Lo ngại trước biến chủng corona virus

Các nhà khoa học cho rằng, tất cả những đột biến của virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng khả năng virus chống lại kháng thể và tăng khả năng lây nhiễm.

 

Một chủng biến thể đột biến kép của virus SARS-CoV-2 được phát hiện gần đây với khả năng chống lại kháng thể về tăng tốc độ lây nhiễm đang khiến các nhà khoa học lo ngại.

Tốc độ lây lan biến chủng corona virus

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học làm việc tại châu Phi phát hiện ra một chủng virus SARS-CoV-2 mới với 34 đột biến trên những du khách tại sân bay ở Angola. Đây là số lượng đột biến nhiều nhất từ trước đến nay. Theo các chuyên gia, những biến thể này được phát hiện từ những du khách đến từ Tanzania. Các nhà khoa học cho rằng, tất cả những đột biến này có thể làm tăng khả năng virus chống lại kháng thể và tăng khả năng lây nhiễm.

Biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện ở Hải Dương, khiến số ca mắc tăng nhanh.Trước đó, (ngày 24/3), Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này đã phát hiện một biến thể đột biến kép của virus SARS-CoV-2 tại bang Maharashtra - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 tại nước này. Kết quả giải trình tự bộ gene và phân tích các mẫu từ bang Maharashtra cho thấy, các đột biến trong virus không trùng khớp với các biến thể phát hiện trước đó ở Anh, Brazil và Nam Phi. Tiến sĩ, nhà virus học Shahid Jameel, Giám đốc Điều hành của Liên minh Hoan nghênh niềm tin Ấn Độ phân tích, đây là 2 đột biến kết hợp với nhau trong virus, nhưng có quá nhiều thứ đang được tạo ra. Ví dụ, trong biến thể mới ở Anh, có 23 dạng đột biến nảy sinh…

Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định số ca nhiễm biến thể mới này chưa đủ để xác định liệu biến thể này có phải nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới hằng ngày tại Ấn Độ gia tăng trở lại trong thời gian gần đây, khiến nước này trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới (sau Mỹ). Ngày 13/4, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp dụng quy trình phê duyệt nhanh giấy phép sử dụng với các loại vaccine Covid-19 do nước ngoài sản xuất. Thay đổi mới nhất này nhằm giúp Ấn Độ huy động tối đa vaccine đối phó với đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19 đang diễn ra trong nước.

Trước sự xuất hiện biến chủng mới này, TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Theo ghi nhận từ cơ quan y tế Ấn Độ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự biến chủng mới của SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có gene đột biến giống với biến chủng virus xuất hiện ở Nam Phi và Anh trước đây. Đây là 2 tuýp virus có khả năng lây lan nhanh hơn so với SARS-CoV-2 ban đầu. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, biến chủng ở Anh và Nam Phi có tỷ lệ lây lan cao hơn so với biến chủng ban đầu 70% và thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn. “Điều hết sức quan ngại về sự lan nhanh của biến chủng mới, và thực tế đã chứng minh trong những ngày gần đây khi ca nhiễm mới ở Ấn Độ đang có xu hướng tăng nhanh chỉ sau một thời gian ngắn”, bác sĩ Điền nhấn mạnh.

TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: KT)

“Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, nếu biến chủng corona virus nào lây lan nhanh, đủ mạnh thì nó sẽ tồn tại. Còn biến chủng nào không có khả năng lây lan sẽ bị tiêu diệt và không tồn tại được. Để phòng tránh tốt nhất với SARS-CoV-2 trong bối cảnh biến chủng không ngừng, chúng ta thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế”.

TS.BS Vũ Minh Điền

Tuân thủ thông điệp 5K

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt khi Việt Nam sắp chuẩn bị mở cửa để đón các công dân cũng như các doanh nhân ở thế giới về Việt Nam làm ăn thì đây là mối quan ngại. Chúng ta phải cảnh giác hơn bởi nguy cơ thâm nhập từ những ca bệnh mang chủng virus có khả năng lây lan nhanh như Ấn Độ, Anh và Nam Phi…

 “SARS-CoV-2 là virus chủ yếu gây viêm đường hô hấp. Cũng giống như virus gây tổn thương đường hô hấp khác thì virus SARS-CoV-2 luôn có biến đổi sau mỗi chu kỳ nhân lên. Theo ước tính virus nhân lên khoảng 105 - 106 chu kỳ thì có thể xuất hiện gene đột biến mới và theo quy luật chọn lọc tự nhiên thì những biến chủng nào có khả năng lây lan nhanh, động lực mạnh thì nó sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển; còn với chủng virus không có khả năng lây lan hoặc lây thấp thì sẽ bị thanh lọc hoặc không tồn tại. Trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 chưa được bao phủ thì người dân không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác, phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Người dân cần tạo thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh, tăng cường tập luyện thể dục, khẩu phần ăn có nhiều vitamin để tăng sức đề kháng, chống lại các loại virus lây qua đường hô hấp”, TS.BS Vũ Minh Điền lưu ý.

Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết, sự biến chủng của corona virus là hết sức tự nhiên, đó cũng là bản chất của các loại virus nói chung. Trên thế giới, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh biến thể mới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đã có hàng trăm biến chủng phát hiện được trên thế giới. Ở Việt Nam từ 2019 đến nay chúng ta đã phát hiện có 6 chủng virus gây dịch Covid-19. Tuy nhiên đến nay về cơ bản chúng ta đã khống chế được thành công tất cả các đợt bùng phát dịch.

Với bất kỳ chủng virus nào, nguy cơ dịch bệnh lan tràn vào Việt Nam sẽ gây thiệt hại rất nặng nề. Chúng ta cần tiếp tục tăng cường các giải pháp chống dịch hiệu quả thời gian qua để ngăn chặn, dập dịch không để lây lan ra cộng đồng. Chúng ta cần sức mạnh tổng lực toàn dân để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cửa ngõ các vùng biên, đường mòn, lối mở…./.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận