Hỗ trợ tâm lý cho F0 nhẹ lòng chiến thắng bệnh tật

Ngoài điều trị cho bệnh nhân Covid-19, hỗ trợ tâm lý cho các F0 để giúp vực dậy tinh thần, sớm vượt qua bạo bệnh cũng là điều mà các y bác sĩ trăn trở.

 

Có bác sĩ tâm lý đã như một người thân của F0, san sẻ gánh nặng cuộc sống, nỗi đau tinh thần cùng những gia đình có người thân mất vì đại dịch Covid-19.

San sẻ gánh nặng tinh thần cho F0

“Trước đó gia đình mình cũng đã thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 nên khi mà thấy kết quả test nhanh của con mình bị dương tính là thực sự lo lắng. Lúc đó mới giật mình là mình chưa chuẩn bị gì, kiến thức cơ bản cũng không có sự chuẩn bị trước nên lúc đó rối”, F0 Nguyễn Văn Phương chia sẻ.

Đó không chỉ là tâm trạng của gia đình F0 Nguyễn Văn Phương, mà là của hầu hết những người khi phát hiện mình vô tình trở thành F0, không rõ nguồn lây từ đâu, khi nào.

Theo Bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng Khoa Tâm lý Y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, hội viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, nhiều người bị khủng hoảng tinh thần, lo sợ, căng thẳng, đặc biệt là khi biết mình và gia đình mắc Covid-19. Bác sĩ Vy đã đồng hành cùng một số bác sĩ điều trị Covid-19, tham vấn tâm lý cho các F0 nhằm giải tỏa căng thẳng, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần cho bệnh nhân.

Để sự hỗ trợ không đơn lẻ, rời rạc mà trở thành một hệ thống hỗ trợ tâm lý, bác sĩ Vy đã đưa ý tưởng sơ cứu tâm lý xã hội trong đại dịch Covid-19 lên Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam. Sau nhiều ngày trăn trở và đưa vào vận hành thử nghiệm hơn một tháng, đến ngày 1/9, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam đã công bố chính thức số tổng đài 1900 636446 của chương trình "Hỗ trợ tâm lý– xã hội khẩn cấp" ra cộng đồng. Khoảng 50 chuyên gia, người làm công tác xã hội trực tiếp tư vấn tâm lý cho người dân, nhất là các F0, giúp giải tỏa căng thẳng, hỗ trợ tâm lý chứ không can thiệp về điều trị Covid-19.

Bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy cho biết, tổng đài chia làm 2 nhánh, trong đó nhánh 1 để tư vấn tâm lý cho các trường hợp nhẹ, còn nhánh 2 để tham vấn, can thiệp cho những trường hợp bị khủng khoảng nặng, mức độ cao. Đặc biệt, không chỉ người mắc Covid-19 là cả người ở giai đoạn hậu Covid-19 cũng cần hỗ trợ.

Có nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng khi trong gia đình có người qua đời vì Covid-19, gây nên cú sốc tinh thần rất lớn. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh trở về nhà vẫn bị các triệu chứng Covid-19 điển hình như: chỉ số SpO2 cao-thấp thất thường, nhịp thở rối loạn do sang chấn tâm lý, âu lo kéo dài...cần sự phối hợp hỗ trợ từ những chuyên gia có kinh nghiệm gồm bác sĩ tâm thần, bác sĩ đa khoa và cả nhà tâm lý, người làm công tác xã hội.

Tổng đài của Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam hỗ trợ tâm lý cả F0 và người dân trong đại dịch COVID-19.

Theo bác sĩ Vy, các bác sĩ tâm lý có thể kết nối với các y bác sĩ điều trị Covid-19, để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của bệnh nhân không tương ứng với tình trạng bệnh Covid-19.

“Một khi chúng ta bị nhiễm thì sẽ căng thẳng hơn bình thường, lúc đó họ sẽ không biết gọi ai, hoặc gọi đến tổng đài y tế nếu bị nghẽn thì sẽ càng lo âu sợ hãi. Tự nhiên cảm xúc lo âu sẽ kích hoạt những suy nghĩ tiêu cực về hệ thống, về y tế địa phương, cuộc sống. Nếu như cộng đồng biết được số này của bọn mình thì sẽ giảm tải cho bộ phận y tế, có thể giải tỏa từng bước cảm xúc căng thẳng khó chịu của người bệnh”, bác sĩ Vy cho hay.

Giúp F0 hợp tác điều trị

Tiến sĩ Lê Minh Thuận, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Tâm lý học lâm sàng- Bệnh viện Lê Văn Thịnh là người trực tiếp hỗ trợ điều trị cho các F0 tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2. Ông cũng là người hỗ trợ điều trị tâm lý cho các F0 mức độ nhẹ, mức độ nặng phải hồi sức cấp cứu và cả nhân viên y tế mắc Covid-19.

Ngoài ra, Tiến sĩ Thuận còn kiêm luôn hỗ trợ tâm lý cho cả thân nhân của F0 hiện đang nguy kịch trong phòng ICU. Do các bác sĩ điều trị Covid-19 không có nhiều thời gian để giải đáp cho bệnh nhân, ông Thuận sẽ hỗ trợ các vấn đề liên quan đến tất cả hành vi lối sống, tâm tư nguyện vọng, thắc mắc của người bệnh. Thậm chí, có những F0 bị nặng quan tâm cả đến những chuyện hậu sự của chính bản thân họ, muốn được thông tin những điều đó cho người thân, gia đình.

Tiến sĩ Thuận chia sẻ, khi hỗ trợ những bệnh nhân Covid-19 đã phát sinh rất nhiều tình huống mà trước đây chưa từng có trong giáo trình giảng đường hay trải nghiệm điều trị tâm lý, mà chỉ xảy ra ở bệnh viện dã chiến. Chính ông cũng phải vừa học vừa làm và mục tiêu tâm lý trong bệnh viện là làm sao để F0 chấp nhận được thực trạng của bản thân, cùng bình tĩnh, hợp tác, lắng nghe y bác sĩ trong quá trình điều trị.

Tiến sĩ Lê Minh Thuận cũng liêc lạc với F0 và người thân của F0 qua tin nhắn Zalo và Facebook để hỗ trợ tâm lý.

“Có nhiều F0 họ cảm thấy bị bỏ rơi, có người về trước mà mình về sau, họ cảm thấy buồn bã lắm. Rồi có những người già vào đây không con cái chăm sóc, không muốn ăn rồi khóc. Bác sĩ điều dưỡng phải ăn nỉ họ ăn, tìm mọi cách để cho họ ăn. Thì làm sao cho nhóm F0 chấp nhận được nỗi đau đó. Khi mà chấp nhận được thì họ sẽ vượt qua”, TS Thuận chia sẻ.

Từ các Trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP.HCM, nhiều bệnh nhân nặng đã khỏi bệnh và trở lại cuộc sống bình thường. Tất cả là nhờ sự nỗ lực cứu chữa không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ, trong đó có sự hỗ trợ thầm lặng của đội ngũ chuyên gia tâm lý đồng hành./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận