Quyết liệt ứng phó với biến chủng corona virus

Dù corona virus cũ hay biến chủng mới thì những biện pháp phòng chống dịch 5K của Bộ y tế khuyến cáo vẫn là rất quan trọng, hữu hiệu và cần thiết.

 

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia. Đáng lo ngại khi vaccine phòng bệnh chưa được tiếp cận rộng rãi đã xuất hiện làn sóng bùng phát các chủng mới của virus gây bệnh này.

Lo ngại tốc độ lây lan của biến chủng mới

Làn sóng bùng phát dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khi xuất hiện các chủng mới của corona virus có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn tới 70% so với chủng hiện tại. Ngoài Việt Nam thì nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng đã ghi nhận các ca nhiễm mới.

Vào ngày 14/12/2020, các nhà chức trách y tế ở Anh đã ghi nhận một biến thể mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là SARS-CoV-2 VOC 202012/01. Hôm 24/12, Singapore ghi nhận sự xuất hiện của chủng virus B.1.1.7 (còn có tên VUI-202012/01)… Hiện không rõ biến chủng mới này có nguồn gốc từ đâu nhưng những nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó có khả năng lây nhiễm cao hơn. Tính tới nay, biến chủng VOC-202012/01 đã được ghi nhận ở khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện có hơn 70 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyên bay đến, đi từ Anh và các quốc gia ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Với các bệnh viện, cần phát huy mô hình bệnh viện an toàn để phòng tránh dịch.

Tại cuộc họp gần đây, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, theo WHO, biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhanh song chưa tăng độc lực và chưa ảnh hưởng tới mức độ nặng nhẹ của người bệnh. WHO cho rằng, cần cảnh giác với biến chủng virus ở Nam Phi được phát hiện ngày 18/12/2020 có tên 501Y.V2 bởi chủng này có dấu hiệu lây lan nhanh hơn biến chủng xuất hiện tại Anh và chủng virus này đang tiếp tục được nghiên cứu. Khi nghiên cứu và phát triển vaccine, các nhà nghiên cứu cũng chọn đoạn gene ít bị ảnh hưởng tới vaccine nhất. Tuy nhiên, điều này cũng không thể lường trước, bởi như cúm, hằng năm đều phải điều chế vaccine khác nhau cho những biến thể khác nhau. “Dù với virus cũ hay biến chủng virus thì chúng ta cứ ngăn chặn được, phát hiện sớm và cách ly triệt để thì virus không có trong cộng đồng và không thể lây lan được”, PGS Phu nhấn mạnh.

Ngày 10/1 vừa qua, Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản (NIID) đã phát hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có một số đột biến giống với các biến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn được phát hiện gần đây ở Anh và Nam Phi. Các chuyên gia y tế công cộng cũng rất lo ngại khi bối cảnh các nước đang chật vật trong việc kiểm soát các biến chủng dễ lây nhiễm xuất hiện ở Anh và Nam Phi…

Ngày 5/1, Thường trực Ban Bí thư có điện chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch Covid-19; yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt với biến chủng mới xuất hiện tại nhiều nước có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn. Dù đã có nhiều nước công bố vaccine Covid-19, song hiệu quả còn ở phía trước, vì thế vẫn cần tiếp tục tuân thủ triệt để các giải pháp phòng, chống dịch.

Dù Vabiotech đã có vaccine Covid-19 “made in vietnam”, song hiệu quả còn ở phía trước, vì thế vẫn cần tiếp tục tuân thủ triệt để các giải pháp phòng, chống dịch.Vaccine không thể thay thế các biện pháp dự phòng

Theo GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam, việc liên tục xuất hiện các biến chủng là điều chúng ta hết sức quan ngại. Dù chúng ta đã có kinh nghiệm rất tốt về phòng, chống Covid-19, nhưng để đánh giá về mức độ nguy hiểm, hậu quả gây tử vong của các chủng mới xuất hiện trong vòng 2 tuần vừa qua so với SARS-CoV-2 hay không thì phải cần có thêm thời gian. Nhưng dù chủng nào thì cũng phải đề phòng nghiêm túc, cũng không nên quá hoang mang và không được chủ quan. “Sự biến chủng của virus là hết sức tự nhiên, bởi đó là bản chất của các loại virus nói chung. Trên thế giới, SARS-CoV-2 liên tục sản sinh biến thể mới kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đã có hàng trăm chủng trên thế giới. Ở Việt Nam từ 2019 đến nay đã phát hiện chủ yếu là 6 chủng. Cần nhớ, để tránh nguy cơ lây lan cộng đồng, thì Vaccine là một biện pháp tốt, nhưng cần phải có thời gian (để có đủ vaccines tiêm trên diện rộng, để có đủ thời gian sinh ra miễn dịch); Và những biện pháp 5K của Bộ y tế khuyến cáo vẫn là rất quan trọng, hữu hiệu và cần thiết. Đặc biệt là các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hợp lý, khai báo y tế, sát khuẩn tay; rồi nếu có dịch thì truy vết, xét nghiệm, cách ly và phong tỏa khi cần thiết. Nhân dân cần hết sức nghiêm túc thực hiện!”, GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

“Dù là biến chủng nào, chúng ta cũng cần thái độ phòng chống không khác gì SARS-CoV-2. Vì thứ nhất, mùa đông giá rét là điều kiện tốt cho các virus đường hô hấp lây lan nhanh hơn; Thứ hai, Tết Nguyên đán sắp tới, người dân xa xứ với nguyện vọng trở về rất nhiều. Việc dịch chuyển là nguy cơ cao lây bệnh; Thứ ba, nguy cơ lây bệnh từ việc tụ tập đông người…”, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí.

Theo GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, các cảnh báo ban đầu về biến thể virus này có khả năng gây đột biến, trở thành những biến thể khác nhau, gây ra  những thiệt hại nặng nề. Nhưng về cơ bản chúng ta phải khống chế được nó chứ không phải nó là biến thể này, biến thể khác - đó là sự tổng hòa của các can thiệp mang tính tổng lực, phát huy những bài học chống dịch đã thành công để thành công hơn nữa.

“Với bất kỳ chủng virus nào, nguy cơ dịch bệnh lan tràn vào Việt Nam sẽ gây thiệt hại rất nặng nề. Chúng ta cần tiếp tục  tăng cường các giải pháp chống dịch hiệu quả thời gian qua để ngăn chặn, dập dịch không để lây lan ra cộng đồng. Chúng ta cần sức mạnh tổng lực toàn dân để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cửa ngõ các vùng biên, đường mòn, lối mở…”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. “Dù có biến thể hay là con virus cũ, về mặt khoa học, nếu lan tràn vào nước ta cũng sẽ gây tác hại nặng nề, vì thế sẽ không làm thay đổi chiến lược kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, và việc đầu tiên là không để cho nó xâm nhập và lan rộng ở nước ta. Trong điều kiện bình thường mới như hiện nay, về phía cộng đồng, thì việc chú trọng hàng đầu vẫn là thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Với các bệnh viện, không phải chỉ mỗi xét nghiệm nhanh bằng công nghệ Gene Xpert mà cần phát huy mô hình bệnh viện an toàn, tức là cần sàng lọc 3 lớp: lớp 1 từ ngoài cổng, lớp 2 tại khoa khám bệnh, lớp 3 là phòng điều trị nội trú. Bài học đắt giá khi các nước không tuân thủ đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, hay bài học từ vụ dịch xảy ra ở Đà Nẵng vừa qua; nếu chúng ta lơ là để lọt ca bệnh và lây lan ra cộng đồng”, ông Nhung lưu ý.

Theo các chuyên gia, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra vào thời điểm này là đúng đắn và kịp thời. Bởi vì, dịch bệnh diễn biến trên thế giới vẫn rất nghiêm trọng và phức tạp ở quy mô toàn cầu, kể cả trường hợp có vaccine thì cũng cần thời gian để vaccine có thể bao phủ đạt ngưỡng an toàn. Chưa kể hiệu quả của vaccine vẫn là vấn đề cần phải theo dõi thêm.

 Tết cổ truyền đang đến gần, sự kiện trọng đại của đất nước - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp diễn ra. Dự phòng cần nâng cao vai trò chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo để người dân chú ý, tuân thủ và quan trọng là sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội để chống đại dịch./.

Lưu Hường

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận