Việc triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh và xã hội.
Giảm tình trạng bỏ điều trị bằng Methadone
Nghiện ma túy nói chung và nghiện các chất dạng thuốc phiện (CCDTP) nói riêng hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện trên 90%. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tại Việt Nam, điều trị nghiện CCDTP bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tính đến nay cả nước có hơn 52.000 người bệnh (NB) đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh/thành phố. “Hiệu quả của điều trị bằng thuốc Methadone đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu và kết quả triển khai tại nhiều nước trên thế giới, cải thiện cả về sức khỏe (giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực), cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế của gia đình, phục hồi về thể chất và tinh thần. Điều trị Methadone cũng đã giúp nhiều người bệnh có cuộc sống ổn định hơn, kiếm được công ăn việc làm”, ông Long nhấn mạnh.
Dù đã có nhiều giải pháp để mở rộng và tăng số người tiếp cận chương trình điều trị nghiện CCDTP bằng Methadone, nhưng qua hơn 10 năm triển khai chương trình điều trị Methadone cho thấy, tỷ lệ bỏ điều trị chiếm trên 50%, tập trung ở các tỉnh miền núi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ điều trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Ngoài ra, một số người bỏ điều trị do đặc thù công việc nên không có thời gian đi uống thuốc hằng ngày trong giờ hành chính; một số người do phải đi công tác, du lịch hoặc có việc đột xuất…
Để giảm tình trạng bỏ điều trị do hằng ngày phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt “Hướng dẫn triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện CCDTP”. Theo đó, NB phải có đơn tự nguyện xin được cấp thuốc Methadone nhiều ngày; cam kết sử dụng thuốc đúng mục đích; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sử dụng thuốc sai mục đích hoặc để xảy ra bất cứ ảnh hưởng xấu nào; Đồng thời, phía y tế phải đảm bảo an toàn, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, an ninh trật tự của bản thân NB hoặc người khác.
Cụ thể: Số liều thuốc Methadone được mang về phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của từng NB sau khi theo dõi và đánh giá hằng tháng; và theo nguyên tắc tăng dần nếu NB tuân thủ tốt, giảm dần hoặc chấm dứt cho NB mang thuốc về nếu NB không tuân thủ tốt. Số liều tối đa cho NB mang về mỗi lần trong giai đoạn thí điểm không quá 6 liều (không tính 1 liều uống tại cơ sở y tế khi đến lĩnh thuốc).
Căn cứ Quyết định số 5074/QĐ-BYT ngày 04/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện CCDTP, hoạt động cấp thuốc Methadone nhiều ngày được thí điểm triển khai tại 3 địa phương: Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng trong vòng 2 năm 2021-2022. Ngày 5/4 vừa qua, cả 3 địa phương đồng loạt tổ chức khai trương sự kiện này.
Lai Châu, Điện Biên được lựa chọn thí điểm đầu tiên vì là tỉnh miền núi phía Bắc, địa bàn rộng và đi lại khó khăn, nhiều NB phải đi hàng chục ki-lô-mét mới đến cơ sở điều trị để uống thuốc hằng ngày. Hải Phòng cũng là TP có nhiều người nghiện sống ở các huyện đồng bằng và ven biển. Đây cũng là 3 địa phương rất tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt trong việc triển khai điều trị Methadone trong những năm qua.
“Việc cấp thuốc Methadone cho NB mang về sử dụng còn được coi là phần thưởng cho BN tuân thủ tốt việc điều trị và giúp những NB khác phấn đấu thay đổi hành vi tích cực và tuân thủ điều trị như là một trong các điều kiện để được mang thuốc Methadone về sử dụng”.
Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)
|
Là một trong những NB đầu tiên được nhận thuốc về nhà, ông Trần Trường Giang (Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu) khẳng định: “Thuốc Methadone là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất đối với người nghiện CCDTP. Khi nhận những liều thuốc đầu tiên, tôi không biết nói gì để tỏ lòng biết ơn tới chương trình. Qua đây, tôi cũng cam kết sẽ tuân thủ tốt và không vi phạm các quy định của chương trình, đồng thời sẽ tuyên truyền để NB khác tích cực tham gia điều trị và tuân thủ điều trị để được xét duyệt là người đủ tiêu chuẩn quy định được mang thuốc về nhà sử dụng”.
Ai được cấp thuốc nhiều ngày?
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc, Myanma, Singapore, Malaysia, Indonesia...) và trên thế giới (Mỹ, Australia, NewZeland...) đã và đang triển khai cấp phát thuốc Methadone cho NB mang về. Dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, khi cho NB mang thuốc Methadone về cũng có thể sẽ gặp những rủi ro và cần phải có ngay biện pháp để giảm thiểu. Có thể kể đến các rủi ro như: Trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc (nhất là trẻ em có thể dẫn đến tử vong); Mua, bán, trao đổi, đánh cắp Methadone; Tích trữ và cố tình dùng quá liều hoặc không đúng liều cho bản thân NB (có thể gây ngộ độc cho NB hoặc không đạt được mục đích điều trị); Sử dụng thuốc Methadone để tiêm (nhằm tạo ra sự phê sướng...).
Do vậy, người có đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây sẽ được cân nhắc cho mang thuốc về sử dụng: Đã đạt liều điều trị duy trì từ 2 tháng trở lên; Không phát hiện sử dụng thêm CCDTP hoặc các loại ma túy khác trong 2 tháng gần đây; Không bỏ liều điều trị Methadone nào trong 2 tháng gần đây mà không có xin phép hoặc báo cáo với cơ sở điều trị; Không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị Methadone, không phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác trong 12 tháng gần đây. NB sẽ không được cấp phát thuốc về nếu: Trong quá trình điều trị nghiện CCDTP bằng thuốc Methadone đã từng xảy ra ngộ độc do quá liều với bất cứ chất gây nghiện nào; NB hiện có các rối loạn tâm thần chưa điều trị hoặc đang điều trị mà chưa ổn định; Bản thân NB không có nơi bảo quản thuốc an toàn (như hòm/tủ có khóa…).
Ông Nguyễn Hoàng Long cũng lưu ý: Những người nghiện CCDTP hãy tin tưởng, phấn đấu để đủ điều kiện tham gia chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Với những người đã được tham gia chương trình cấp thuốc nhiều ngày, cần tiếp tục tuân thủ điều trị và tuân thủ các quy định của ngành y tế để tham gia chương trình lâu dài vì cho đến nay Methadone vẫn được các Tổ chức quốc tế coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị cho người nghiện CCDTP./.
Lưu Hường