TP.HCM: Điều trị phân tầng, dồn tổng lực cứu bệnh nhân nặng

Số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã vượt hơn 100.000, nhiều BN nặng cần thở máy. TP.HCM áp dụng mô hình điều trị phân tầng, dồn tổng lực để cứu chữa BN...

 

Trước diễn biến xấu của dịch bệnh Covid-19, TP.HCM áp dụng mô hình điều trị phân tầng, dồn tổng lực để cứu chữa bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

Chuẩn bị hệ thống y tế là cấp thiết hơn bao giờ hết

Phòng điều trị bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19. (Ảnh:Hà Văn Đạo)

Dù đã kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã vượt hơn 100.000, nhiều trường hợp bệnh nhân (BN) nặng cần thở máy. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, biến chủng Delta ở đợt dịch thứ 4 này có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và gia tăng ca mắc trong thời gian rất ngắn, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhưng vẫn tăng ca mắc, do đó giải pháp mà các nước hiện đang thực hiện là quay trở lại triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp chống dịch đã thực hiện. Việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị là cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trong giai đoạn này.

“Hiện nay dịch đang ở giai đoạn tấn công. Đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thực hiện giãn cách xã hội chỉ làm phẳng hoá đường cong của lây nhiễm. Do đó, cần hết sức lưu ý tình trạng trở nặng của người bệnh diễn ra ở giai đoạn này và trong vòng một thời gian ngắn nữa sẽ có nhiều bệnh nhân (BN) nặng. Đây chính là đặc điểm dịch tễ của đợt dịch lần này” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, đồng thời yêu cầu các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch lên mức rất cao, chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu có thể xảy. Theo đó, các địa phương phải luôn luôn chuẩn bị tâm thế có thể thực hiện Chỉ thị 16 vào một thời điểm nào đó và sẵn sàng về công tác y tế, đảm bảo an sinh xã hội…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải nâng cảnh báo phòng chống dịch lên mức rất cao, chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu có thể xảy.

“Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tầng điều trị, các địa phương cần chủ động lên phương án chuẩn bị theo các tầng, đặc biệt lưu ý hệ thống hồi sức trong cơ sở điều trị ở tầng cao nhất, bởi vấn đề này đang là điểm yếu của điều trị ở nhiều tỉnh, thành. Trong chuẩn bị và thiết lập hệ thống hồi sức cần chú trọng rà soát ngay hệ thống oxy, máy thở”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Phân tầng điều trị, giảm tử vong

Ths.Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc điều trị cho BN Covid-19 được thực hiện theo hệ thống phân tầng với mục tiêu chia nhóm nguy cơ của người bệnh và những yêu cầu điều trị, can thiệp điều trị cho BN để phân bổ nguồn lực phù hợp. Theo đó hiện nay Bộ Y tế đang chia hệ thống điều trị thành 3 tầng: tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu; tầng 2 thu dung điều trị cho các trường hợp BN có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai…; tầng 3 là điều trị cho các ca diễn biến nặng cần chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn.

Với mỗi tầng như vậy sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị, như tại tầng 1 sẽ được bố trí lực lượng nhân viên, trang thiết bị phù hợp, không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu, hồi sức nặng. Ngược lại, tại tầng 3 sẽ là các trung tâm hồi sức tích cực được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, hệ thống thở oxy… cũng như đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực hồi sức tích cực để đáp ứng nhu cầu điều trị cho BN. Việc phân tầng vừa đảm bảo phân bổ nguồn lực phù hợp với nhu cầu điều trị của BN, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực điều trị.

Trong phòng điều trị bệnh nhân nặng ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. (Ảnh:Hà Văn Đạo)

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, với diễn biến dịch căng thẳng, cùng số ca mắc mới lên tới hàng nghìn người mỗi ngày, TP.HCM đã đã nâng chiến lược điều trị từ “tháp 4 tầng” lên “tháp 5 tầng” để hạn chế số ca tử vong. Và đặc biệt để đáp ứng cho kịch bản số ca F0 tại TP.HCM có thể tăng lên 100.000 người. Cụ thể, khi số F0 tăng lên 100.000 ca, tầng 1 sẽ tiếp nhận 50.000 ca, tầng 2 là 27.000 ca, tầng 3 là 10.000 ca, tầng 4 là 8.000 ca và tầng 5 là 5.000 ca. Tầng 5 là BV hồi sức Covid-19, được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các ca nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn điều trị và gần đây nhất là văn bản số 3646/QĐ-BYT về tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2. Theo đó, người bệnh được chia làm 4 mức độ: Màu xanh (mức độ nguy cơ thấp); Màu vàng (mức độ nguy cơ trung bình); Màu cam (mức độ nguy cơ cao); Màu đỏ (mức độ nguy cơ rất cao). Từ đó, nhân viên y tế sẽ dựa trên việc đánh giá mức độ nguy cơ của người bệnh để tiến hành hướng dẫn, điều phối, sau đó đưa người bệnh đến các cơ sở y tế trên địa bàn phù hợp với mức độ nguy cơ của người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vấn đề cần quan tâm nhất trong phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM tại thời điểm này là làm thế nào để cứu chữa được các trường hợp BN nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong. “Để tiếp tục cùng TP.HCM phòng chống dịch, ngoài những lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ Y tế tiếp tục điều tất cả các lãnh đạo Cục/Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, BV chuyên khoa tuyến Trung ương như BV Bạch Mai, BV Việt-Đức, BV K, BV Phổi Trung ương, BV E, BV Lão khoa, BV Hữu nghị… vào TP để cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho BN Covid-19” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Bộ Y tế giao các BV tuyến Trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TP.HCM, giám đốc các BV Trung ương sẽ làm giám đốc các BV hồi sức Covid-19 này.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc BV Bạch Mai) khảo sát khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 16.

Thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực

Ngoài BV Hồi sức Covid-19 TP.HCM quy mô 1.000 giường do BV Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại BV Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (BV này đã đi vào hoạt động và đang tập trung điều trị các BN nặng và nguy kịch), Bộ Y tế sẽ cùng với TP thiết lập thêm 3 Trung tâm Hồi sức tích cực khác để tập trung điều trị BN nặng và rất nặng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM cho rằng, TP cần thiết lập một trung tâm điều phối, hỗ trợ các Trung tâm Hồi sức tích cực để mọi hoạt động được nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị BN nặng. Bên cạnh đó, TP.HCM cần đảm bảo các công tác hậu cần cho các Trung tâm Hồi sức tích cực này.

Đoàn Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM khảo sát địa điểm đặt Trung tâm Hồi sức Covid-19 của BV Việt - Đức.

Bệnh viện Hùng Vương là một trong những BV sản phụ khoa lớn nhất TP.HCM với quy mô 1.200 giường. Trong những ngày dịch bệnh Covid-19, nơi đây được chia làm 2 khu vực, một bên phục vụ sản phụ bình thường, một bên phục vụ sản phụ đang nhiễm Covid-19 với quy mô 120 giường. Đối với sản phụ thường sẽ có một người nhà đi kèm để chăm sóc và BV triển khai xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Còn những sản phụ dương tính phải cách ly tại khu vực riêng, vì vậy các bác sĩ, điều dưỡng sẽ đóng cả vai trò của người nhà chăm sóc thai phụ.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương cho biết, BV được Sở Y tế TP.HCM phân tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19. Chỉ sau 1 tuần triển khai mô hình BV điều trị Covid-19, tất cả các giường đều kín chỗ. “Ban đầu, BV chỉ nhận trường hợp sản phụ có chỉ định can thiệp, sản phụ nhiễm Covid-19, sản phụ có thai kỳ trên 38 tuần. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp đang mang thai 19, hơn 20 tuần khi đến BV trong tình trạng suy hô hấp nên không thể không tiếp nhận”, bác sĩ Tuyết chia sẻ.

Trang thiết bị y tế hiện đại đã được Bệnh viện Bạch Mai đưa lên tàu vào Bệnh viện Dã chiến 16.

Được biết, BV Hùng Vương đang đảm nhận vai trò tiếp nhận, vận hành BV dã chiến số 16 TP.HCM. Vì vậy, một phần nhân lực và vật lực phải chi viện cho nơi khác. “Hiện tại về mặt nhân sự chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, ngoài phục vụ tại BV, một phần cán bộ y tế phải chuyển đến hỗ trợ các BV dã chiến của TP.HCM. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp xúc với BN có rất nhiều y bác sĩ bị nhiễm bệnh hoặc trở thành F1 nên áp lực về nhân sự, gồng gánh công việc cao hơn. Chính vì vậy, hiệu suất làm việc của mọi người ở thời điểm hiện tại không phải là 100% mà lên tới 200-300%”, bác sĩ Tuyết bày tỏ.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo từ Bộ Y tế về việc cử lãnh đạo của 3 BV hạng đặc biệt vào TP.HCM để thành lập 3 Trung tâm Hồi sức Covid-19, mỗi trung tâm có quy mô 500 giường, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp khẩn. Theo đó, Ban đã chỉ đạo phải tích cực phối hợp giữa các ban, ngành địa phương với Bộ Y tế và các BV tuyến Trung ương, tạo điều kiện tối đa để sớm đưa vào hoạt động các Trung tâm Hồi sức Covid-19. Đối với nhân sự hậu cần, TP.HCM đã có phương án điều động nhân lực. TP.HCM mong muốn giữa địa phương và Trung ương có sự gắn kết, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay, giúp TP.HCM nhanh chóng khống chế được dịch bệnh./.

“Thành phố rất lo lắng và mong muốn các trung tâm hồi sức sớm đi vào hoạt động, trước mắt các trung tâm có thể triển khai với khả năng tiếp nhận điều trị tối thiểu, sau đó tiếp tục nâng dần”.

 PGS.TS Tăng Chí Thượng

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận