Cảnh báo nguyên nhân dẫn đến suy thận mãn ở trẻ

Nếu trẻ suy thận cấp không được điều trị triệt để, bỏ dở việc điều trị, dùng thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc… dễ dẫn đến suy thận mãn tính.

 

Trẻ bị suy thận cấp có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và tuân thủ đúng quy trình. Nhưng nếu trẻ bỏ điều trị, chuyển sang dùng thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc… sẽ có nguy cơ dẫn đến suy thận mãn.

Nguyên nhân dẫn đến suy thận

Suy thận cấp là tình trạng suy giảm chức năng thận đột ngột và nhanh chóng. Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp bao gồm: ngạt nặng sau đẻ, nhiễm trùng huyết, một số bệnh lý cầu thận như viêm cầu thận cấp, viêm thận lupus, hoặc một số bất thường đường tiết niệu. Suy thận cấp diễn ra trong thời gian ngắn, có thể hồi phục và trở lại bình thường nếu điều trị  đúng và kịp thời. Tuy nhiên, nếu trẻ không được điều trị triệt để, hoặc bỏ dở việc điều trị, dùng thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc… khiến chức năng của thận suy giảm dần, dẫn đến suy thận mãn tính.

Tại Khoa thận và lọc máu, BV Nhi TƯ đang điều trị cho hơn 60 trẻ bị suy thận mãn giai đoạn cuối, trong đó có 15 trẻ phải chạy thận nhân tạo. Tất cả đều đang chờ để được ghép thận.Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng Khoa thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ suy thận cấp và mãn ở trẻ cũng như người lớn trong cộng đồng hiện chưa có con số cụ thể, nhưng tại đây đang theo dõi và điều trị cho hơn 60 trẻ bị suy thận mãn giai đoạn cuối, trong đó có 15 trẻ phải chạy thận nhân tạo còn lại là lọc màng bụng. Tất cả đều đang chờ để được ghép thận. Tuy nhiên nguồn cho thận còn rất khan hiếm đặc biệt từ người cho chết não.

“Suy thận cấp nếu kéo dài trong 3 tháng không hồi phục thì sẽ dẫn đến suy thận mãn. Nguyên nhân suy thận mãn thường gặp là những bất thường về đường tiết niệu ở trẻ như trẻ sinh ra đã có thiểu sản thận 2 bên, thận đa nang, van niệu đạo sau, bàng quang thần kinh... Ngoài ra, chúng tôi còn gặp những trường hợp suy thận mãn là những bệnh nhi có bệnh lý cầu thận như hội chứng thận hư, viêm thận lupus - bỏ điều trị, chuyển sang dùng thuốc nam thuốc bắc không rõ nguồn gốc… đến khi quay trở lại thì bệnh tiến triển nặng lên, kèm suy thận”, bác sĩ Nguyễn Thu Hương nêu ví dụ.

Điển hình là trường hợp cháu L.V.T (13 tuổi ở Bắc Ninh). Cách đây 2 năm, thấy T bị đau bụng, buồn nôn, gia đình đưa con đi khám ở BV huyện. Khi các bác sĩ kết luận con bị viêm cầu thận cấp, cho chuyển lên tuyến trung ương, gia đình rất lo lắng. Sau khi điều trị ở Bệnh viện Nhi TƯ, cháu T về nhà đi học bình thường, và không quay lại tái khám. Sau đó, thấy T bị đau bụng, gia đình đã mua thuốc nam về cho cháu uống. Khi bệnh trở nặng, gia đình đưa T lên BV Nhi Trung ương khám thì cháu đã bị suy thận mãn. Giờ T phải lọc máu định kỳ 3-4 lần/tuần. Nhìn bé trai gầy guộc, xanh rớt, nói không ra hơi dù vừa chạy thận xong mà ai cũng xót xa. “Bây giờ, mỗi lần chạy thận xong cháu thấy mệt lắm, không đủ sức làm việc gì. Cháu mong ước nhanh khỏi bệnh để được cắp sách tới trường”, T thều thào nói.

