Phương pháp mới của GS Chiến và nhóm nghiên cứu loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng sốt rét của 100% bệnh nhân chỉ sau 3 ngày, đặc biệt là phương pháp đầu tiên không gây kháng thuốc và có chi phí chỉ 1 USD/viên. Hiện cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang xem xét phê chuẩn thành quả nghiên cứu của GS Viện Khoa học Sức khỏe VinUni và cộng sự.
Giải bài toán chi phí thấp nhất cho hiệu quả điều trị cao nhất
Tháng 7/2019, tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet đăng tải một nghiên cứu gây chấn động giới khoa học về các bệnh nhiệt đới: ký sinh trùng “siêu sốt rét” kháng thuốc đang lây lan nhanh chóng ở Đông Nam Á. Nghiên cứu cảnh báo, khoảng 1/3 các cuộc điều trị ở Việt Nam đã thất bại, trong khi đó, ở một số vùng của Campuchia tỷ lệ thất bại lên đến 60%. Nếu “siêu sốt rét” lan tới châu Phi, nơi chiếm tới 92% trong số 200 triệu ca nhiễm và 400.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, đó sẽ là một thảm họa toàn cầu.
Thời điểm đó, GS Huỳnh Đình Chiến (Viện Khoa học Sức Khoẻ, trường Đại học VinUni) cùng các đồng nghiệp nước ngoài đã tìm ra một công thức thuốc chống sốt rét mới và được cấp bằng sáng chế tại Italy. Đó là kết hợp các loại thuốc ức chế enzym Tyrosine Kinase với phác đồ điều trị dùng Artemisinin mà cả thế giới đang áp dụng.
Tuy nhiên, “Trong hàng trăm loại thuốc có tác dụng ức chế enzym Tyrosine Kinase, dùng loại nào để đạt hiệu quả điều trị cao nhất và chi phí điều trị thấp nhất là một bài toán lớn cần lời giải vào lúc đó”, GS Chiến cho biết.
Theo vị giáo sư ĐH VinUni, sốt rét là bệnh của người nghèo và cũng là nguồn gốc của đói nghèo. Tại Việt Nam, dù chương trình phòng, chống sốt rét quốc gia đã đạt nhiều thành tựu nhưng dịch bệnh chết người này vẫn hoành hành tại nhiều nơi ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung, đặc biệt là khu vực biên giới.
Sau một thời gian ngắn dồn toàn lực nghiên cứu, GS Chiến cùng các đồng nghiệp là GS Philip Low tại Đại học Purdue (Mỹ) và GS. Francesco Turrini tại Đại học Torino (Italy) đã tìm ra “vũ khí” mới đặc trị “siêu sốt rét” kháng thuốc. Đó là sử dụng kết hợp Imatinib - thuốc điều trị ung thư bạch cầu tủy mãn tính - cùng với phác đồ điều trị chuẩn của thế giới.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của nghiên cứu tại Hướng Hóa, Quảng Trị - nơi chủng “siêu sốt rét” kháng thuốc lưu hành - cho kết quả rất khả quan: phương pháp mới giúp loại bỏ toàn bộ ký sinh trùng sốt rét của 90% bệnh nhân trong vòng 48 giờ và của 100% bệnh nhân trong vòng 3 ngày. Mấu chốt hơn cả là phương pháp mang tính đột phá này hoàn toàn không dẫn tới tình trạng kháng thuốc.
“Ký sinh trùng sốt rét gây bệnh và tử vong bằng cách xâm nhập vào hồng cầu, nhân lên làm hồng cầu bị phá vỡ. Phương pháp mới có tác dụng làm bền vững màng hồng cầu, khiến ký sinh trùng nhân lên nhưng không thoát được ra ngoài và cuối cùng bị đào thải. Vì không tác động vào ký sinh trùng sốt rét như các phương pháp hiện tại nên có thể nói đây sẽ là phương pháp đầu tiên không gây kháng thuốc”, GS Chiến lý giải.
Theo GS. Chiến, giá thành sản xuất loại thuốc kết hợp cả dược chất từ Imatinib và Artemisinine-Piperaquine, chỉ khoảng 1 USD/viên. Với liệu trình điều trị 3 ngày, chỉ cần 6 USD là một bệnh nhân sốt rét đã có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ưu tiên quốc tế, đồng thời, nộp đơn xin phê chuẩn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho thành tựu nghiên cứu mới.
Định hướng ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học để phụng sự nhân loại
Dù loại thuốc mới được xem như “thần dược” có thể cứu sống hàng trăm triệu người nhưng nhóm nghiên cứu cho biết sẵn sàng chuyển giao phi lợi nhuận công nghệ này cho bất kỳ công ty nào cam kết phân phối thuốc đến các khu vực mà dịch sốt rét đang hoành hành.
“Bệnh nhân sốt rét đa phần là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Chúng tôi mong muốn họ có được cuộc sống khỏe mạnh và tốt đẹp hơn”, GS Chiến chia sẻ.
Theo GS Đỗ Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, ứng dụng thành tựu khoa học để phụng sự nhân loại như quan điểm của GS. Chiến và các cộng sự quốc tế cũng là định hướng mà VinUni theo đuổi. Hiện tại, gần 100% giáo sư, giảng viên tại VinUni đang tham gia vào các dự án nghiên cứu có sự hợp tác với các nhà khoa học quốc tế, trong đó, phần lớn các đề tài đều theo hướng phụng sự cộng đồng.
“Nếu các đề tài, dự án mà VinUni triển khai không có giá trị ứng dụng rộng rãi, hướng tới mục tiêu phụng sự nhân loại và môi trường nghiên cứu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì có lẽ đã không thuyết phục được các nhà khoa học thế giới tham gia”, GS Minh đánh giá.
Vị giáo sư nằm trong top 2% nhà nghiên cứu có ảnh hưởng nhất thế giới cho biết tại VinUni, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên quan trọng như nhau. Nghiên cứu không chỉ giúp tạo ra kiến thức mới phục vụ giảng dạy mà còn tạo cảm hứng cho các sinh viên. Cũng theo GS Minh, một “đặc sản” rất riêng của VinUni mà không phải trường đại học tên tuổi trên thế giới nào cũng tổ chức được, đó là để sinh viên được tham gia nghiên cứu cùng các giáo sư, giảng viên ngay từ năm thứ nhất. Thay vì chỉ là người thụ hưởng kết quả, khi được “nhúng” vào môi trường nghiên cứu từ sớm, sinh viên sẽ được trực tiếp tham gia, kiểm chứng để làm chủ quá trình tạo ra tri thức, đồng thời, sớm tiếp cận được với những kiến thức hàn lâm của thế giới.
Theo GS Minh, bệ phóng mạnh nhất giúp mỗi cá nhân trưởng thành nhanh chóng đến từ chính những tấm gương lớn xung quanh, đó là điều mà không cơ chế nào có thể tạo ra được.
Đồng quan điểm, GS Huỳnh Đình Chiến cho rằng mỗi cá nhân nếu chỉ tự phát triển kiểu “cây nhà lá vườn” thì rất khó ra quốc tế. Ông cũng thừa nhận, thành quả nghiên cứu mà ông đạt được ngày hôm nay sẽ khó thành hiện thực nếu ông không có hàng chục năm đồng hành cùng những “bộ óc” lớn của nhân loại./.
Theo CTV Tiểu My/VOV.VN