho người nhiễm Covid-19. “Khi cùng các nhân viên, bác sĩ trong trạm vượt nắng, mưa, đêm tối đến thăm khám, phát túi thuốc cho F0, chúng tôi mới biết hầu hết các F0 đều sợ bệnh của mình chuyển nặng. Họ luôn có tâm trạng lo lắng cuộc sống sau này của mình sẽ ra sao. Đặc biệt có người thiếu thông tin, thu nhận thông tin sai lệch hoặc tự ti. Vậy nên cùng với điều trị bằng thuốc, giải tỏa khủng hoảng tâm lý cho người bệnh lẫn người thân của họ là cần thiết, giúp họ nâng cao, giữ vững cảm giác an toàn”, Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ.

Ngoài việc điều trị, thì tư vấn tâm lý, sẻ chia, khơi dậy tinh thần lạc quan của người bệnh chính là những liều “vaccine tinh thần”. “Vaccine tinh thần” còn rất hữu ích với cả những người sinh sống ở các vùng dịch, đang có số ca nhiễm Covid-19 cao. Tại TP.HCM hiện đang có chương trình “vaccine tinh thần”. Việc giải tỏa tâm lý cho người dân trước đại dịch hoặc tư vấn cho F0 có nhiều cách, nhiều bước. Có thể thông qua các ứng dụng trực tuyến, gọi điện… Sau đó còn tư vấn trực tiếp, đối diện đối tượng được tư vấn với người tư vấn.     

Những ngày lăn lộn đưa “vaccine tinh thần” đến các F0 ở Thuận An luôn thôi thúc Nguyễn Hoàng Hiệp làm việc với công suất cao hơn nữa. Anh bảo: Có trường hợp rơi vào khủng hoảng rất nhanh. Có người tâm lý hay xáo trộn, ngay khi biết mình thành F0 là suốt ngày lơ mơ, sợ sệt, ăn uống không đầy đủ, rối loạn lo âu, sức khỏe giảm sút mạnh nên việc đáp ứng điều trị cũng bị ảnh hưởng.

Một trong những ca F0 đáng nhớ đối với Hiệp đó là hai người trong một gia đình cùng vào khu thu dung, nhưng sau đó một người vĩnh viễn ra đi. Người còn lại trở về không giữ được tâm lý vững vàng, nguy cơ rơi vào trầm cảm hoặc các rối loạn khác. “Trường hợp đó tôi đã tiếp cận, khơi gợi tất cả tâm tư, ý nghĩ sâu kín nhất trong lòng họ. Từ đó hóa giải dần bằng các phương pháp khoa học tâm lý của mình. Còn với nỗi đau chìm khuất trong lòng họ, mình cũng đi sâu vào tìm hiểu, đồng cảm và giúp họ vơi dần đi, không quá áp lực và nặng nề nữa”, Hiệp chia sẻ.

Theo TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai (Hà Nội): Đối với người bệnh Covid-19 phải chịu tác động chính của virus trên hệ thống mạch máu và phổi, hệ thống tim mạch, thận, đồng thời có thể tác động trực tiếp trên não. Chính sự thay đổi về não bộ như vậy, BN Covid-19 có thể sẽ gặp các rối loạn về mặc cảm, rối loạn về tâm thần. Chẳng hạn, có những BN chưa bao giờ sống trong một tập thể, hay sống xa nhà, khi họ phải vào Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh thì họ gặp rối loạn thần kinh trầm trọng như lo lắng, loạn thần, đại tiểu tiện mất tự chủ… Nhưng được các tình nguyện viên đến động viên, trao đổi, sau đó kết nối điện thoại qua Zalo, Viber… để họ nói chuyện với người thân trong gia đình, sau đấy tinh thần họ được thoải mái và dần trở về trạng thái bình thường, yên tâm điều trị bệnh.

Không xem nhẹ điều trị hậu Covid-19

Sau những ngày vật lộn với Covid-19, rất nhiều BN vẫn còn trong tình trạng chưa ổn định về tinh thần cũng như các bệnh nền nguy cơ bùng phát trở lại. Bởi vậy, điều trị hậu Covid-19 không thể xem nhẹ. Các bác sĩ chia sẻ, nhiều BN có tinh thần bất ổn được điều trị hậu Covid-19 chia sẻ rằng: Vượt qua được thời điểm nguy kịch là niềm hạnh phúc của tất cả người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, những ngày triền miên bên máy thở, máy theo dõi sinh tồn đã để lại nỗi ám ảnh không nguôi. Bên cạnh đó, với những người tuổi cao, nhiều bệnh nền Covid-19 đã để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nên lựa chọn điều trị hậu Covid-19 sẽ nhanh chóng đưa người bệnh trở về trạng thái hoàn toàn bình thường như lúc chưa bị nhiễm Covid-19.

Chăm sóc bệnh nhân hậu Covid-19 ở Bệnh viện Thống Nhất.Để kịp thời ngăn chặn các di chứng hậu Covid-19, Bệnh viện Thống Nhất đã thành lập Khoa hồi sức và phục hồi chức năng cho BN sau điều trị Covid-19. Quy mô bước đầu 20 giường, nhưng đến nay số BN luôn tăng gấp 2 lần số giường. PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, việc phục hồi tinh thần, tâm lý người bệnh sau khi khỏi Covid-19 được chúng tôi quan tâm. Vì trải qua những ngày bệnh tật BN bị ám ảnh rất mạnh. Trong giai đoạn hiện nay cần xây dựng phác đồ điều trị hậu Covid-19 hiệu quả, không chỉ cho BN mà còn cho cả những người từng tham gia điều trị Covid-19 hoặc ở tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch. Họ cần được chăm sóc toàn diện sau những ngày làm nhiệm vụ căng thẳng.

Điều trị hậu Covid-19 chính là mô hình tiếp nối các giai đoạn đầu để BN phục hồi một cách toàn diện. Đến nay, Bệnh viện Thống Nhất có khá đầy đủ máy móc lẫn trang thiết bị, thuốc men phục vụ cho điều trị hậu Covid-19. Hiện nay, cùng với các nhân viên y tế BV Thống Nhất, bác sĩ quân y, trạm y tế lưu động có thêm tình nguyện viên là chuyên gia tâm lý sẽ giúp các F0 cởi bỏ được các nút thắt âu lo, khơi dậy trong họ nghị lực và tinh thần chiến thắng dịch bệnh./.

Bệnh nhân muốn vào điều trị hậu Covid-19 cần được xét nghiệm lại. Nếu có kết quả âm tính hẳn sẽ sàng lọc kỹ và mời các bác sĩ chuyên khoa như: tim mạch, hô hấp, thận, xương khớp… đến thăm khám và lên phương án điều trị. Sau điều trị Covid-19, đa số bệnh nhân đều suy nhược cơ thể, việc điều trị kết hợp giữa Đông y và Tây y đang thể hiện rõ hiệu quả ở Bệnh viện Thống Nhất.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận