Thai làm tổ trên sẹo tử cung được liệt vào dạng tai biến thai sản nguy hiểm bởi có thể gây vỡ tử cung, tổn thương các cơ quan khác như ruột, bàng quang…
Tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mổ đẻ
Chửa lạc vị trí là hiện tượng thai làm tổ tại vết sẹo mổ tử cung do lần sinh nở trước hoặc mổ bóc khối u. Giải thích về hiện tượng “thai lạc vị trí”, BSCKII Vũ Ngân Hà, Phó Chủ nhiệm khoa Phụ ngoại, BV Phụ sản Trung ương cho biết, thông thường sau khi được thụ tinh, trứng sẽ di chuyển bám vào vùng đáy tử cung để làm tổ, sinh trưởng vì đây là vị trí có lớp nội mạc đủ dày để thai nhi phát triển an toàn. Nhưng với thai phụ có vết sẹo cũ ở tử cung, vì một lý do bất thường trứng có thể “kẹt” trên vết sẹo, làm tổ và phát triển thành túi thai. Túi thai này trong quá trình phát triển sẽ bám vào cơ tử cung (ở eo tử cung), đây là một vị trí có lớp cơ mỏng nên các gai của bánh rau có thể gây chèn ép tổn thương bàng quang và ruột.
“Do mô sẹo không có tính đàn hồi như các mô lành, nếu thai làm tổ ở đây dễ làm rách vết mổ gây sảy thai hoặc phát triển không tốt. Chửa tại sẹo mổ tử cung nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và có thể tử vong ngay trên bàn mổ nếu không cầm máu kịp thời”, BS Hà nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia sản khoa, thai làm tổ trên sẹo tử cung có thể được chia làm hai dạng: Thứ nhất, gai nhau xâm nhập phía trước sẹo mổ có xu hướng phát triển về phía eo - cổ tử cung hoặc hướng lên trên buồng tử cung. Chỉ dạng thai phát triển về buồng tử cung là có thể sống được, còn thai phát triển về eo - cổ tử cung có nguy cơ gây băng huyết phải bỏ thai. Dạng 2: gai rau thâm nhập sâu vào trong sẹo mổ và có xu hướng phát triển vào bàng quang, trong ổ bụng. Dạng này tiến triển dẫn tới biến chứng vỡ tử cung trong lúc mang thai, gây chảy máu ồ ạt và nguy cơ đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi. Nguy hiểm hơn, thai phụ đã từng sinh mổ còn nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược gây chảy máu phải cắt tử cung cấp cứu, nứt vết mổ, vỡ tử cung ở những trường hợp có sẹo mỏng trong 3 tháng cuối thai kỳ, tăng nguy cơ tổn thương các cơ quan như ruột, bàng quang trong ca mổ.
Nguy cơ mất tử cung
Thống kê từ BV Phụ sản Trung ương, nếu năm 2001 tỷ lệ mổ lấy thai khoảng 20% trong đó có 71 ca thai làm tổ trên sẹo tử cung thì năm 2018 tỷ lệ mổ đẻ tăng hơn 50% và số sản phụ bị thai làm tổ trên sẹo tử cung lên tới 674. Nguyên nhân phần lớn là do các thai phụ chọn giờ sinh đúng ngày giờ đẹp và sợ đau khi chuyển dạ…
Khoa Phụ ngoại BV Phụ sản Trung ương, trung bình mỗi tuần hút 25 ca chửa trên vết mổ tử cung. Trường hợp thai phụ N.T.B (28 tuổi, ở Nghệ An) cũng thuộc diện như thế. Chị B cho biết, khi biết tin mang thai lần thứ 2 (sau lần mổ đẻ trước 13 tháng), hai bên nội ngoại đều vui mừng. Nhưng khi thai được 9 tuần tuổi thì chị thấy âm đạo rỉ máu nâu đen, chị B đến BV Sản nhi Nghệ An khám thì phát hiện chửa tại vết mổ đẻ cũ. Lập tức, các bác sĩ cho chị B chuyển đến BV Phụ sản Trung ương. “Tôi rất hoang mang khi các bác sĩ nói trường hợp của tôi nếu cố giữ thai thì khả năng cao sẽ mất tử cung, vì có thể vỡ tử cung bất kỳ lúc nào và nguy cơ tai biến, chảy máu, tổn thương ruột và bàng quang, trực tràng. Nếu bỏ thai thì cũng chưa chắc giữ được tử cung”, chị B lo lắng nói.
“Khi đã chẩn đoán thai làm tổ trên sẹo tử cung, thai phụ phải được điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ điều kiện. Khi thực hiện phẫu thuật đòi hỏi phải nhanh, chính xác để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra”, BSCKII Vũ Ngân Hà.
|
Là bác sĩ trực tiếp khám và tư vấn cho thai phụ N.T.B, BSCKII Vũ Ngân Hà cho biết: Đây là ca rất nan giải bởi thai làm tổ trên vết mổ thấp phía dưới, đã tăng sinh mạch máu vùng tiểu khung, dính vào các tạng xung quanh. Cứ tưởng tượng túi thai bây giờ như biển hồ chứa đầy huyết từ các nhánh sông đổ về, có nguy cơ vỡ ồ ạt và băng huyết bất cứ lúc nào. Do vậy, khi phẫu thuật nguy cơ mất máu rất cao vì có thể cắt bàng quang, trực tràng... Theo y văn, trường hợp như thế phải cắt tử cung lên tới 99%. Tuy nhiên, nếu phát hiện thai ở tuần tuổi thứ 6-7, thì có thể áp dụng nút mạch, bảo tồn tử cung tới 90%.
“Thai làm tổ trên sẹo tử cung cũ không thể giữ được vì thai càng lớn, nguy cơ vỡ tử cung càng cao. Việc bỏ thai trong những trường hợp này cũng rất nan giải, đòi hỏi chuyên môn cao. Vì vậy, khi có thai cần được đi thăm khám sớm, được đánh giá cẩn thận, kiểm tra và theo dõi tại các bệnh viện chuyên khoa sẽ giúp phát hiện kịp thời và xử trí sớm” - bác sĩ Hà khuyến cáo, đồng thời lưu ý, hiện nay việc phát hiện thai làm tổ trên sẹo tử cung sớm nhất khi thai 5-6 tuần nhờ siêu âm. Có trường hợp không biểu hiện triệu chứng, có trường hợp rỉ máu âm đạo, đau âm ỉ vùng bụng dưới… Việc loại bỏ thai tại vết mổ dù phẫu thuật hay hút điều hòa kinh nguyệt không hề đơn giản, bởi luôn có nguy cơ chảy máu và cắt bỏ tử cung và phải theo dõi 6-12 tháng cho đến khi vết mổ ổn định. Do vậy, phụ nữ đã có vết sẹo tử cung khi có thai tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc gây sảy thai và nạo hút tại cơ sở không có chuyên môn vì có thể gây vỡ tử cung, dẫn đến băng huyết, nguy hiểm tới tính mạng./.
Giang Hương