Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu biến chứng nguy hiểm
Tay chân miệng (TCM) là bệnh lưu hành quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh thành. Số mắc thường gia tăng vào khoảng từ tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10 hằng năm. Thống kê của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 17.500 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 4 trường hợp tử vong (tại Kiên Giang, An Giang và Long An). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như đầu mùa dịch TCM năm 2020, số ca ghi nhận khoảng 19-20 ca, thì năm nay, con số này đang là 125 ca (tăng gấp 6 lần). Mặc dù không có trường hợp biến chứng nặng, nhưng các bác sĩ lưu ý năm nay các bé mắc TCM phần lớn không có dấu hiệu rõ ràng nên cha mẹ rất khó nhận biết.
Cháu Dương (8 tháng ở Hà Nam) bị sốt cao liên tục và có nốt loét ở miệng nhưng chị D (mẹ cháu) cứ nghĩ con bị nhiệt miệng chứ không hề nghĩ con mắc lại bệnh TCM. “Lần trước cháu bị TCM có nổi ban ở tay và chân nhưng lần này cháu chỉ sốt cao liên tục. Khi tôi đưa con đến BV Phủ Lý khám thì các bác sĩ bảo con bị TCM thể nặng và cho chuyển thẳng đến BV Nhi Trung ương. Sau 5 ngày điều trị, bác sĩ bảo bé cắt sốt có thể xuất viện nhưng khi về phải theo dõi sát sao vì trong vòng 10 ngày mắc bệnh nếu không có biểu hiện gì khác thường thì mới được cho là ổn. Nếu trẻ không chơi, tay chân run, giật mình, không đứng vững… là biểu hiện sớm của viêm não tủy sau khi mắc TCM thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Mặc khác, trẻ sau khi mắc TCM sức đề kháng sẽ suy giảm, rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm khác nên cha mẹ không được chủ quan”, chị D cho hay.
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những dấu hiệu ban đầu của bệnh TCM là trẻ thường sốt nhẹ hoặc sốt cao (sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng) và xuất hiện những tổn thương ở da bao gồm: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… Bên cạnh đó là đau họng, đau miệng, chảy nước bọt, lười ăn hơn, rối loạn tiêu hóa. Với trẻ nhỏ thường đau, quấy khóc và bú kém.
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc tại nhà cũng như việc phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. “Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: Sốt trên 38,5 độ, kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; quấy khóc liên tục; mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà; giật mình; thở bất thường; ngồi không vững, đi loạng choạng; rối loạn ý thức, tiểu ít… thì đây là dấu hiệu của tình trạng nặng hoặc biến chứng của bệnh và cha mẹ cần đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu để chậm từ 1-2 ngày, bệnh có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, co giật, mạch nhanh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Việc phát hiện sớm dấu hiệu nặng để có biện pháp can thiệp kịp thời rất quan trọng bởi trẻ dù có biến chứng nặng nhưng nếu được điều trị sớm cũng có thể cứu được và không có di chứng nặng nề nào cho sự phát triển về sau”, TS Thiện Hải nhấn mạnh.
“Từ năm 2019-2020 bệnh TCM đã xuất hiện tình trạng biến chứng lên não, tủy trong đó có một tỷ lệ viêm não diễn biến nặng. Đây chính là nguy cơ dễ dẫn đến tử vong. Tất cả ca mắc TCM đều có thể biến chứng viêm não tủy và thường xảy ra vào ngày thứ 3-5 sau khi mắc TCM. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát sao kể cả khi trẻ đã đỡ sốt. Việc nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh đúng cách là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong”.
TS.BS Đỗ Thiện Hải
|
Lưu ý chăm sóc trẻ mắc TCM
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, bệnh TCM có thể do nhiều loại virus gây nên và chủ yếu lây theo đường hô hấp và tiêu hoá, từ người sang người nên các yếu tố thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ ở trường không đảm bảo khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, có thể gây thành dịch lớn.
Do tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau đớn, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Do vậy cha mẹ cần cho trẻ dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad… Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa… Đặc biệt, vệ sinh da cho trẻ để tránh bội nhiễm vi khuẩn như: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm”, TS Thiện Hải lưu ý.
Mặc dù hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh TCM ở trẻ nhưng việc chữa trị các triệu chứng và chế độ chăm sóc tốt sẽ giúp cải thiện sớm bệnh. Cha mẹ nên chăm sóc tốt cho trẻ tại nhà bằng cách vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ mắc bệnh và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng cường sức để kháng bởi sau khi mắc TCM, hệ thống miễn dịch của trẻ bị giảm, rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Do vậy, việc phòng bệnh trong cộng đồng, tránh lây lan rất quan trọng bằng cách thực hiện tốt việc ăn uống chín; đảm bảo vệ sinh tốt những vật dụng ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. “Dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu thói quen vệ sinh cho trẻ ở nhà, ở lớp học hoặc khi vào viện thăm hoặc chăm sóc bệnh nhân không được tốt, thì nguy cơ lây chéo sẽ tăng nhanh. TCM lây truyền qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc, qua giọt bắn khi nói chuyện/hắt hơi… vì thế không nên vào thăm vì có thể mang mầm bệnh ra cộng đồng. Những người chăm sóc, trước khi rời cơ sở điều trị nên vệ sinh tay chân sạch sẽ, đặc biệt khi con em mắc TCM nên thông báo tới nơi trẻ đang học để biết cách vệ sinh phòng bệnh cho trường lớp”, bác sĩ Thiện Hải lưu ý./.
Lưu Hường