Năm 2017, y tế dự phòng được chuyển đổi sang mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật (gọi tắt là CDC). Khi dịch Covid-19 xảy ra, họ là những người có mặt trên tuyến đầu chống dịch, góp phần đưa cuộc chiến chống Covid-19 sớm đi đến thắng lợi.
Năm 2017, y tế dự phòng được chuyển đổi sang mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật (gọi tắt là CDC).
Khi “căn bệnh lạ” bất ngờ xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, với nhiệm vụ là “người gác cổng”, cả hệ thống y tế dự phòng đồng loạt được kích hoạt. Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, tại Bộ Y tế, các cuộc họp diễn ra xuyên đêm với sự góp mặt của những chuyên gia y tế hàng đầu.
Trước một kẻ thù “vô hình”, song song với việc phân lập virus trong phòng thí nghiệm, chiến lược then chốt được thực hiện tại cộng đồng, đó là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Các hoạt động giám sát được thực hiện một cách mạnh mẽ để truy vết, xét nghiệm chẩn đoán, cách ly, điều trị các trường hợp nhiễm virus SARS-COV-2, nhằm cắt đứt đường lây truyền mầm bệnh. Thực hiện một cách xuất sắc chiến lược này chính là những cán bộ y tế làm công tác dự phòng.
Tại các tuyến y tế, hệ thống Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) luôn trong tâm thế sẵn sàng bước vào cuộc chiến. Bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhớ lại, ngày khai xuân mùng 6 Tết Canh Tý, thay bằng họp mặt chúc mừng năm mới và Tết trồng cây là Hội nghị triển khai công tác phòng chống Covid-19.
Tối 6/3/2020, khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại TP. Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã huy động tổng lực thực hiện nhiệm vụ điều tra dịch tễ, xét nghiệm, khử khuẩn, khoanh vùng, cách ly các ca lây nhiễm và nghi nhiễm. Có thời điểm, Trung tâm cùng lúc cử 200 cán bộ, nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm - điều mà trước đây chưa từng có.
“Nhờ có sự tổ chức, sắp xếp chuyển đổi hệ thống y tế dự phòng sang mô hình CDC mà chúng tôi có thể tập trung được nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu công việc” - bác sĩ Khổng Minh Tuấn cho biết.
Khi dịch xảy ra ở xã Hạ Lôi, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng xét nghiệm cho hơn 11.000 người dân trên địa bàn xã. Khẩn trương cả ngày lẫn đêm, mỗi cán bộ CDC Hà Nội đã phải làm việc với 200% sức lực. Trung bình mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, thậm chí hạn chế cả uống nước để tránh lây nhiễm virus trong khi làm nhiệm vụ.
Hối hả, khẩn trương, làm việc đến quên mình, những cán bộ y tế dự phòng thuộc 65 đội phản ứng nhanh của Hà Nội túc trực không kể ngày hay đêm, có lệnh là lên đường. Bác sĩ Phương Anh - Phó GĐ Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng - TP. Hà Nội nhớ lại, khi trên địa bàn quận có ca nhiễm đội phản ứng nhanh lập tức có mặt tại nhà bệnh nhân, lấy mẫu, xét nghiệm, phun khử khuẩn khu vực xung quanh.
Cùng với việc kiểm soát mối nguy trong cộng đồng, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của CDC Hà Nội căng sức phối hợp với quân đội, công an, dân quân tự vệ, hải quan… quản lý và phòng chống dịch trong các khu cách ly, sân bay, cửa khẩu quốc tế đảm bảo an toàn cho hàng chục nghìn công dân từ nước ngoài trở về. Trong những ngày ấy, nhiều cán bộ của trung tâm đã không thể về nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người thân.
“Chúng tôi cũng sợ nhiễm bệnh nhưng sợ hơn là dịch lây lan trong cộng đồng. Vì thế chúng tôi luôn tâm niệm phải bảo vệ bản thân, không để mình là nguồn lây. Bởi khi làm nhiệm vụ, các cán bộ của CDC luôn phải đối mặt với “kẻ thù” vô hình khi chưa biết rõ ai là người mang virus gây bệnh”, bác sĩ Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ.
Trước những lần bùng phát dịch Covid-19, Hà Nội và nhiều địa phương đã chặn đứng đường lây truyền của mầm bệnh. Điều này tạo sự ổn định cho xã hội, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. Trong thành công này có sự nỗ lực không mệt mỏi của những cán bộ y tế dự phòng.
Nhưng sau những thời điểm toàn tâm toàn ý, dốc sức chống dịch, tâm tư của các y bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có những lúc trĩu nặng khi những cố gắng của cả tập thể gần 500 con người đã bị ảnh hưởng bởi một vài cá nhân sai phạm trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế. BS Khổng Minh Tuấn - Phó GĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật HN cho rằng, vụ việc đáng tiếc này như “con sâu làm rầu nồi canh” và ông không khỏi chạnh lòng khi những đóng góp của các cán bộ y tế CDC Hà Nội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa được ghi nhận một cách thỏa đáng:
Trải qua một năm đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm nhất từ trước đến nay, mái tóc vị bác sĩ đã có 33 năm gắn bó với y tế dự phòng như bạc hơn. Nhưng BS Khổng Minh Tuấn và các đồng nghiệp vẫn luôn sẵn sàng bước vào những trận chiến mới đầy cam go phía trước để thực hiện nhiệm vụ là “người gác cổng”, là tấm lá chắn bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh./.
Nhóm phóng viên VOV2