nguy cơ tai biến khi chuyển dạ

Một số nguy cơ tai biến có thể xảy ra với thai phụ khi chuyển dạ là băng huyết, sản giật, vỡ tử cung...

Tai biến khi chuyển dạ đến rất nhanh

Các chuyên gia sản khoa cho rằng, hiện nay, dù khoa học kỹ thuật phát triển, trình độ chuyên môn của bác sĩ cũng như cập nhật thông tin của các mẹ bầu được nâng cao, giúp thai phụ có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc thai kỳ tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, câu nói của các cụ: “gái chửa, cửa mả” cho thấy những nguy hiểm thường trực trong quá trình vượt cạn mà ngay cả ở các cơ sở y tế có chuyên khoa sản cũng có thể xảy ra.

Theo Ths.BS Nguyễn Hùng Sơn, Trưởng khoa Đẻ dịch vụ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ở nước ta có khoảng 800 bà mẹ tử vong do tai biến thai sản. Do điều kiện y tế ở nông thôn còn hạn chế nên sản phụ ở nông thôn bị vỡ tử cung cao gấp 3 lần ở thành thị. Trong đó, tai biến thường gặp trong sản khoa là băng huyết (chiếm 10% ca đẻ thường). Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu gặp ở thai phụ lớn tuổi, đẻ nhiều lần, đa thai và cấp cứu băng huyết ở cơ sở y tế sản khoa chưa được tốt.

(chèn file ảnh/tai bien 1/ Chú thích ảnh: Nên khám thai định kỳ để phòng tránh tai biến sản khoa. (ẢNH: L.H)

Những nơi không có đủ phương tiện cấp cứu, cũng như bác sĩ không có kinh nghiệm thì việc xử lý các tình huống nguy cấp trong ca sinh sẽ càng khó khăn. Ths.Bs Vũ Ngân Hà, Khoa Phụ ngoại, BV Phụ sản T.Ư cho biết, tai biến trong chuyển dạ như băng huyết, sản giật, chấn thương đường sinh dục, đờ tử cung, vỡ tử cung… có thể đến bất thình lình, thậm chí có những ca đến viện đã ở tình trạng nặng. “Đối với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các trường hợp băng huyết, chúng tôi phải huy động cả BV cấp cứu. Vì nếu không nhanh, chỉ chậm 10-15 phút sẽ không thể cứu được”, bác sĩ Hà lưu ý.

Khám sức khỏe thai kỳ để phòng tránh nguy cơ

Các chuyên gia sản khoa cũng cảnh báo, sản phụ nào cũng có thể gặp các biến chứng xảy ra khi chuyển dạ không thuận lợi. Đặc biệt, với trường hợp bác sĩ dự báo trước được nguy cơ trong khi siêu âm như thai nhi quá to, vòng đầu to bất thường. Có trường hợp phát hiện được dị tật liên quan đến tiết niệu, tiêu hóa... Nhưng có trường hợp nằm trong tình trạng giáp ranh - tức là nếu cố đẻ thường hoặc phoóc-xép có thể sang chấn tầng sinh môn, rách cơ vòng hậu môn, liệt bàng quang sau đẻ, tổn thương đường sinh dục hoặc vỡ tử cung, nhiễm khuẩn hậu sản…

“Ngay ở cơ sở y tế sản khoa, cũng có nguy cơ tai biến sản khoa cao hơn khi sản phụ còn quá trẻ, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, hoặc những thai phụ có tiền sử bệnh lý bệnh tim mạch, thận, bệnh về rối loạn đông máu, huyết áp cao phát hiện rau tiền đạo trung tâm trong quá trình thai nghén... Do vậy, để phòng ngừa tốt, thai phụ cần khám và tư vấn để quản lý thai kỳ tốt”, bác sĩ Hà lưu ý.

Hiện nay, trên thực tế vẫn còn bà mẹ chưa chú ý đúng mức tới sức khỏe sinh sản. Có người tới lúc đi đăng ký sinh vẫn chưa từng đi khám bác sĩ chuyên khoa để được phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cho cả mẹ và con, mà chỉ làm siêu âm xem các chỉ số của con. Với trường hợp sản phụ bị nhiễm độc thai nghén và sản giật, nếu không phát hiện trước để điều trị sẽ gây nguy hiểm cho mẹ lúc chuyển dạ.

Việc khám thai định kỳ không những giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé mà còn có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tẩm bổ không đúng cách là một phần nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ - có thể dẫn tới tai biến trong quá trình sinh nở./.

"Tai biến khi chuyển dạ có thể xuất hiện ở bất cứ người nào, trong lần sinh con đầu hay con thứ và không thể chẩn đoán hay dự phòng. Việc khám thai để theo dõi sức khỏe cho cả mẹ và bé trong quá trình thai kỳ là biện pháp tốt nhất hạn chế tai biến sản khoa”, Ths.Bs Vũ Ngân Hà.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận