Tiêm kết hợp và tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa Covid-19: Còn nhiều tranh cãi

Hiện nay việc tiêm kết và tiêm mũi nhắc lại vaccine ngừa Covid-19 vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

 

Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây khuyến cáo không tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa Covid-19 từ những nhà sản xuất khác nhau và gọi đây là "xu hướng nguy hiểm". Bởi hiện có rất ít dữ liệu về tác động của phương pháp này đối tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiều nơi do thiếu hụt về nguồn cung vaccine, cơ quan y tế đã chỉ định tiêm kết hợp 2 loại vaccine. Thêm vào đó, việc nên hay không nên tiêm mũi vaccine nhắc lại (mũi thứ ba) cũng là đề tài gây tranh cãi.

Ảnh minh họa: BBC

Một số quốc gia như Đức, Bahrain, Canada, Indonesia, Italia, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Đức cân nhắc hoặc đã chọn cách tiếp cận tiêm kết hợp vaccine COVID-19 của các hãng khác nhau.

Dẫn đầu xu hướng kết hợp vaccine là Thái Lan. Thay vì tiêm hai mũi Sinovac, giờ đây người dân được tiêm 1 liều vaccine AstraZeneca sau mũi tiêm Sinovac đầu tiên. Các nhân viên y tế nếu đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi Sinovac sẽ được tiêm nhắc lại lần thứ ba là một loại vaccine khác.

Giới chức Đức cũng chỉ định người được tiêm liều vaccine đầu tiên của Hãng AstraZeneca "nên tiêm liều thứ hai là vaccine mRNA, như vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, bất kể tuổi tác". Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tiêm mũi vaccine thứ hai của Moderna sau khi tiêm mũi đầu của AstraZeneca.

Việc lựa chọn tiêm kết hợp giữa các loại vaccine để ngừa Covid-19 được cho là dựa trên 1 số nghiên cứu tức thời cho rằng, sẽ tạo ra hiệu quả vượt trội so với khi tiêm hai liều vaccine cùng loại.

Kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu của Đại học Oxford được công bố mới đây cho thấy việc kết hợp vaccine Pfizer-BioNtech và AstraZeneca Covid-19 có thể làm tăng tần suất các tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình. Nhưng những triệu chứng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài không quá vài ngày, và không có trường hợp nhập viện hoặc lo ngại về an toàn khác.

Tuy nhiên WHO cho rằng không nên thực hiện kết hợp tiêm chủng giữa 2 loại vaccine. Tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của WHO cảnh báo “đây là 1 xu hướng nguy hiểm”:

“Chúng ta đang ở trong vùng trống dữ liệu và chưa có bằng chứng về tác dụng của việc tiêm trộn lẫn. Mới chỉ có dữ liệu hạn chế về việc tiêm kết hợp. Khả năng sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào và ai sẽ tiêm liều vaccine thứ hai, thứ ba hay thứ tư".

Tiến sỹ Soumya Swaminathan cho biết, hiện công tác nghiên cứu vẫn đang thực hiện nhằm làm rõ rủi ro cũng như lợi ích (có thể) của phương pháp này. Bà kêu gọi các cá nhân không nên tự quyết định về việc kết hợp vaccine hay tiêm nhắc lại. Theo bà, các cơ quan y tế công cộng ở các nước có thể đưa ra khuyến nghị dựa trên dữ liệu có sẵn.

Một vấn đề đang được tranh luận khác là liệu có nên tiêm mũi nhắc lại để tăng khả năng bảo vệ của cơ thể, nhất là trước biến thể Delta nguy hiểm hay không? Hãng Pfizer tuần trước đã lên kế hoạch đề nghị cơ quan quản lý của Mỹ cho phép tiêm liều vaccine tăng cường dựa trên bằng chứng về nguy cơ lây nhiễm cao hơn 6 tháng sau khi tiêm và tốc độ lây lan của biến thể Delta. Nhưng đề xuất này vấp phải sự nghi ngại của các chuyên gia y tế Mỹ. Các quan chức y tế Mỹ và WHO đều tuyên bố, không có bằng chứng y tế nào cho thấy cần phải tiêm mũi nhắc lại (mũi thứ ba), khẳng định phải dựa trên khoa học và dữ liệu, không dựa trên các công ty sản xuất riêng lẻ.

Thay vì cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho các quốc gia giàu có, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các công ty như Pfizer nên tặng lại số vaccine đó cho WHO để cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn, nơi vẫn đang mòn mỏi chờ vaccine, nhất là chống lại sự lây lan nhanh của biến thể nguy hiểm Delta./.

Trần Nga/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận