'Túi sức khỏe' cho F0 tại nhà, an tâm điều trị

Từ ngày 16/8, Bộ Y tế triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà tại TP.HCM. Chiến lược này giúp tất cả bệnh nhân được tiếp cận y tế, giảm tỷ lệ tử vong.

 

Túi thuốc F0 - khi cần là có

TP.HCM đang có khoảng 44.000 F0 được điều trị tại nhà, 33.000 tại các cơ sở y tế. Gần đây, khi số lượng bệnh nhân (BN) tăng cao, mô hình quản lý, điều trị F0 tại nhà đã được Bộ Y tế triển khai, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế trong công tác điều trị BN, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong, để tất cả BN đều được tiếp cận dịch vụ y tế. Việc Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ở nhiều phường xã, quận huyện trên địa bàn TP.HCM triển khai thực hiện chương trình “Túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19” đã kịp thời hỗ trợ cho nhiều BN đang điều trị tại nhà, đặc biệt nhiều trường hợp không có sự chuẩn bị về thuốc men, vitamin tăng cường sức khỏe.

“Bất kể thời gian ngày hay đêm, chỉ cần được báo có ca F0 hay người dân cần thuốc gọi báo là ngay lập tức sẽ có người xuống tận nơi trao thuốc cho người bệnh”, anh Ngô Nam Việt - Bí thư Đoàn Thanh niên phường 1, quận Tân Bình chia sẻ.

Mỗi túi thuốc mà F0 nhận được sẽ bao gồm thuốc, hướng dẫn sử dụng và thiết kế kèm mã QR, để BN có thể quét mã và tham gia vào nhóm “Bác sĩ đồng hành cùng F0 - phường 1” trên ứng dụng Zalo. Trong mỗi túi thuốc, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của phường 1, quận Tân Bình đã chuẩn bị các loại như Paracetamol 500g, Acetylcystein, MultiVitamin, nước súc họng, nước Natri Clorid 0,9%, viên C sủi Uscadimin C1g và khẩu trang. Đây là những loại thuốc mà Trạm y tế phường 1, nhóm bác sĩ tình nguyện lên danh sách dựa trên danh mục thuốc theo công văn Bộ Y tế ban hành.

Túi thuốc an sinh sẽ là biện pháp hỗ trợ cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để người dân chiến thắng dịch Covid-19.

Chị N.T.T là F0 trên địa bàn phường 1 tâm sự: “Nhà tôi có 4 người mắc bệnh. Ban đầu khi có kết quả cả nhà rất lo lắng, đặc biệt khi được biết cả nhà sẽ cùng cách ly điều trị tại nhà. Tuy nhiên sau khi được các nhân viên y tế của Trạm y tế hướng dẫn, cách phân bố nơi ở của từng người, cách liên hệ khi cần thiết và mỗi ngày được các bác sĩ trong nhóm Zalo thăm hỏi nên tất cả thành viên trong gia đình yên tâm hơn”.

Còn tại phường 8, quận Tân Bình, hiện có khoảng 45 ca F0 đủ điều kiện đang thực hiện cách ly điều trị và theo dõi sức khỏe tại nhà. Để hỗ trợ và động viên về tinh thần cho các hộ gia đình có F0 đang cách ly, điều trị tại nhà, Tổ phản ứng nhanh phường 8 đã chuẩn bị các túi thuốc thông thường gồm có: thuốc hạ sốt, vitamin C, thuốc nhỏ mắt và nước muối để gửi tặng đến 45 hộ đang có ca F0. Đặc biệt, trên mỗi túi thuốc đều có in số điện thoại các thành viên Tổ phản ứng nhanh và số điện thoại các thành viên đang giúp người dân đi chợ, đi mua thực phẩm, thuốc men trong những ngày cách ly, phong tỏa. 