Bệnh nhi P.N.D (6 tuổi, ở Sơn La) phải thẩm phân phúc mạc điều trị suy thận giai đoạn cuối tại Khoa thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi TƯ 2 năm nay. Chị L (mẹ cháu D) cho biết, cháu D sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Khi cháu 3 tuổi, thấy con phù mặt gia đình cứ nghĩ con mình bụ bẫm. Đến khi thấy mắt con sưng nề, bụng to cảm giác như tăng vài cân, gia đình cho con đi BV khám thì các bác sĩ kết luận con bị hội chứng thận hư tiên phát, và viết giấy chuyển thẳng lên tuyến trung ương.

Sau khi xuất viện, gia đình nghe lời mách bảo của hàng xóm, đi cắt thuốc không rõ nguồn gốc về cho con uống cho mát gan, mát thận. Sau 1 năm, thấy con đau bụng nhiều, gia đình đưa con lên BV Nhi TƯ khám thì bệnh đã chuyển sang mãn tính. Do bệnh của cháu D kháng các loại thuốc, nên mỗi đợt điều trị phải kéo dài từ 1-2 tháng. Nhìn con ngày một héo hon, chị L không khỏi xót xa, day dứt. “Con tôi bị hội chứng thận hư từ nhỏ nhưng gia đình không biết để cho con điều trị dứt điểm, mà lại theo bài thuốc dân gian. Giờ nhìn bệnh con ngày càng trở nặng, phải chờ nguồn thận để ghép, tôi ân hận lắm”, chị L chia sẻ.

Tuân thủ việc điều trị

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi nói trên, TS.BS Nguyễn Thu Hương cho biết, với những trường hợp bị suy thận mãn giai đoạn cuối thận đã mất hết chức năng thì phải chạy thận, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận. Ghép thận giúp trẻ sớm trở lại cuộc sống bình thường nhưng hiện nay nguồn tạng khan hiếm. Còn thẩm phân phúc mạc và chạy thận nhân tạo chỉ giúp kéo dài cuộc sống trẻ nhưng sẽ gặp rủi ro, thậm chí là tử vong do các biến chứng về tim mạch.

TS.BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng Khoa thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.

“Có 3 phương pháp điều trị suy thận mãn giai đoạn cuối là: chạy thận, thẩm phân phúc mạc, ghép thận. Chạy thận và thẩm phân phúc mạc chỉ giúp lọc các chất độc trong cơ thể, duy trì sự sống nhưng chất lượng sống sẽ không được như bình thường, và nguy cơ cao thường gặp là vấn đề  biến chứng tim mạch. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ chạy thận và thẩm phân phúc mạc”.

TS.BS Nguyễn Thu Hương

Ngoài ra thận còn chức năng kích thích tủy xương tạo hồng cầu thì phương pháp thẩm phân phúc mạc hoặc chạy thận nhân tạo không làm được việc ấy. Bệnh nhi vẫn phải bổ sung bằng một chất kích thích tủy xương tạo hồng cầu. Mặt khác theo TS.BS Nguyễn Thu Hương, trẻ chạy thận nhân tạo thường có chế độ ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt như hạn chế nước hoa quả có nhiều kali như chuối, cam, dưa hấu... hoặc đồ ăn có nhiều đạm. Vì vậy, những trẻ này thường chậm phát triển về thể chất, còi cọc. Việc phải chạy thận định kỳ còn ảnh hưởng đến học hành của trẻ và công việc của cha mẹ do trẻ và bố mẹ thường xuyên phải nghỉ việc và nghỉ học để tới bệnh viện để chạy thận nhân tạo.

Để đề phòng trẻ từ suy thận cấp chuyển sang suy thận mãn, cha mẹ cần tuân thủ theo đúng lộ trình điều trị của bác sĩ, không bỏ thuốc, không sử dụng thuốc nam hay thuốc bắc. Nếu BN có những bất thường về đường tiết niệu được phát hiện từ khi mẹ mang thai thì phải cho trẻ khám ngay sau sinh để được theo dõi điều trị sớm./.

Lưu Hường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận