Biến thể Delta đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, trong đó có Việt Nam.
Delta là biến thể đáng quan ngại
Các chuyên gia cho rằng, sự biến chủng của corona virus là hết sức tự nhiên, đó cũng là bản chất của các loại virus nói chung. Trên thế giới, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh biến thể mới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đã có hàng trăm biến chủng phát hiện được trên thế giới. Các chuyên gia đã dự đoán nhiều biến thể có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, trong đó có biến thể Delta.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, 4 chủng virus corona mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là biến chủng đáng quan ngại được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. WHO đã thống nhất gọi 4 biến chủng mới này theo các ký hiệu bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, biến thể Delta (còn gọi là B.1.617.2) là tên của biến thể virus corona chủng mới được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ đã lan rộng hơn sang hơn 100 quốc gia và được coi là biến thể nguy hiểm nhất trong số 4 biến thể nói trên bởi tốc độ lây lan vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ.
Tại nước ta, biến thể Delta là biến chủng của virus SARS-CoV-2 được phát hiện phổ biến trong các ca dương tính Covid-19 đợt dịch thứ 4, từ Bắc Ninh, Bắc Giang lan ra TP.HCM và lan khắp các tỉnh thành. “WHO đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với các biến thể cũ, thì biến thể Delta còn có khả năng lây lan nhiều hơn gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha và làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân (BN) Covid-19 so với các biến chủng khác. Chính vì vậy, tỷ lệ phát hiện F1 cao hơn rất nhiều so với biến thể Alpha. Bằng chứng là ghi nhận ca F0, F1 gia tăng mỗi ngày tại khu vực phía Nam và chu kỳ lây nhiễm chỉ khoảng 2-3 ngày”, ông Phu nhấn mạnh.
PGS Trần Đắc Phu lý giải tốc độ lây lan của biến thể Delta diễn ra nhanh nguyên nhân chính là do nồng độ virus trong hầu họng rất nhiều và khả năng bám dính của virus vào tế bào cơ thể rất nhạy nên chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh. Đặc biệt, trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke, xe ô tô…
“Khi nồng độ virus thải ra nhiều và độ bám dính nhạy, khả năng mắc và lây lan nhanh và số ca mắc nhiều, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì BN dễ chuyển biến nặng. Vì vậy cần phát hiện, truy vết nhanh, khoanh gọn và bố trí hệ thống điều trị phân tầng phù hợp, nhằm kịp thời cứu chữa BN trở nặng, giảm số lượng tử vong”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.
Còn TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, SARS-CoV-2 là virus chủ yếu gây viêm đường hô hấp. Cũng giống như virus gây tổn thương đường hô hấp khác thì virus SARS-CoV-2 luôn có biến đổi sau mỗi chu kỳ nhân lên. Theo ước tính, virus nhân lên khoảng 105 - 106 chu kỳ thì có thể xuất hiện gene đột biến mới và theo quy luật chọn lọc tự nhiên thì những biến chủng nào có khả năng lây lan nhanh, động lực mạnh thì nó sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển; còn với chủng virus không có khả năng lây lan hoặc lây thấp thì sẽ bị thanh lọc hoặc không tồn tại.
“Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Do đó, việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này”. Bộ trưởng Bộ Y tếNguyễn Thanh Long. |
Các loại vaccine Covid-19 có chống được Delta?
Các nhà khoa học khẳng định, vaccine hiện là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus, dù các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể tác động ít nhiều đến hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên với biến thể siêu lây nhiễm như biến thể Delta thì với người đã chủng ngừa vaccine vẫn có thể nhiễm Covid-19, nhưng sẽ giảm được tử vong và tình trạng bệnh nặng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, với tốc độ lây lan rộng, lượng BN tăng lên nhanh chóng sẽ dẫn đến quá tải y tế, dẫn đến việc phòng chống bị động. Với các chủng cũ, BN phát bệnh khoảng 7-8 thì nguy cơ chuyển biến nặng. Nhưng ở biến chủng này, từ lúc khởi phát bệnh đến lúc diễn biến nặng có thể chỉ 2-3 ngày. Đây rõ ràng là một thách thức với ngành y tế.
“WHO đánh giá biến thể Delta sẽ làm cho các nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch quay trở lại. Một biến chủng khả năng lây lan tăng nhanh thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt mức độ cao hơn thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Ví dụ với chủng virus cổ điển, tỷ lệ tiêm chủng chỉ 60% có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Đối với chủng Alpha thì miễn dịch cộng đồng đạt được ở mức độ tiêm chủng khoảng 75%, nhưng với chủng Delta thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 85% trở lên mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Chính vì thế, một số nước mới chỉ đạt được mức độ tiêm chủng khoảng 60% phải tăng cường tỷ lệ tiêm chủng. Vì vậy, trong bối cảnh nước ta đang khó khăn trong việc thực hiện miễn dịch cộng đồng, thì người dân hãy tuân thủ khuyến cáo 5K và tiêm vaccine khi đến lượt chứ không nên lựa chọn loại vaccine gì. Tiêm sớm mới đủ thời gian sinh kháng thể, sẽ giảm bớt nguy cơ, vừa bảo vệ bản thân vừa phát huy thành quả kiểm soát dịch của chúng ta trước đây”, bác sĩ Hồng Hà nhấn mạnh.
“Tất cả các quốc gia đều cảnh báo không thể chủ quan với biến thể Delta đang phá vỡ và làm đảo lộn tất cả các thành tựu chống dịch của nhiều quốc gia. Đợt dịch này những địa bàn trọng điểm về dịch rất khó có thể đưa số ca nhiễm về 0. Do đó, chúng ta phải xác định tiếp tục công cuộc phòng chống dịch nhanh, mạnh và bền bỉ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh./.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại TP.HCM với 2 ca nhiễm tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (quận 3) vào ngày 18/5. Lúc này, mức độ lây lan của chủng Delta chưa nhiều. Khi phát hiện chuỗi lây nhiễm ở điểm dịch nhóm Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, kết quả xét nghiệm cho thấy 7 ca đầu tiên đều nhiễm biến thể Delta. Tiếp đó, các ca bệnh được phát hiện chủ yếu là người có tiếp xúc gần với các F0 như: người trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm… Từ những chuỗi ca bệnh siêu lây nhiễm, lan ra khắp các tỉnh thành, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Với số ca mắc mới tăng nhanh mỗi ngày, cho thấy mức độ lây lan của biến thể Delta rất nhanh và nguy hiểm, kéo theo sự căng thẳng khi ngành y tế bị quá tải. |
Hương Giang