'Thầy thuốc đồng hành': Chuyện kể từ những tình nguyện viên xa xứ

"Tất cả đều là tình nguyện, tất cả đều vì đồng bào đang hoạn nạn mà hợp lực với nhau để xây dựng mạng lưới".

 

Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành” được thành lập bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19, trong tình hình hết sức khẩn cấp cuối tháng 7 đầu tháng 8 khi TP.HCM và một số tỉnh miền Nam diễn biến căng thẳng vì dịch bệnh Covid-19. 

Nguyễn Tuấn Anh hiện là Phó giáo sư, nghiên cứu viên trưởng của Viện nghiên cứu Lão khoa Quốc gia Australia, và Phó giáo sư tại hai trường đại học khác. Anh trước đây học ngành dược, nên được mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tuyển làm tình nguyện viên, chăm sóc những bệnh nhân nhẹ qua tele Health.

Tình nguyện tham gia cùng mạng lưới Thầy thuốc đồng hành của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, PGS TS Nguyễn Tuấn Anh dành các buổi tối hằng ngày sau giờ làm việc để gọi về tư vấn cho bệnh nhân.

Tình nguyện tham gia cùng mạng lưới Thầy thuốc đồng hành của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, PGS TS Nguyễn Tuấn Anh dành các buổi tối hàng ngày sau giờ làm việc để gọi về tư vấn cho bệnh nhân.

Câu chuyện anh đau đáu nhất là về người bệnh đặc biệt ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, người lúc đầu chỉ nhất mực nói mình khỏe, không sao, không vấn đề gì: “Trong những ngày đầu vừa gọi điện, giọng mình giọng Bắc anh người Nam, có một cái gì đó có vẻ như anh không thực sự cởi mở,  cũng có thể anh mặc cảm tự ti về chuyện anh bị bệnh", Tuấn Anh kể. 

Linh cảm mách bảo, những ngày tiếp theo PGS Tuấn Anh không chỉ giám sát triệu chứng theo biểu mẫu mà bắt đầu hỏi thêm bệnh nhân về sức khỏe tâm thần, môi trường sống, sức khỏe các thành viên trong gia đình.

Người bệnh nhân ấy sau những ân cần thăm hỏi của thầy thuốc, trút bỏ sự xa cách ban đầu, rụt rè tâm sự về gia cảnh khó khăn khi cả gia đình từ quê lên xóm trọ nghèo lao động, cái xóm trọ tan hoang vì người người mắc Covid-19.

Điều khiến anh ấy đang hoảng loạn, là bặt tin tức người vợ thập tử nhất sinh vì Covid-19, sau cái ngày kinh hoàng chở chị bằng xe máy đi khắp nơi không bệnh viện nào còn chỗ, điểm cuối cùng chị được tiếp nhận là bệnh viện 115. Hai cha con anh cũng bị cách ly điều trị mỗi người một nơi, trong thành phố đang phong tỏa hoàn toàn vì Covid-19, và mới trở về nhà. Sau khi liên lạc khắp nơi tìm vợ, anh nghe có thông tin vợ anh bệnh nặng quá nên đã bị chuyển đi bệnh viện Ung Bướu 2, nhưng không biết vợ mình sống chết ra sao.

Những cuộc gọi từ mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, lẽ ra là để theo dõi chăm sóc cho anh – một bệnh nhân đang trên đà hồi phục, không ngờ thành cái phao cứu sinh cho hai cha con đang khủng khoảng tâm lý nặng nề.

Từ Australia, PGS Tuấn Anh liên lạc với các đồng nghiệp trong mạng lưới, cuối cùng cũng biết tin người vợ đang hôn mê sâu, phải nằm thở máy trong phòng điều trị tích cực của bệnh viện Ung Bướu 2. Và vì hệ thống chưa kịp cập nhật tên con gái bệnh nhân, PGS Tuấn Anh đã dành những cuộc gọi hàng ngày để kiểm tra sức khỏe của cả hai cha con.

“Mình thấy được là anh không có nơi nào để bấu víu. Và cứ mỗi lần mình gọi điện, số tổng đài 18001119 vừa hiện lên, minh chưa kịp xưng tên gì cả, anh đã nói A lô bác à, sức khỏe của em hôm nay ổn định không có triệu chứng gì bác ạ. Bác có tin tức gì mới về vợ em hay không? Những câu hỏi đó cứa vào tim mình. Mình cảm thấy xót xa quá nên không nỡ dừng theo dõi mặc dù anh đủ điều kiện vì sau khi về nhà quá 10 ngày vẫn giữ nguyên nguy cơ. Mình trở thành một người đưa tin cho anh hằng ngày. Và mình cứ liên hệ với đồng nghiệp để hỏi thăm tin tức vợ của anh, lúc trao đổi với anh phần lớn chỉ là để cho anh biết thông tin về vợ anh: hôm nay chị vẫn như thế, vẫn thở máy không có tiến triển gì.” - PGS Nguyễn Tuấn Anh tâm sự. 

Thầy thuốc đồng hành triển khai từ 1/8, qua nhiều đợt, mỗi đợt luôn có hàng ngàn bác sĩ, dược sĩ, nhân viên ngành y tế cả trong và ngoài nước tham gia làm bác sĩ tư vấn, tình nguyện viên trong mạng lưới, nhằm sàng lọc, chăm sóc cho các bệnh nhân F0, giảm tải cho hệ thống y tế tuyến đầu. 

Hai vợ chồng PGS Nguyễn Tuấn Anh hiện đang ở Melbourne, xin tham gia và được tuyển chọn vào Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ngay từ những ngày đầu tiên khi chương trình được thành lập. Vợ anh, bác sĩ Đặng Thu Hà, đang làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ Y học Kỹ thuật số, Trường Đại học Công nghệ Swinburne và Viện Ung thư Peter McCallum, được mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tuyển làm bác sĩ sàng lọc, phân loại mức độ của các bệnh nhân F0, nhằm kịp thời phối hợp với y tế địa phương và các bác sĩ thực địa cấp cứu những trường hợp nặng, đồng thời giảm tải cho hệ thống y tế của thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải vì tràn ngập những cuộc gọi cấp cứu.

Bác sĩ Đặng Thu Hà tham gia sàng lọc bệnh nhân F0. Một ca làm việc của chị thường từ gọi từ 50-70 bệnh nhân.

Ngoài công việc hàng ngày của những người làm giảng dạy và nghiên cứu, anh chị dành thời gian các buổi tối để cùng các đồng nghiệp trong mạng lưới hỗ trợ người bệnh. Vì số lượng bệnh nhân nhiều gấp hàng trăm lần số bác sĩ, tình nguyện viên, nên khối lượng công việc của họ cũng như các đồng nghiệp tình nguyện trong mạng lưới rất nhiều khi luôn phải chạy đua với thời gian.

“Hết ngày hai vợ chồng mình thường trao đổi với nhau, rằng ngày hôm nay thật nhiều cảm xúc. Những cảm xúc có thể lên, có thể xuống. Có những cuộc gọi bệnh nhân rất phấn khởi nói vừa xét nghiệm F0 nhưng không triệu chứng gì, hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng cũng có ngày cuộc gọi vừa giới thiệu xong là người nghe nói: chị gọi cho mẹ em nhưng mẹ em vừa mất rồi. Thực sự lúc đấy mình cảm thấy lòng mình chùng hẳn lại. Mình cũng rơm rớm nước mắt. Dù chỉ qua điện thoại, không biết người đấy là ai, người ta cũng không biết mình là ai, nhưng nghe tin như thế mình cảm thấy lòng chùng lại, khi nghĩ rằng đã lại thêm một người mất đi vì Covid-19", bác sĩ Đặng Thu Hà kể lại.

Một bệnh nhân sẽ được cho dừng theo dõi nếu ở nguy cơ 0 hoặc nguy cơ 1 quá 10 ngày mà không chuyển nặng lên nguy cơ 2; hoặc sau 10 ngày kể từ khi ra viện/khu cách ly, và một ngày một tình nguyên viên chăm sóc tối thiểu 15 bệnh nhân, nhưng có những khi được phân lên đến 40-50 bệnh nhân.

Nhưng PGS Tuấn Anh đã không thể dừng lại, khi bệnh nhân đặc biệt của anh biết tin vợ anh ấy đã mất. Từ vị trí một người thầy thuốc đồng hành, anh trở thành người thân, phải tìm hiểu, chỉ dẫn tất cả mọi thủ tục anh có thể biết cho người đàn ông ấy lo hậu sự cho vợ, phải an ủi để anh ấy không gục ngã, chờ ngày rời thành phố về lại quê nhà.

“Trong ngành Y Dược của bọn mình có lời thề Hippocrates, sẽ chỉ làm điều có lợi cho người bệnh và tránh mọi điều xấu và bất công. Do đó nếu như có thể làm được gì để cứu người thì đấy là tâm nguyện, là cái nghiệp của bọn mình rồi. Nhưng mình lại còn là người con của Việt Nam. Bọn mình đã ra nước ngoài khá lâu rồi, nhưng lúc nào bọn mình cũng canh cánh trong lòng tình yêu đối với đất nước. Khi nhìn những cảnh đồng bào mình hoạn nạn như thế, không ai có thể ngồi yên được. Mình nghĩ mọi người ở trong nước cũng thế, mọi người đều sẵn sàng lao ra để giúp đỡ", anh nói.

Chị Đặng Thu Hà chia sẻ: “Đối với một người đang ở xa Tổ quốc, xa người thân, mình luôn luôn có cảm giác (bất lực) là mình không thể làm được gì. Giống như khi có người thân đang ốm mà lại không có cách nào ở gần bên cạnh để chăm sóc, thì sự lo lắng còn tăng hơn rất nhiều so với người luôn ở ngay bên cạnh, đúng không? Rất trùng hợp khi hai vợ chồng mình nghe được thông tin về mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Và mình thấy đây là điều tuyệt vời mà mình có thể đóng góp cùng với tất cả những bạn đồng nghiệp đang làm trong lĩnh vực y tế".

PGS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là một thử nghiệm rất mới ở Việt Nam, quá trình làm toàn những người làm lần đầu tiên. Ví dụ như phần mềm cũng do các bạn tình nguyện về IT tự xây dựng, chứ không phải mua đến vài triệu USD phần mềm để mang về sử dụng. Đấy là một trong những điều mình thấy quý. Tất cả đều là tình nguyện, tất cả đều vì đồng bào đang hoạn nạn mà hợp lực với nhau để xây dựng mạng lưới”.

Không phải lúc nào cũng phải chứng kiến những câu chuyện buồn của bệnh nhân khi làm tình nguyện viên cho mạng lưới Thầy thuốc đồng hành trong mùa dịch, PGS Nguyễn Tuấn Anh nói, các bác sĩ, tình nguyện viên ở mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hiện nay dù công việc vẫn hết sức áp lực vì lượng bệnh nhân vẫn nhiều, nhưng có niềm vui vì họ nhận được tình cảm trân quý từ chính những người bệnh họ đã và đang chăm sóc.

Bác sĩ Đặng Thu Hà tham gia sàng lọc bệnh nhân F0. Một ca làm việc của chị thường từ gọi từ 50-70 bệnh nhân.

Từ trái tim, anh chị chia sẻ nỗi vất vả gấp bội phần của các nhân viên y tế đang trực tiếp nơi thực địa, và cho rằng việc ra đời Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành thực sự là một sáng kiến hữu ích: “Đưa y học kỹ thuật số vào để giảm tải, nhanh chóng tầm soát được những người có nguy cơ có thể dẫn đến tử vong, mình thấy sáng kiến này phù hợp với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, với định hướng tương lai của y học. Vợ mình đang làm nghiên cứu sinh về Digital Health, nên cả hai vợ chồng thấy rất tâm đắc. Đây chính là những điều vợ chồng mình ấp ủ, đang muốn phát triển ở trong lĩnh vực này, mà thấy Việt Nam chúng ta đưa ra những giải pháp như thế rất hợp lý”, PGS Nguyễn Tuấn Anh nói.

“Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và mọi thứ là mới bắt đầu. Ngay cả Digital Health ở Việt Nam cũng là một lĩnh vực hoàn toàn mới chứ không như những nước đã phát triển. Ví dụ như ở Australia, việc tele health là chuyện rất bình thường, nhưng ngay ở Australia từ khi có dịch covid đến giờ tele health cũng gặp rất nhiều trục trặc, khó khăn chứ đừng nói gì ở Việt Nam. Với Việt Nam, khi làm một mạng lưới thử nghiệm và cho kết quả như ngày hôm nay, được chứng kiến từ đầu đến cuối phiên bản liên tục cập nhật của hệ thống quản lý, cũng như nỗ lực của tất cả những người tham gia từ quản lý cho đến bác sĩ tư vấn, đến các tình nguyện viên… mình thấy có một sự tiến bộ vượt bậc so với ngày đầu. Nếu như có điều có thể làm tốt hơn, là nên có một quy trình chuẩn, được xây dựng từ trên xuống dưới, có sự phê duyệt, triển khai đồng bộ giữa tất cả các nhóm", chị Đặng Thu Hà nhận xét.

Khi được hỏi ngày tham gia Thầy thuốc đồng hành, PGS Nguyễn Tuấn Anh nói đó là ngày 28/7, ngày được tập huấn và thi để tuyển chọn vào mạng lưới. Anh nhớ, vì đã có một kỷ niệm để đời. Phải tham gia tập huấn từ 11h đêm 28/7 đến 2h sáng ngày hôm sau 29/7 theo giờ Australia, trong khi 5h sáng 29/7, anh cũng có một báo cáo khoa học chuyên ngành quan trọng. Đây là một trong số ít được lựa chọn từ hàng ngàn bài để báo cáo trực tiếp tại AAIC 2021 - hội thảo lớn nhất và danh giá nhất thế giới về lĩnh vực sa sút trí tuệ. Và trong khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi ấy, anh…ngủ quên vì quá mệt, bỏ lỡ mất niềm vinh dự lớn của một người làm nghiên cứu.

“Nhưng thực sự mình không hề tiếc một chút nào. Cho đến giờ phút này, những gì mình đã làm, đã trải nghiệm, đã nhận được từ tình cảm của đồng bào của mình, thấy được việc làm của mình có ý nghĩa, giúp được những người đang trong cơn hoạn nạn cảm thấy có chỗ để người ta bấu víu… Đấy là món quà vô giá về mặt tinh thần, phù hợp với tâm nguyện của chúng mình khi bước vào ngành y, ngành dược", PGS Nguyễn Tuấn Anh tâm sự./.

Phi Hà/VOV5

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận