Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi 30 trở lên. Ghi nhận ung thư năm 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 người chết vì ung thư cổ tử cung.
Theo các chuyên gia, sở dĩ việc điều trị ung thư cổ tử cung gặp nhiều khó khăn dẫn tới nhiều người chết vì căn bệnh này là do hầu hết các chị em tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn.
Gần đây nhất là trường hợp của một phụ nữ mang Quốc tịch Nam Phi là bà Demirel S. (54 tuổi). Mặc dù bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung từ tháng 11 năm ngoái, nhưng bà không điều trị dẫn đến bệnh trở nặng.
Không chỉ bà Demirel S. mà rất nhiều chị em khác cũng vậy, dù biết mắc bệnh nhưng chủ quan, không tới viện chữa trị nên dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi
Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ cần đi khám sàng lọc, qua đó phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp điều trị khỏi bệnh.
Ngoài ra, việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cũng sẽ góp phần làm giảm chi phí, thời gian và rủi ro khi điều trị bệnh.
“Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ, làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung và tiêm phòng vắc-xin, đây là cách phòng tránh hiệu quả và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung”, vị bác sĩ Bệnh viện K nhấn mạnh.
(Theo VTC.VN)