Với mong ước trao âm thanh cho trẻ em điếc, PGS.TS.BS Cao Minh Thành đã trở thành một trong những chuyên gia đầu tiên của miền Bắc thực hiện thành công phương pháp cấy ốc tai điện tử, giúp nhiều trẻ tàn tật trở về cuộc sống như người bình thường.
Ao ước tiếp cận nền khoa học tiên tiến
Ngay từ khi theo ngành Tai mũi mọng ở Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Cao Minh Thành đã ao ước tiếp cận với nền khoa học tiên tiến để có thể phẫu thuật, giúp những trẻ bị điếc bẩm sinh có cơ hội được nghe âm thanh của cuộc sống. Bởi theo các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ nghe kém và điếc trước ngôn ngữ từ 0,3-0,5% trong tổng số trẻ được sinh ra hằng năm. Tỷ suất sinh ở Việt Nam từ 1-1,2 triệu trẻ/năm, như vậy mỗi năm có từ 3.300-6.000 trẻ nghe kém và điếc bẩm sinh được sinh ra, 75% trong số này cần phải phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. “Trẻ nghe kém nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không giao tiếp, không nghe và hiểu được những âm thanh xung quanh, đặc biệt trẻ sẽ chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ, do vậy sẽ rất khó khăn hoặc không thể hòa nhập trong cuộc sống. Nếu trẻ không được chẩn đoán và can thiệp sớm trẻ sẽ không thể nghe, không thể nói suốt đời - điếc sẽ tách biệt con người với con người”, PGS.TS.BS Cao Minh Thành chia sẻ.
“Điều khiến tôi trăn trở là làm cách nào để đem lại cho trẻ nghe kém, điếc nặng hoặc điếc bẩm sinh có cơ hội thay đổi cuộc đời, từ đứa trẻ tàn tật thành đứa trẻ không tàn tật, có cơ hội giao tiếp, học tập như những đứa trẻ bình thường. Sự thay đổi số phận một con người đó là điều nhân văn mà tôi hướng đến”, ông tâm sự.
Khi hỏi về cơ duyên gắn chặt cuộc đời ông với những đứa trẻ câm điếc câm, bác sĩ Thành nhớ lại cái ngày Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới thành lập, ông được điều động về đây để xây dựng khoa Tai mũi họng. May mắn, vào năm 2009, ông được tham dự Hội nghị quốc tế về cấy ốc tai điện tử. “Tôi nghe các chuyên gia nói về lĩnh vực này mà cứ ngỡ đang lạc vào vũ trụ nào đấy, bởi kỹ thuật này nó quá xa vời so với trình độ và kiến thức của tôi lúc bấy giờ. Và tôi tự hỏi đến bao giờ mình có thể bắt kịp tiến bộ cũng như công nghệ của khu vực và thế giới, đến bao giờ mình mới phẫu thuật cấy ốc tai điện tử được như họ. Rất may, vào tháng 1/2010, Giáo sư Rudolf Leuwer người Đức về Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hướng dẫn, kèm cặp tôi thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. Sau một thời gian thực hiện phẫu thuật thành thạo, tôi được cấp chứng nhận làm độc lập”, ông vui mừng kể lại.
Giúp trẻ thoát cảnh tàn tật
Bé Bình An ở Hà Nội là một trong 10 trường hợp đầu tiên được áp dụng cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chị Hằng (mẹ bé Bình An) cho biết: Vào năm 2010, khi Bình An 2 tuổi, chị thấy con gái có biểu hiện nghe kém, chậm chạp và có khi cáu gắt mỗi khi không vừa lòng điều gì. Chị đưa con đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám thì được kết luận con bị điếc sâu, phải cấy ốc tai điện tử. “Mới đầu nghe con bị điếc gia đình tôi buồn, lo lắng rất nhiều. Tìm hiểu qua bạn bè thì biết nhiều trẻ đã cấy ốc tai điện tử ở TP.HCM rất tốt, đặc biệt khi nghe bác sĩ giải thích về việc can thiệp đúng thời điểm “vàng”, nên dù với chi phí 400-500 triệu đồng/tai gia đình tôi cũng rất quyết tâm. Một điều vô cùng may mắn nữa, sau khi con gái tôi mổ một bên tai thành công, một thời gian sau, con được BV mổ miễn phí tai còn lại. Tôi biết, đây là cơ hội hiếm hoi đã đến với gia đình, mình càng phải cố gắng đồng hành, giúp con trị liệu ngôn ngữ, vừa giúp con có cuộc sống mới vừa đền đáp công ơn của các bác sĩ và nhà tài trợ. Hạnh phúc nhất là đến nay, Bình An đã lên lớp 7 và hòa nhập rất tốt với các bạn trang lứa”, chị Hằng bộc bạch.
Theo bác sĩ Thành, cấy ốc tai điện tử thuộc loại phẫu thuật khó thực hiện, đòi hỏi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm thì hiệu quả nghe mới tốt, trẻ mới có cơ hội phát triển ngôn ngữ như người bình thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy thời điểm cấy tốt nhất là trẻ từ 12-36 tháng. Từ 8-10 tuổi hiệu quả cấy sẽ giảm, và sau đó không còn tác dụng nữa. Riêng trường hợp "điếc sau ngôn ngữ", tức là những người nghe nói bình thường nhưng vì một lý do nào đó (điếc đột ngột, do xạ trị, điếc ở người cao tuổi…) không thể nghe được, thì có thể cấy ở bất cứ độ tuổi nào.
“Bệnh nhân sau khi cấy ốc tai điện tử sẽ phải trải qua thời gian học phục hồi chức năng nghe nói. Cha mẹ phải đồng hành mới giúp trẻ có thể tái hòa nhập cộng đồng, học tập và phát triển như những trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là giá thành thiết bị quá cao (khoảng 590 triệu đồng/bộ/tai) trong khi chưa được bảo hiểm chi trả. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh mà hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải chấp nhận để con bị điếc, tàn tật suốt đời do không đủ tiền chữa trị và phẫu thuật cấy điện cực ốc tai điện tử”, ông trăn trở.
“Tôi còn mắc nợ nhiều”
Khi biết nhiều trẻ điếc có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Phó giáo sư Cao Minh Thành đã tìm cách gặp gỡ những người làm chính sách, lên văn phòng Chủ tịch nước, rồi đến Bộ Y tế, Bảo hiểm Việt Nam và gặp những người ở Quốc hội, chỉ đề nghị một điều: “Tôi không xin hết mà chỉ xin Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho trẻ bị điếc một phần nào. Tại sao việc đặt stent chi phí từ 100-200 triệu đồng lại được BHYT hỗ trợ mà những đứa trẻ tàn tật như thế lại không được hỗ trợ BHYT một phần. Nếu những đứa trẻ này được hỗ trợ BHYT một phần thì mỗi năm tôi có thể phẫu thuật cho hàng nghìn trẻ. Như vậy, sẽ giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Chính vì ý nghĩa nhân văn này, từ năm 2014 đến nay, PGS.TS.BS Cao Minh Thành đều đặn xin các hãng tài trợ để cấy miễn phí ốc tai cho các cháu. Mỗi lần nhận được những bộ ốc tai điện tử, ông lại cùng “bộ phận xác minh” hăm hở lên đường với mục đích mà ông cho là quan trọng nhất là thẩm định đúngngười, đúng hoàn cảnh và đúng đối tượng cần sự giúp đỡ, cho dù những chuyến đi gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS.BS Cao Minh Thành, Giám đốc Trung tâm Tai mũi họng và phẫu thuật cấy ốc tai của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giảng viên bộ môn Tai mũi họng tại Đại học Y Hà Nội. Đến nay ông đã thực hiện gần 300 ca phẫu thuật ốc tai điện tử thành công, với tỷ lệ 100% không gây ra biến chứng. Ông được giải nhất - giải thưởng KOVA về ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong thực tiễn cuộc sống năm 2012. |
