Dồn tổng lực cho miền Nam chống dịch

Với hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, hy vọng TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam sớm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.

 

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ nhân viên y tế của các bệnh viện phía Bắc liên tục xuất quân chi viện, hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch bệnh Covid-19.

Hàng chục nghìn y bác sĩ lên đường chi viện cho miền Nam

Chiều 21/8, tại buổi chia tay, động viên gần 1.000 các thầy cô giáo và sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai vào TP.HCM chống dịch, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai xúc động nói: “Đây là lực lượng được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng hộ và đặc biệt hơn 300 em đã có kinh nghiệm từ đợt dịch Bắc Ninh, Bắc Giang, sẽ trở thành thủ lĩnh trong lực lượng chi viện lần này. Các em sẽ lấy mẫu, sàng lọc xét nghiệm, thậm chí sau khi hoàn thành công việc các em còn giúp thành phố (TP) tiêm phòng vaccine ngay. Đội quân đi tình nguyện với tinh thần xung phong, xung kích, tôi tin tưởng các em vào đó sẽ phối hợp với Sở Y tế TP.HCM, làm việc theo sự phân công của TP, giúp phát hiện sớm các ca F0 để điều trị kịp thời, giảm số ca tử vong”.

Chiều tối ngày 21/8/2021, gần 200 thầy cô và sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai đã xuất quân, lên đường chi viện cho TP. Hồ Chí Minh. Các chuyến tiếp theo sẽ tiếp tục lên đường trong những ngày tới với tổng số lên tới 1.500 thầy cô và sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc BV Bạch Mai (áo trắng) động viên các thầy cô giáo và sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai trước lúc vào TPHCM chống dịch Covid-19. (Ảnh: Trần Minh)Cũng trong chiều 21/8, gần 300 bác sĩ, Học viện Quân y vào đến TP.HCM, đoàn công tác đã tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, điều phối của Sở chỉ huy phòng chống dịch phía Nam Bộ Quốc phòng, như: tham gia lấy mẫu xét nghiệm; tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, điều trị, chăm sóc các F0 cách ly tại nhà; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác được giao. Đại tá Nguyễn Vân Giang - Phó Cục trưởng Cục Quân y cho biết: Lực lượng của học viện được tăng cường sẽ giảm tải cho các BV dã chiến từ các tầng thứ 2 trở lên và cũng phát hiện sớm những trường hợp F0 ở tại nhà, để giảm thiểu bệnh nhân (BN) trở nặng, và giảm tỷ lệ tử vong.

Sáng 23/8, Học viện Quân y tiếp tục tổ chức lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. (Ảnh: Trọng Tài)Ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ đã có văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc và các tỉnh, thành để huy động nhân lực y tế tiếp tục đến hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

 Sau khi phát động, đã có khoảng 2.250 - 2.300 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ và học viên, sinh viên thuộc các đơn vị của Bộ Y tế tình nguyện đăng ký vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai tham gia chống dịch. Như vậy, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, đã có gần 14.543 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ, giảng viên, sinh viên y khoa được huy động. Trong tuần này sẽ có thêm 3.000 các nhân viên y tế sẽ đến vùng tâm dịch.

Nội Bài phủ kín màu xanh áo lính vào Nam chống dịch. (Ảnh: Ngô Tất Đạt)

Ngày 23/8, Học viện Quân Y tiếp tục làm lễ xuất hơn 1.000 quân, như vậy, từ ngày 3/7 - 23/8, Học viện Quân y đã điều động khoảng 1.500 cán bộ, bác sĩ điều dưỡng, nhân viên, học viên chi viện cho miền Nam chống dịch. Học viện đã chuyển 5 tấn thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế vào Phân hiệu phía Nam cùng cán bộ, nhân viên kỹ thuật, sinh viên tình nguyện tại chỗ triển khai Trung tâm xét nghiệm dã chiến với 5 tổ xét nghiệm SARS-CoV-2 sử dụng bộ kít Real-time PCR, có khả năng xét nghiệm tối đa đạt 1.500 mẫu đơn/ngày và 1 đơn vị xét nghiệm SARS-CoV-2 với đầy đủ trang thiết bị, sử dụng bộ kít mới công xuất lớn Ampharbio, có khả năng xét nghiệm tối đa đạt 10.000 mẫu đơn/ngày.

điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, Khoa Tai - Mũi - Họng (BV Trung ương Thái Nguyên) chia tay gia đình vào tuyến đầu TP.HCM điều trị bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Minh Tâm)Học viện Quân y xuất quân đợt này với nhiệm vụ triển khai 450 Tổ quân y cơ động, thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Sở chỉ huy phòng, chống dịch BQP tại khu vực phía Nam. Trọng tâm nhiệm vụ lần này là: Lấy mẫu xét nghiệm; tiêm vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu Nghị đã vào Tỉnh Tiền Giang để chống dịch. Đây đều là lực lượng tinh nhuệ gồm các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, gây mê...Theo Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Hệ trưởng Hệ 1, Phó Chỉ huy trưởng Đoàn công tác của Học viện Quân y, ngay sau khi có mặt tại TPHCM, đoàn công tác gồm 1.500 bác sĩ nội trú và bác sĩ đào tạo sau ĐH, và học viên các năm 4-6 đã nhanh chóng thích nghi với công việc, triển khai 400 Tổ quân y cơ động tăng cường tại các địa bàn của 23 quận, huyện, TP của TP.HCM.

“Chúng tôi nghe anh em báo cáo khi tăng cường về đến địa phương, bà con rất phấn khởi, an tâm khi có đường dây nóng từ các trạm quân y, họ có thể gọi bất cứ lúc nào để được hỗ trợ, tư vấn kiểm soát về sức khỏe. Dự kiến, tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường thêm Tổ quân y cơ động, hỗ trợ các địa phương chăm sóc, theo dõi các phác đồ điều trị người F0 tại gia đình, cấp cứu khi phát hiện BN trở nặng để chuyển tuyến… góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh trên TP”, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Trưa 24/8, 65 y, bác sĩ Viện Huyết học truyền máu Trung ương lên đường đến cơ sở 2 Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Đây là đoàn y bác sĩ thứ 2 của Viện đi vào tâm dịch TP.HCM…

Sáng 19/8, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tổ chức Lễ xuất quân đoàn thầy thuốc hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Nam. (Ảnh: KT) Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương động viên anh em lên đường chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Nam. Mở ra hy vọng cứu nhiều bệnh nhân nặng

Để hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam phòng chống dịch Covid-19, trước đó Bộ Y tế đã phân công 5 Giám đốc các BV tuyến Trung ương là Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, ĐH Y dược TP.HCM vận hành BV Hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM quy mô 1.000 giường và 4 Trung tâm Hồi sức tích cực (HSTC) Covid-19 (quy mô 500 giường/Trung tâm) để đồng hành cùng TP trong điều trị các BN Covid-19 nặng. Bên cạnh đó, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội cũng kiêm nhiệm Giám đốc BV dã chiến cấp cứu người bệnh Covid-19 với quy mô gần 500 giường trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Với sự có mặt của các chuyên gia đầu ngành, các y bác sĩ chuyên môn sâu và đưa trang thiết bị hiện đại đồng bộ vào hoạt động đã giúp nhiều BN nặng thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Nhiều BN nặng đã được ra viện.

Dốc cả tâm lực điều trị cho bệnh nhân nặng ở Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 BV Bạch Mai tại TP.HCMÔng Đào Xuân Cơ cho biết, từ khi dịch bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện lời hiệu triệu của Chủ tịch nước, của Tổng Bí thư và của Đảng, Chỉnh phủ, Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Y tế, BV Bạch Mai đã ngay lập tức triển khai các đoàn công tác, cán bộ có chuyên môn kỹ thuật cao về hồi sức cấp cứu và các lĩnh vực về truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn và ngay đợt xuất quân đầu, BV đã thành lập đoàn cán bộ gần 20 người, thiết lập hệ thống hồi sức, các trung tâm hồi sức cấp cứu gồm 2 đơn vị hồi sức cấp cứu BN Covid-19 nặng cho tỉnh Đồng Nai (nằm ở BV Thống Nhất). Song song với việc thiết lập 2 BV này, chúng tôi đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho anh em đi vào hoạt động, và còn đã cử các cán bộ tham gia công tác hồi sức cấp cứu chống dịch tại Cần Thơ, Vĩnh Long. Sau đấy BV Phỏi Trung ương đã vào tiếp quản đơn vị này và hiện tại Trung tâm này đang hoạt động về hồi sức cấp cứu BN Covid-19 nặng tại tỉnh Đồng Nai rất hiệu quả.

Bác sĩ BVĐK Tiền Giang theo dõi diễn biến bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực qua camera.Sau khi được phân công của Chính phủ và Bộ Y tế, BV Mạch Mai đã tiếp nhận BV Dã chiến số 16 đóng tại quận 7, TP.HCM với quy mô khoảng 3.000 giường trong đó BV Bạch Mai phụ trách 1 Trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19 quy mô 500 giường, tiếp nhận BN Covid-19 nặng của các vùng lân cận tại TP.HCM vào điều trị, đồng thời còn cử các kíp trực tiếp xuống các BV quận/huyện của TP.HCM để tập huấn, hội chẩn và đào tạo, cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật…

“Sau 2 tuần thiết lập và đi vào hoạt động, hiện chúng tôi đã tiếp nhận hàng trăm BN nặng và nguy kịch và hầu hết trong số này phải thở máy xâm nhập và không xâm nhập, lọc máu và có thể triển khai kỹ thuật ECMO. Đến nay, BV Bạch Mai đã cử gần 500 cán bộ trong đó tập trung chủ yếu là chuyên ngành hồi sức cấp cứu, hô hấp, truyền nhiễm, tim mạch… Đây là số cán bộ đã kinh qua “chiến trường” tại các vùng dịch như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang. Sáng 24/8, Bạch Mai lại tiếp tục cử 2 giáo sư đầu ngành hồi sức cấp cứu của Bạch Mai cũng như của cả nước là PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9 và PGS Đặng Quốc Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Hà Nội trực tiếp vào chỉ đạo điều hành Trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19. Với mục tiêu là bằng mọi giá giảm thiểu được tình trạng BN nặng và tử vong thấp nhất có thể”, ông Cơ cho biết.

Bác sĩ BV tại TPHCMTại tỉnh Long An, Giám đốc BV Trung ương Thái Nguyên đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm HSTC người bệnh Covid-19. Tại tỉnh Vĩnh Long, Giám đốc BV Nhi Trung ương đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm HSTC Covid-19. Các Trung tâm này đã đi vào hoạt động, có thể nâng dần quy mô khi cần, góp phần giúp Long An, Vĩnh Long trong công tác điều trị BN Covid-19, giảm thiểu tử vong trên địa bàn.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Trung tâm HSTC Covid-19 của BV Việt Đức được thiết lập tại BV dã chiến 13 (ở huyện Bình Chánh, TP.HCM). Hiện, riêng phía BV Việt Đức đã chi viện trên 320 y bác sĩ, cán bộ có chuyên môn vững vàng túc trực tại đây để chăm sóc tận tình, điều trị tích cực nhất cho BN. PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó GĐ BV Việt Đức, người túc trực tại Trung tâm HSTC này cho biết: Vì là nơi cấp cứu BN nặng nên tiếp nhận chủ yếu từ phía ngành y tế TP.HCM và các BV dã chiến chuyển lên. Việc phân loại bệnh và điều trị được tiến hành khoa học, bài bản. Tiếp nhận BN theo tiến độ hoàn thiện số giường.

Trong phòng cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng của Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 BV Việt Đức. (Ảnh: Hà Văn Đạo)Đánh giá về tình hình điều trị BN Covid-19, Giám đốc BV Việt Đức, GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ: Do bệnh này chuyển biến rất nhanh, chúng ta phải chạy đua với thời gian để cứu người. Đặc biệt, Trung tâm đặt ngay trong khuôn viên với Bệnh viện Dã chiến 13 nên khi BN nặng từ BV dã chiến chuyển sang rất tiện lợi. Với trang thiết bị và chuyên gia giàu kinh nghiệm, hy vọng Trung tâm Hồi sức Cấp cứu này sẽ cứu được nhiều BN nặng. Trong số 500 giường thì có 200 giường hồi sức BN nặng thở máy xâm nhập và không xâm nhập. 200 giường cho BN thở oxy còn 100 giường dành để theo dõi BN khi đã chuyển nhẹ. Đến nay, Trung tâm đã có BN đầu tiên được xuất viện.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác thu dung, điều trị BN Covid-19 tại các Trung tâm HSTC BN Covid-19 của Bộ Y tế thiết lập trên địa bàn TP.HCM. Chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của lực lượng y tế phải xa gia đình vào làm nhiệm vụ đồng hành cùng TP trong công tác phòng chống dịch, người đứng đầu ngành y tế mong các thầy thuốc tiếp tục nỗ lực hơn nữa để chăm sóc, điều trị và cứu chữa người bệnh, làm sao để người bệnh nhanh chóng ra viện, giảm tỷ lệ tử vong.

Bình Dương luôn sẵn sàng mở rộng giường điều trị lên 30.000.Trước những báo cáo về thiếu máy thở, thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc giãn cơ của các Trung tâm, Bộ trưởng đã yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng các Vụ/Cục của Bộ Y tế điều phối ngay trang thiết bị, thuốc cho các Trung tâm làm sao để các thầy thuốc có “vũ khí” đánh giặc tốt nhất, người bệnh được điều trị nhanh nhất. Người đứng đầu ngành y tế cũng chia sẻ khi biết thông tin có nhiều cán bộ y tế đã để lại con nhỏ, gia đình ở Hà Nội vào Nam chống dịch. “Tôi mong các đồng chí vượt qua những niềm riêng để làm nhiệm vụ cao cả của thầy thuốc. Trong quá trình làm việc, các đồng chí cần đảm bảo chú ý an toàn phòng hộ cho bản thân, tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn. Chúng ta khoẻ, an toàn thì mới chăm sóc người bệnh được tốt nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Bệnh nhân nặng ở Trung tâm được điều trị tích cực tại Long An.Những ngày qua, số BN Covid-19 mới của Bình Dương liên tục tăng cao do tỉnh đang đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng. Tuy nhiên với việc áp dụng đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế thì số lượng BN ra viện của Bình Dương những ngày qua đã lập kỷ lục. Có ngày lên đến gần 5.000 người được ra viện. Số BN công bố khỏi bệnh nhiều hơn số người mắc mới. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, người được Bộ Y tế cử vào Bình Dương hỗ trợ công tác điều trị cho rằng, hệ thống điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng” của tỉnh đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, cũng còn vô vàn khó khăn ở trước mắt, không thể chủ quan.

“Năng lực điều trị của Bình Dương đang gặp áp lực rất lớn. Hệ thống y tế Bình Dương đang bị quá tải. Chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để người dân được khám, chữa bệnh kịp thời. Các phương án đã, đang được triển khai: mở rộng hệ thống BV dã chiến; tập trung nhân lực cho điều trị BN ở các BV thuộc tầng 2; đưa vào sử dụng BV hồi sức cấp cứu ở tầng 3 - tầng điều trị BN nặng và nguy kịch”, PGS Nguyễn Lân Hiếu đánh giá, với nỗ lực của các thầy thuốc tuyến huyện - những BV ở tầng 2 trong tháp điều trị 3 tầng làm nhiệm vụ theo dõi sát BN, phát hiện sớm các triệu chứng trở nặng đặc biệt thiếu oxy máu thầm lặng, sẽ hạn chế rất nhiều các ca tử vong ở tầng 2, giảm gánh nặng cho tuyến trên.

Trong phòng cấp cứu bệnh nhân nặng của Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 BV Bạch Mai tại TP.HCM.Với Trung tâm hồi sức cấp cứu hiện đại chia các phân khu hoàn chỉnh để kịp thời tiếp nhận BN, cùng với sự chi viện của những đội quân tinh nhuệ của ngành y tế từ đầu mùa dịch, hy vọng chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới./.

Với hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, hy vọng TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam sớm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể, TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận