Không để trẻ thừa cân, thiếu chất
Theo GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cha mẹ cần cung cấp cho trẻ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ vitamin, chất xơ và khoáng chất, bên cạnh đạm, mỡ, carbohydrate và đường để trẻ phát triển toàn diện.“Ví dụ đối với đạm, theo thống kê về nhu cầu chất đạm cho trẻ 6 tuổi, mỗi ngày trẻ cần khoảng 36g - tương đương nửa lạng thịt. Nếu trẻ ăn 3-4 lạng thịt, hoặc tiêu thụ thêm đạm từ các thực phẩm khác vượt quá nhu cầu khuyến nghị thì sẽ bị thừa đạm, từ đó có nguy cơ thừa cân, béo phì. Do vậy, để con khoẻ mạnh, bố mẹ chỉ cần cho con ăn vừa đủ nhu cầu khuyến nghị về các chất dinh dưỡng” - GS.TS Nguyễn Gia Khánh nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Gia Khánh cho biết, việc tăng lượng xơ, vitamin, đặc biệt là vitamin C, D qua rau xanh, hoa quả tươi là cần thiết để giúp trẻ phát triển toàn diện và vững vàng hơn. Vitamin C có vai trò tăng cường miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch lympho T và bạch cầu, từ đó làm tăng chức năng của hệ miễn dịch. Trong khi đó, vitamin D có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Các loại thực phẩm khác như sữa tách béo, trứng, hải sản có nhiều vitamin D cũng giúp phòng ngừa và hạn chế nhiễm khuẩn đường hô hấp. Song song đó, trẻ cũng cần được bổ sung các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, selen, magie và probiotics. Các vi chất đóng góp vào quá trình phân bào, chuyển hoá trong cơ thể, giúp trẻ có lá chắn vững vàng hơn.
Trẻ bị thừa cân không chỉ gây khó khăn cho tim, não mà còn khiến sự tăng tiết hormone mất kiểm soát, chúng phá hỏng khả năng phòng bệnh của hệ miễn dịch. |
Rèn luyện thói quen lành mạnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao mắc bệnh mạn tính trung bình mỗi ngày có 80 người tử vong vì các bệnh liên quan đến tiểu đường. Trong đó, thừa cân ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành. Do vậy, cha mẹ cần chú trọng và nâng cao cảnh giác với tình trạng thừa cân - béo phì ở trẻ, để điều chỉnh cách ăn uống, vận động cho con phát triển toàn diện.
Có thể thấy, sự lo lắng về sức khoẻ và khả năng miễn dịch của trẻ giữa những đe doạ về dịch bệnh khiến nhiều phụ huynh có xu hướng bồi bổ quá mức cho con trong thời gian giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, việc các gia đình có xu hướng tích trữ thực phẩm để hạn chế ra khỏi nhà, lại khiến chiếc tủ lạnh trở nên đủ đầy và hấp dẫn hơn bao giờ hết, đặc biệt là với những trẻ bụ bẫm, thích ăn vặt và ăn ngon miệng.
Đối với trẻ em từ 0-5 tuổi: trẻ coi là thừa cân khi chỉ số cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao dao động từ 2 độ lệch chuẩn (SD) đến 3 < SD. Trẻ coi là béo phì khi cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao ≥ 3 SD.
Đối với trẻ em 5-19 tuổi: trẻ được coi là thừa cân khi chỉ số khối cơ thể theo tuổi (BMI) từ +1 SD đến < 2SD. Trẻ được coi là béo phì khi BMI ≥ 2SD.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu vượt ngưỡng cân nặng chuẩn, phụ huynh cần có hành động ngay để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tăng cường cho trẻ vận động, tránh kéo dài tình trạng tăng cân dẫn đến béo phì.
|
Với những trẻ cân đối, được nuông chiều thói quen ăn uống trong giai đoạn này có thể tạo thành đà tăng cân trong thời gian tới. Với những trẻ đã thừa cân, béo phì, nạp năng lượng quá mức có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khoẻ và hệ miễn dịch của trẻ. Theo các chuyên gia y tế, việc thừa cân không chỉ gây khó khăn cho tim, não mà còn khiến sự tăng tiết hormone mất kiểm soát, chúng phá hỏng khả năng phòng bệnh của hệ miễn dịch. Vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch bệnh, cha mẹ cũng cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động hợp lý, tránh chủ quan với cân nặng của con.
Theo các chuyên gia y tế, để giúp trẻ phát triển toàn diện, bên cạnh việc chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho con, cha mẹ cần giáo dục con về dinh dưỡng đa dạng, cân đối, cho con hiểu về giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm.Không nên nuông chiều, cho con ăn quá mức cần thiết, nên dừng khi đủ no dù ngon miệng; Không nên cho trẻ ăn vặt vào bất kỳ lúc nào trong ngày, đặc biệt là khi trẻ ở nhà và tủ lạnh có nhiều món ngon hấp dẫn; Không nên cho trẻ ăn quá nhiều các món chiên, nướng, xào và thực phẩm chứa lượng đường cao như bim bim, xúc xích...Thay vào đó, bố mẹ cần cho con ăn đủ bữa, đúng giờ. Đồng thời, cho trẻ hoạt động, rèn luyện thể lực đều đặn tại nhà. Không cho con thức khuya, vừa xem ti vi hoặc xem điện thoại trong lúc ăn cơm, hạn chế tối đa thời gian tĩnh tại. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tất cả trẻ nhỏ nên dành ít nhất 180 phút/ngày cho nhiều loại hoạt động thể chất ở nhiều cường độ. Trong đó, với trẻ 3-4 tuổi nên dành ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất từ trung bình đến cường độ mạnh./.
“Chế độ ăn của trẻ hiện nay thiếu rau và thiếu quả tươi nhưng lại quá nhiều đạm, mỡ, carbohydrate, đường. Điều này thúc đẩy đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ hiện nay”.
GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam
|