Có lẽ hoàn cảnh khiến PGS.TS.BS Thành xót xa nhất là năm 2016, khi đến nhà chị Thủy ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa xác minh cháu Nguyễn Vũ Xuân Trường (16 tháng tuổi) - 1 trong những bệnh nhi thuộc danh sách cấy miễn phí. Chị Thủy có 3 đứa con bị điếc bẩm sinh. Chồng chị lúc đó mới mất vì ung thư khi con trai út được vài tháng tuổi. Trong căn nhà tình nghĩa của chị chỉ có 1 cái bàn, 2 cái ghế thấp, 1 cái giường. Hai đứa con gái lớn (khi ấy 11 và 8 tuổi) không còn ở độ tuổi được phẫu thuật nữa. Ông chia sẻ: “Sinh đứa thứ 3 khôi ngô nhanh nhẹn, chị Thủy cứ ngỡ con sẽ không bị điếc. Nhưng khi con càng lớn, càng chậm phát triển ngôn ngữ. Chị đưa con đi khám khắp nơi thì đều kết luận con bị điếc bẩm sinh. Sau phẫu thuật, chị Thủy bất chấp nắng mưa, bồng bế con ra Hà Nội học trị liệu ngôn ngữ đều đặn. Khi con cất tiếng gọi “mẹ ơi”, chị đã gọi điện cho tôi nói rằng: Nhờ bác mà cháu nghe nói được, ơn bác cháu ghi nhớ cả đời. Em sẽ dạy tiếng đầu tiên cho con là “bác sĩ Thành”.
Khoa Tai mũi họng, BV Đại học Y Hà Nội tiến hành khám và tư vấn cho các đối tượng có bất thường về thính lực, đặc biệt là những trẻ điếc bẩm sinh, để lựa chọn những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiến hành mổ miễn phí. Bệnh nhân có thể liên hệ trực tiếp qua điện thoại: 04.62934614. |
Khi hỏi về cảm xúc sau mỗi ca phẫu thuật miễn phí thành công, PGS.TS.BS Cao Minh Thành chỉ cười hóm hỉnh: “Với tôi cảm xúc không có gì đặc biệt bởi tôi đã mổ nhiều và thuộc diện chai mặt vì đi xin tài trợ nhiều lắm rồi”. Nhưng mỗi khi nhắc đến các đối tượng cần giúp đỡ, ánh mắt PGS Thành luôn ánh lên niềm vui: “Thời gian đầu tôi xin được 4 bộ ốc tai thì chỉ giúp được cho 4 cháu. Khi thấy danh sách bệnh nhi cần phẫu thuật miễn phí ngày một nhiều, 2 năm gần đây tôiđề nghị Ban giám đốc BV để các cháu chung nhau. Tức là, mỗi cháu được hưởng một nửa, đồng nghĩa với việc mỗi gia đình phải đóng 50% tiền thiết bị. Lãnh đạo BV nhất trí luôn và còn miễn phí từ phẫu thuật, thuốc men, tiền nằm viện, ăn uống và cho thêm 6 tháng tiền học phục hồi chức năng. Dù năm nay dịch bệnh Covid-19, các nhà tài trợ vẫn đồng hành giúp BV 10 bộ ốc tai điện tử. Thậm chí, tôi còn kêu gọi các công ty, phòng công tác xã hội của BV xin tài trợ cho những đối tượng không đủ kinh phí. Tuy nhiên, hiện mới 13/20 cháu được phẫu thuật, còn 7 cháu đang mong hết giãn cách để được đến BV phẫu thuật”.
Làm chủ kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, mở ra cơ hội giúp nhiều trẻ thoát khỏi cảnh sống câm lặng cả đời để được nghe bằng tai, nói bằng miệng của mình và học hànhnhư bao đứa trẻ khá, đó là điều khiến ông tâm đắc nhất suốt hơn 30 năm gắn bó với chuyên ngành Tai mũi họng khi được trao âm thanh, tặng cuộc sống cho những đứa trẻ bị điếc./.
Lưu Hường