Tại quận 7, TP.HCM, nhiều đội phản ứng nhanh hỗ trợ điều trị F0 tại nhà được thành lập với “Túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19” hoạt động bất kể ngày đêm khi người dân cần. Trưởng nhóm phản ứng nhanh Nguyễn Nhật Minh cho biết, trong túi thuốc lúc nào cũng có 7 loại dược phẩm được khuyến cáo để bổ trợ nâng cao thể trạng và giảm một số triệu chứng lâm sàng cho BN cách ly tại nhà. “Gia đình nào có F0 là chúng tôi tìm đến, ngoài hỗ trợ túi thuốc cho họ, chúng tôi còn giúp những F0 nặng liên hệ với các bệnh viện để đưa họ đến điều trị khi trở nặng”, anh Minh cho biết.

Nỗ lực cấp cứu cho F0 tại nhà

Tối muộn, nhận được điện thoại của người nhà BN báo có F0 tuổi cao tại nhà đang trở nặng với triệu chứng khó thở, mệt lả người, đội phản ứng nhanh Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM lập tức lên đường. Đây là một trường hợp BN có triệu chứng sốt ho trước đó nhưng chủ quan vì đã trang bị bình khí oxy trong nhà nên không khai báo tình trạng bệnh. Tuy nhiên, dù bình oxy đã hết nhưng người nhà mặc định còn nhiều nên khi BN vừa khó thở đã không báo cho y tế địa phương, cho đến khi khó thở kéo dài mới liên lạc lên đường dây nóng và thắc mắc vì sao thở bình oxy mà vẫn khó thở nhiều hơn.

Bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm y tế phường Bình Chiểu cho biết, qua quá trình khám lâm sàng, chỉ số oxy trong máu là 79, mức thấp, sốt 39 độ, tiến hành dùng máy thở tăng nồng độ oxy trong máu rồi hạ sốt cho BN. Trong lúc này, thành viên đội phản ứng nhanh nhanh chóng đi tìm bình oxy để kịp thời cấp cứu cho BN. Sau nửa tiếng sơ cứu ban đầu, BN tạm ổn định, chỉ số oxy trong máu lên 94%, hạ sốt còn 38 độ, đội đã nhanh chóng liên hệ với tuyến trên để chuyển bệnh nhân. Lúc này xe cấp cứu chưa có, đội đã gọi taxi cấp cứu để đưa BN lên.

Theo bác sĩ Kông, từ ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, BN mắc Covid-19 được phân bổ về cách ly ở TP Thủ Đức liên tục gia tăng. Riêng phường Bình Chiểu hiện có gần 90 trường hợp F0 tại nhà. Để giúp F0 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, Trạm y tế phường thường xuyên thăm hỏi và hướng dẫn BN sử dụng thuốc điều trị giảm triệu chứng. Nhớ lại thời kỳ khởi phát bệnh của các F0 với triệu chứng như sốt cao, ho khan, tức ngực, khó thở, các y bác sĩ nơi đây phải chạy khắp nơi, từ nhà BN này đến BN khác. “Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 trường hợp F0 cấp cứu, nhiều BN mới khởi phát bệnh hoặc chủ quan không khai báo. Có nhiều trường hợp phải cấp cứu và chuyển bệnh từ 20 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau mới có nơi tiếp nhận BN. Đến nay thì tình trạng đó đã giảm, không còn nhiều nơi quá tải, BN nhanh được chuyển tuyến hơn” - bác sĩ Kông chia sẻ.

Chiến lược điều trị F0 tại nhà giúp tất cả bệnh nhân được tiếp cận y tế, giảm tỷ lệ tử vong.

Theo y sĩ Lê Minh Quân, phụ trách chống dịch tại Trạm y tế phường 1, các thành viên trong nhóm zalo “Bác sĩ đồng hành cùng F0 - phường 1” bao gồm thường trực ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ phản ứng nhanh, 6 bác sĩ và 2 dược sĩ thuộc đội hình Blouse trắng 24/7, mỗi người đều có một nhiệm vụ cụ thể và tất cả đều cùng một mục đích hỗ trợ người bệnh ngay lập tức. Hàng ngày, các trường hợp F0 sẽ thông báo tình trạng bệnh của mình trong nhóm zalo này, qua đó các y, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng cụ thể của từng người và có những hướng dẫn, hỗ trợ điều trị phù hợp. Những trường hợp F0 có triệu chứng sẽ được tư vấn trực tiếp, còn những trường hợp cần can thiệp y tế khẩn cấp như hạ nồng độ oxy trong máu (SPO2), cần cung cấp bình oxy tại nhà hoặc chuyển viện khẩn cấp... sẽ được chuyển cho tổ phản ứng nhanh của phường xử lý theo đúng quy trình.

312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0

Theo Sở Y tế TP.HCM, với những trường hợp F0 đang theo dõi y tế tại nhà, Sở đã có hướng dẫn về các giải pháp chủ động chăm sóc, sử dụng thuốc cho từng trường hợp cụ thể. Thành phố đang chủ động tăng cường thêm xe cứu thương, tăng khả năng tiếp nhận cuộc gọi hỗ trợ người dân qua tổng đài 1022. Lực lượng y tế trực tiếp tư vấn là những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành. Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp nhận thông tin, điều phối BN trên toàn TP qua tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115.

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều đã quá tải, y bác sĩ không muốn bỏ mặc BN nhưng không thể tiếp nhận thêm vì không đủ nhân lực, không đủ trang thiết bị để hỗ trợ cứu chữa. Nhiều trường hợp được phát hiện và nhập viện muộn, để rơi vào tình trạng nặng không kịp xử lý, đến khi đã suy hô hấp diễn tiến nhanh. Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng cao, TP.HCM đã khẩn trương lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà trên tất cả các phường, xã thị trấn và công bố số điện thoại để người dân tiện liên lạc khi cần. Mỗi tổ phản ứng nhanh, gồm các bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế và tình nguyện viên, công an, đoàn thanh niên... Khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh sẽ gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.

Từ ngày 16/8, TP.HCM triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà kèm các hướng dẫn, được coi là tầng thấp nhất trong tháp các tầng điều trị. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, việc hỗ trợ các “túi thuốc an sinh” cho người dân đang ở trong giai đoạn chuẩn bị kế hoạch. Sau khi chuẩn bị chặt chẽ theo hướng dẫn cụ thể về việc trao tặng túi thuốc an sinh thì sở sẽ lập tức triển khai. Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn về việc cập nhật “Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 cách ly tại nhà” đến phiên bản thứ 3 (1.3), với sự tham gia đóng góp của Tổ chuyên gia tư vấn điều trị Covid-19, nhằm thay đổi, bổ sung để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người mắc Covid-19.

Về điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Mô hình chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 cũng chính là tầng điều trị thứ nhất. Mở rộng tầng 1 bao nhiêu thì nền móng vững chắc bấy nhiêu. Nếu không mở rộng tầng 1, sẽ gây quá tải và khó khăn cho tầng điều trị 2 và 3. Trong chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà, quan trọng là triển khai xét nghiệm tại chỗ, nếu phát hiện ra F0 thì khoanh luôn nhà đó, phát luôn túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần. Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng”./.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Công thức 5 điểm chống dịch ở TP.HCM trong giai đoạn hiện nay

Ngày 17/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Thành uỷ, UBND TP Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19, bao gồm triển khai gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0 và cấp cứu và điều trị theo mô hình tháp 3 tầng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý TP.HCM cần lưu tâm thực hiện 5 điểm trong công tác phòng chống dịch giai đoạn này, đó là: Thứ nhất, Thành phố phải thực hiện giãn cách thật nghiêm. “Giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định. Các biện pháp khác là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thêm” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Thứ hai, Thành phố phải chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Đây là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không phải ra bên ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh. Thứ ba, xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin vào ngày 20/8 tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ thành phố, mỗi xe 2.000 - 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP Hồ Chí Minh. Thứ tư, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thứ năm, vaccine là chiến lược lâu dài.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận