Phòng chống Covid-19: Nỗ lực tiêm chủng an toàn, kịp tiến độ

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng: việc nỗ lực triển khai tiêm chủng an toàn, kịp tiến độ góp phần đảm bảo miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, việc nỗ lực triển khai tiêm chủng an toàn, kịp tiến độ góp phần đảm bảo miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Xin bà cho biết tiến độ triển khai tiêm chủng mở rộng (TCMR) vaccine Covid-19 ở Việt Nam?

Để đáp ứng phòng chống dịch, theo chỉ đạo của Bộ Y tế,vaccine Covid-19 được triển khai theo hình thức chiến dịch, các địa phương cần tổ chức triển khai sớm ngay sau khi được cung ứng vaccine.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Theo thống kê từ các địa phương đến hết ngày 14/6/2021, tổng cộng 3 đợt đã thực hiện 1.552.651 mũi tiêm cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Tất cả các địa phương đều đã và đang rất nỗ lực triển khai, dự kiến sẽ sớm hoàn thành đợt 3 của chiến dịch tiêm chủng này vào cuối tháng 6/2021 để tiếp tục các đợt tiêm vaccine Covid-19 tiếp theo.

Bộ Y tế được sự chỉ đạo của Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc tìm nguồn cung ứng vaccine để có thể tăng được tỷ lệ bao phủ, tuy nhiên hiện nay nguồn cung ứng còn rất hạn chế.

Nỗ lực không ngừng để có vaccine sớm nhất

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả nguồn vaccine phòng Covid-19 qua COVAX Facility tài trợ miễn phí và cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Tháng 9/2020, COVAX đã phê duyệt tài trợ38,9 triệu liềuvaccine phòng Covid-19 (năm 2021) để tiêm cho 20% dân số. Tháng 10/2020, khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng Bộ Y tế đã đàm phán ký kết với Pfizer/BioNTech cung ứng cho Việt Nam 31 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tháng 11/2020, Công ty cổ phần Việt Nam (VNVC) đã đàm phán và ký kết với AstraZeneca 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 khi vaccine này đang thử nghiệm lâm sàng. Tháng 3/2021, Bộ Y tế đã ký kết được 5 triệu liều vaccine của Moderna.

22h tối ngày 16/6, Việt Nam tiếp nhận gần 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Chinh phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng chống dịch Covid-19. Vaccien có tên là VAEVRIA Intramuscular Injection (tên khác là Covid-19 Vaccine AstraZeneca Injection), dung dịch tiêm bắp, 1 lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.

Mới đây, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liềuvaccine SputnikV trong năm 2021. Ngoài cung ứng của Nga, Mỹ, Anh Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine khác, dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Bộ Y tế vẫn tích cực đàm phán để tăng nguồn cung ứng vaccine cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Để thực hiện được chiến dịch TCMR lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, ngành y tế nói chung và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói riêng đã phải chuẩn bị và nỗ lực như thế nào, thưa bà?

Để phòng chống dịch, vaccine Covid-19 được triển khai thành chiến dịch, tuy nhiên mục tiêu an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, các điểm tiêm chủng phải thực hiện đúng quy trình từ khám sàng lọc, tư vấn hướng dẫn cho người được tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm SAR-CoV-2.Vì vậy số lượng người tiêm vaccine Covid-19/1 buổi tiêm chủng không được quá đông để đảm bảo giãn cách.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bắc Giang.

Bộ Y tế đã chỉ đạo rất sát sao và thường xuyên về vaccine Covid-19, tổ chức tiêm chủng và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Công tác tập huấn được thực hiện nhiều lần tới tất cả các tuyến để kịp thời cập nhật các thông tin về vaccine và tổ chức tiêm chủng an toàn.

Trong thời gian qua, các địa phương đã có sự chuẩn bị và nỗ lực triển khai  ngay sau khi được cung ứng vaccine. Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, huy động nguồn lực cho công tác tiêm chủng và nỗ lực của cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng và cán bộ trong lĩnh vực điều trị để tổ chức tiêm chủng an toàn và kịp tiến độ.

Được biết, do nguồn vaccine còn khan hiếm nên số lượng vaccine nhập về mới chỉ thực hiện tiêm phòng cho những đối tượng ưu tiên. Xin cho bà cho biết rõ hơn về việc điều phối này?

Hiện nay, do khó khăn về nguồn cung toàn cầu, số lượng vaccine phòng Covid-19 vẫn đang hạn chế, vì vậy số lượng vaccine phân bổ cho các địa phương phải căn cứ vào nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị Quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời cũng phải căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương để điều phối phù hợp.

Vaccine được ưu tiên sử dụng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, bao gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế, người tham gia phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); công an, quân đội... Đây là lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân, truy vết cộng đồng...

Ngoài các đối tượng kể trên thì trong thời gian vừa qua, để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo ưu tiên sử dụng vaccine để tiêm chủng cho công nhân trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Đảng, Chính phủ ra nhiều quyết sách chỉ đạo liên quan đến việc nỗ lực tìm kiếm nguồn vaccine phòng Covid-19, tăng độ bao phủ tiêm vaccine, đạt được miễn dịch cộng đồng. Xin bà cho biết lộ trình cụ thể từ nay tới cuối năm 2021 để đạt yêu cầu này?

Cho đến nay, Việt Nam mới tiếp nhận 3 đợt vaccine phòng Covid-19 chủ yếu nguồn viện trợ từ COVAX Facility. Mỗi đợt tiếp nhận vaccine, Bộ Y tế đều có quyết định phân bổ cụ thể số lượng cho các tỉnh thành trong cả nước. Các địa phương đều xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai từng đợt tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất.

Các điểm tiêm chủng phải thực hiện đúng quy trình từ khám sàng lọc, tư vấn hướng dẫn cho người được tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.

Thời gian qua, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành đã phối hợp tăng cường đàm phán với tất cả các hãng vaccine, các quốc gia có sản xuất vaccine, trao đổi với các hãng và những nhà cung ứng để có thể mua vaccine, nhập vaccine, tiếp nhận viện trợ vaccine, phấn đấu đạt mục tiêu có 150 triệu liều theo Nghị quyết 21/NQ-CP.

Trong thời gian tới, tùy theo tiến độ cung ứng của các nhà sản xuất và loại vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế sẽ có quyết định phân bổ và hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh thành phố xây dựng kế hoạch tổng thể cho toàn bộ đối tượng người dân và tổ chức triển khai khẩn trương để đảm bảo sử dụng vaccine chống dịch kịp thời, đảm bảo công bằng và bao phủ được nhiều đối tượng.

Ứng viên vaccine phòng Covid-19 trong nước

Việt Nam hiện có 4 đơn vị nghiên cứu và thử nghiệm vaccine phòng Covid-19, trong đó vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen và Học viện Quân y phối hợp sản xuất đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người. Dự kiến khoảng tháng 9/2021, hồ sơ cấp phép sẽ hoàn thành để trong trường hợp dịch bùng lên thì có thể làm cơ sở cấp phép khẩn cấp, đáp ứng phòng dịch. Vaccine Covivac của Ivac đang chuẩn bị giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng.Ivac dự kiến quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều/năm, Nanogen dự kiến khoảng 20-30 triệu liều/năm.

Song song với nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Covid-19, Công ty TNHH MTV Vaccine Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớn tiêp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam. Vabiotech đã ký thỏa thuận với Nga về việc đóng ống vaccine phòng Covid-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/năm bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Một doanh nghiệp Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 từ tinh chất mRNA (vaccine này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5mg, có khả năng bảo vệ cao). Nhà máy đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ Quý 4/2021 hoặc Quý I/2022.

Chiều tối ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đàm phán ký kết với Cuba về vấn đề cung ứng vaccine Abdala do Cuba sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất, đóng ống vaccine này tại Việt Nam. Về năng lực sản xuất vaccine Abdala, Cuba cho biết có thể sản xuất khoảng 100 triệu liều/năm và Cuba chỉ sử dụng khoảng 30 triệu liều cho thị trường trong nước.

Với việc xã hội hóa vaccine hiện nay, liệu người dân có cơ hội sớm được sử dụng dịch vụ tiêm chủngvaccine Covid-19, thưa bà?

Như tôi vừa nói, Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu có 150 triệu liềuvaccine Covid-19 theo Nghị quyết 21/NQ-CP26/2/2021. Việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bao phủ được nhiều đối tượng và đạt tỷ lệ cao thì càng hiệu quả, đảm bảo việc tiếp cận công bằng cho người dân. Bên cạnh nguồn vaccine được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, nguồn mua từ ngân sách nhà nước thì trong Nghị quyết số 21cũng đã nêu rõ khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiêm chủng tự nguyện và tự chi trả.

Đến hết ngày 14/6/2021, tổng cộng 3 đợt đã thực hiện 1.552.651 mũi tiêm phòng Covid-19 cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.

Bà có lời khuyên gì tới cộng đồng, đặc biệt với những người đang mong ngóng được tiêm vaccine Covid dịch vụ khi nguồn vaccine còn khan hiếm?

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh, thành hiện nay thì Chương trình TCMR khuyến cáo: người dân, bao gồm cả những đối tượng đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cũng vẫn phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19, đó là thực hiện thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người và khai báo y tế).

Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là biện pháp hiệu quả và bền vững để phòng chống dịch bệnh, người dân cần tích cực tham gia để Việt Nam sớm có được miễn dịch cộng đồng phòng bệnh trong tương lai gần nhất.

Xin cảm ơn bà!

Lưu Hường thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận